Quy hoạch và phát triển bền vững đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Hội thảo Quy hoạch và phát triển bền vững đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm làm rõ mô hình đô thị phát triển bền vững cho vùng.

Sáng 18/7, tại Hậu Giang, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Hội thảo nhằm góp phần triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết 148-NQ/CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu tại buổi Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho biết: Sau hơn 35 năm đổi mới, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Chất lượng quy hoạch đô thị chưa cao, phát triển đô thị chưa thực sự bền vững, theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các đô thị ngày càng diễn biến phức tạp, khả năng chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu của các đô thị còn thấp.

Từ thực trạng trên, Nghị quyết 06 đã đề ra yêu cầu phải đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch theo hướng quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch... Trong đó, xác định quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.

Riêng đối với phát triển đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nghị quyết 06 đã đề ra yêu cầu phải tăng mật độ đô thị và ưu tiên đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu của các đô thị.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, vùng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh, thành phố; là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội… Tuy vậy toàn bộ 13 tỉnh, thành phố tại đồng bằng sông Cửu Long đều có nguy cơ ngập, trong đó một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao như TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên (Kiên Giang), TP. Cà Mau (tỉnh Cà Mau), TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), TP. Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) và TP. Cần Thơ.

Với tính chất quan trọng của vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 04 năm 2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để triển khai các định hướng nêu trên của Nghị quyết 06 và các nghị quyết, chiến lược liên quan, một trong những yêu cầu quan trọng là phải tích hợp được các yêu cầu về khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu vào trong các quy hoạch phát triển đô thị.

Do đó, tại hội thảo này sẽ làm rõ mô hình đô thị phát triển bền vững cho các đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long là gì? Đồng thời, với các đặc điểm riêng của các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long hội thảo cũng tìm ra hướng để tích hợp rủi ro vào quy hoạch và chính sách phát triển đô thị của các đô thị cho vùng.

Đức Hiếu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quy-hoach-va-phat-trien-ben-vung-do-thi-vung-dong-bang-song-cuu-long-262689.html