Quy hoạch và phát triển vốn rừng
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/9/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng đến năm 2020, cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành lâm nghiệp đã quyết liệt vào cuộc nhằm nâng diện tích rừng trồng mới, bảo vệ và phát triển diện tích rừng hiện có, tạo sinh kế từ rừng, tăng thu nhập cho người dân.
(Ảnh chụp trước ngày 27/4)
Tại bản Huổi Khe, xã Mường Cai (Sông Mã), người dân nơi đây đã có những cách làm để giữ những cánh rừng xanh tốt. Anh Sồng A Páo, Trưởng bản, cho biết: Bản có hơn 60 hộ, gần 400 nhân khẩu; bản đang quản lý và bảo vệ 766 ha rừng cộng đồng. Lực lượng kiểm lâm địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với xã, bản xây dựng nội quy, quy ước và hương ước bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân nhận khoán tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng, giúp người dân nhận thấy giá trị, tầm quan trọng của rừng đối với đời sống, từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng. Nhiều gia đình ở bản đã chủ động đăng ký trồng rừng, chăm sóc tốt rừng trồng. Điển hình như các gia đình ông Sồng A Páo, Sồng A Nhịa, Sồng A Pó... vươn lên thoát nghèo nhờ trồng rừng.
5 năm qua, toàn tỉnh trồng được 14.203 ha rừng tập trung, 2.300 nghìn cây phân tán các loại, khoanh nuôi tái sinh 40.305 ha; diện tích có rừng tăng từ 598.998 ha (năm 2016) lên 641.144 ha (năm 2020), tương ứng độ che phủ từ 42,4% (năm 2016) lên 45,4% (năm 2020). Giá trị và các nguồn thu từ môi trường rừng giai đoạn 2016 đến hết năm 2019 trên 600 tỷ đồng, bình quân đạt 152 tỷ đồng/năm.
Tỉnh cũng đã hoàn thành công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là gần 817.900 ha, chiếm 58% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh; thực hiện việc cắm mốc ranh giới 3 loại rừng. Trong đó, trọng tâm là cắm mốc phân định ranh giới của các khu rừng đặc dụng, gồm: Khu rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp, rừng đặc dụng Xuân Nha, khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, khu rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu, rừng đặc dụng Tà Xùa. Tổ chức rà soát, thu hồi 17 vị trí đất rừng sản xuất của chủ rừng là cộng đồng có quy mô tối thiểu 50 ha trở lên, hiện đang quản lý, sử dụng kém hiệu quả để thực hiện các dự án đầu tư phát triển lâm nghiệp với diện tích 1.715 ha trên địa bàn các xã Cà Nàng, Chiềng Khay, Mường Giôn, Mường Chiên (Quỳnh Nhai)…
Ông Lương Ngọc Hoan, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt ổn định 50% (bao gồm cả diện tích cây ăn quả trên đất dốc); từng bước nâng cao chất lượng rừng... Chi cục Kiểm lâm tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ, phát triển rừng trong nhân dân; củng cố hệ thống tổ chức quản lý, gắn với tăng cường bảo vệ tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp. Tham mưu rà soát, cập nhật và kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng của địa phương trong kỳ quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030.
Cùng với đó, Chi cục phối hợp với các địa phương quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có; rà soát thay thế diện tích trồng cây hàng năm, lâu năm kém hiệu quả bằng rừng trồng có năng suất cao; tham mưu điều chỉnh cơ cấu giống cây lâm nghiệp trồng rừng theo hướng tăng cây đa tác dụng, đa mục tiêu tạo điều kiện tăng thu nhập cho người làm nghề rừng. Đẩy mạnh công tác chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng và triển khai kịp thời các chính sách để khuyến khích người dân phát triển rừng sản xuất. Chủ động, nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy và sạt lở đất rừng; hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra; xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp…
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã đề nghị UBND tỉnh cân đối bố trí kinh phí để rà soát, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp làm cơ sở để quản lý bảo vệ rừng, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và các chương trình, dự án, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp; đề xuất với các bộ, ngành Trung ương xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù riêng đối với lĩnh vực lâm nghiệp như cơ chế giải ngân vốn đầu tư các công trình lâm sinh.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng, cùng tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng, diện tích đất rừng trên địa bàn tỉnh đang được giữ vững và ngày càng phát huy lợi ích từ rừng đem lại, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/quy-hoach-va-phat-trien-von-rung-42553