Quy hoạch và quản lý chặt karaoke, tránh để máu đào rơi vì giặc lửa
Từ sự hy sinh để giữ bình yên, hạnh phúc và thậm chí là mạng sống cho người dân của 3 cảnh sát PCCC, chúng ta phải giải ngay bài toán quy hoạch, quản lý karaoke
Khi theo dõi vụ việc cháy quán karaoke chiều ngày 1/8/2022 ở số 231 phố Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội khiến ba chiến sĩ công an hy sinh, tôi vừa tiếc thương vừa vô cùng căm giận những sai sót không đáng có từ loại hình kinh doanh hốt bạc nhưng cũng đầy nguy hiểm và nhiều tai tiếng này.
Sự hy sinh của Thượng tá Đặng Anh Quân, Trung úy Đỗ Đức Việt và chiến sĩ Nguyễn Đình Phúc là quả cảm và đã cứu được tám người ra khỏi lưỡi hái tử thần. Sự hy sinh đó cho thấy phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân Vì nước quên thân, vì dân phục vụ, cũng chính là sự xả thân dũng cảm vì tính mạng của nhân dân, đã dùng chính mạng sống của mình đem về mạng sống cho người khác không phải ai cũng làm được.
Các anh ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của người thân ruột thịt, đồng đội, đồng chí, đồng bào nhưng cũng thật nghẹn ngào, tức tưởi, như thấy có cái gì đó sai sót cần khắc phục trong cuộc sống văn minh hôm nay.
Loại hình kinh doanh karaoke không chỉ lần đầu tiên gây cháy nhà chết người, mà biết bao phi vụ đâm chém, sử dụng trái phép chất ma túy, bay lắc, thanh toán đẫm máu, táng gia bại sản, sụp đổ sự nghiệp, gắn với sự tha hóa của một số cán bộ đảng viên. Điều gì đang diễn ra khi nhiều quán karaoke còn ẩn chứa những nấm độc văn hóa như tệ rượu chè, mại dâm, ca nhạc kiểu “bàn tay vàng”…
Trong lúc đại dịch Covid-19 như cơn bão tàn phá khủng khiếp sức người sức của gần ba năm qua khiến người dân rơi vào khó khăn cùng cực thì bỗng nhiên xảy ra vụ cháy nổ nghiêm trọng chết một lúc ba chiến sĩ công an đang đầu xanh tuổi trẻ, có người mới vừa tròn mười chín tuổi như binh nhì Nguyễn Đình Phúc. Nhìn vào sự thất thần, vô hồn, sống không bằng chết của người mẹ trẻ của Phúc, tôi thấy đã đến lúc phải quản lý chặt chẽ hơn nữa loại hình kinh doanh karaoke.
Kinh doanh karaoke là loại hình kinh doanh có điều kiện. Nhưng những điều kiện đó nhiều khi đã bị xem nhẹ hoặc buông lỏng quản lý. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết TP. Hà Nội vẫn còn chưa quy hoạch chặt chẽ hệ thống cửa hàng hoạt động kinh doanh karaoke.
Về vấn đề bỏ ngỏ quy hoạch hoạt động karaoke, một vị từng là Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội trả lời trên báo Tiền Phong rằng: “Hà Nội từng triển khai quy hoạch karaoke. Trước đây lãnh đạo UBND TP. Hà Nội từng giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội lập và trình quy hoạch karaoke. Tuy nhiên, khi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang thực hiện thì Luật Quy hoạch được ban hành (2017) không cho phép có thêm các quy hoạch chuyên ngành nên Sở đã phải dừng lại. Tuy vậy, thành phố sau đó đều có các văn bản chỉ đạo quản lý Nhà nước các hoạt động kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường”. Và rồi đâu đâu cũng thấy các quán karaoke mọc lên. Có cả một “ngành công nghiệp không khói” để các em gái trẻ miệt Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng… độ tuổi mơn mởn xuân thì ra Bắc hoạt động phục vụ trong các nhà hàng, quán karaoke.
Sự hy sinh của ba chiến sĩ công an là do sập các cấu kiện trong quán hát karaoke khi cứu người mắc kẹt. Phải chăng do còn thiếu các văn bản quy định khe khắt về lắp đặt các thiết bị trong phòng hát karaoke. Trang trí cho các quán karaoke thường thấy đua nhau làm những loại màu mè, toàn loại dễ bắt lửa. Các cấu kiện mô phỏng từ Thượng đế tới Diêm Vương kèm theo âm thanh xuyên óc khiến nhiều người dân rất sợ sống cạnh nhà hàng, tụ điểm kinh doanh karaoke.
Nhớ lại vụ cháy quán karaoke khiến 13 người thiệt mạng năm 2016 tại 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy càng thấy nỗi lo năm xưa vẫn chưa cũ hôm nay? Theo báo Tiền Phong, trong bài Quy hoạch karaoke ở Thủ đô: Khoảng trống đã đưa ra thông tin khiến chúng ta đáng phải xem lại: “Karaoke từng được đưa vào quy hoạch và phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ý tưởng này bị gạt đi tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP. Hà Nội Khóa XIV. Nhiều đại biểu còn tranh cãi xem nên coi kinh doanh karaoke thuộc lĩnh vực kinh tế hay văn hóa, thế rồi quyết định để nó phát triển theo nhu cầu thực tế”.
Trở lại chuyện ba chiến sĩ hy sinh, tôi luôn có cảm giác ám ảnh khi nhìn vào ánh mắt thất thần của những người thân trong gia đình ba liệt sĩ. Mãi cộm lên câu hỏi, rất nhiều lần cháy quán karaoke gây chết người - trách nhiệm này thuộc về ai?
Tôi mong rằng các cấp có thẩm quyền hãy mau chóng xác lập hành lang từ pháp luật tới quản lý Nhà nước thật thỏa đáng và nghiêm khắc với loại hình kinh doanh này…
Nhà văn Phùng Văn Khai