Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung phải có tính mở và linh hoạt
Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung phải có tính mở và linh hoạt phục vụ cho sự phát triển; phải xác định được bản sắc, lợi thế mỗi tiểu vùng.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung phải là vùng phát triển nhanh, bền vững
Ngày 11/10, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (lần thứ 2) thảo luận về Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dù có nhiều khó khăn, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung vẫn có nhiều tiềm năng, lợi thế khác biệt so với các vùng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng để Vùng phát triển đột phá trong thời gian tới, cần xác định tầm nhìn phát triển đến năm 2050, phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung theo đúng tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị là vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực Châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng trọng yếu. Dành nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông và logistics kết nối nội vùng và liên vùng, trong đó chú trọng việc nâng cao hiệu quả vận tải hàng hóa, đặc biệt là hàng hải và đường sắt kết nối Bắc - Nam, Đông - Tây, đảm nhận vai trò cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên.
Phát triển không gian kinh tế ven biển có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung phát triển một số khu vực động lực, cực tăng trưởng gắn với các trung tâm chuyên ngành về kinh tế biển lớn tầm khu vực và quốc tế, bao gồm tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 địa phương từ Thanh Hóa đến Quảng Trị định hướng là trung tâm công nghiệp của cả nước; tiểu vùng Trung Trung Bộ gồm 5 địa phương từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định với định hướng phát triển đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông đến biển thuộc Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi thành vùng động lực quốc gia, trong đó Đà Nẵng là cực tăng trưởng quốc gia theo đúng định hướng của Quy hoạch tổng thể quốc gia; Tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm 4 địa phương từ Phú Yên đến Bình Thuận, trong đó, phát triển trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo lớn ở Ninh Thuận, Bình Thuận.
Bên cạnh đó, thu hút, kết nối và huy động mọi nguồn lực đầu tư, mọi thành phần kinh tế để đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tăng cường hợp tác và liên kết liên tỉnh cho phát triển kinh tế - xã hội như: Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình; Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa. Thúc đẩy các hoạt động liên kết phát triển vùng để quản lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên.
Phát triển hệ thống đô thị, đặc biệt là dải đô thị ven biển, gắn kết chặt chẽ với phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Ngoài ra, phát triển toàn diện kinh tế - văn hóa - xã hội - môi trường. Chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, bãi ngang, hải đảo; phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng….
Quy hoạch vùng phải đặt mục tiêu cụ thể và có những giải pháp đột phá thực hiện
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết đây là lần đầu tiên dự thảo quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung lấy ý kiến. Theo Phó Thủ tướng, việc quy hoạch phải xác định trên quan điểm quy hoạch vùng không phải là phép cộng chung của quy hoạch tỉnh, mà đưa ra những vấn đề chung của toàn vùng. Quy hoạch vùng sẽ lựa chọn những vấn đề các địa phương trong vùng cùng quan tâm; hoặc những công trình ở một địa bàn, địa phương cụ thể nhưng lại có tính lan tỏa, động lực cho sự phát triển của cả vùng.
Phó Thủ tướng đề nghị quy hoạch vùng phải có tính mở và linh hoạt để phục vụ cho sự phát triển. Cần phải xác định những tiêu chí, vấn đề cụ thể sẽ đưa vào quy hoạch, từ đó, xác định phạm vi, đối tượng trong quy hoạch.
Đồng ý với đề xuất chia vùng thành 3 tiểu vùng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị quy hoạch phải xác định được điểm chung, tương đồng, xác định được bản sắc, lợi thế của từng tiểu vùng để phát triển; phát huy tính tương đồng để liên kết phát triển chứ không phải vì nhiều tính tương đồng mà cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau. “Tôi nhấn mạnh về mặt tư duy, phương pháp luận để làm sao phát huy tiềm năng lợi thế, tạo ra lợi thế trong vấn đề khai thác từng tiểu vùng”, Phó Thủ tướng nói.
Cũng theo Phó Thủ tướng, quy hoạch vùng khi được phê duyệt phải có tác động lớn, lâu dài và phải đặt ra mục tiêu cụ thể. Trong dự thảo quy hoạch mục tiêu chưa có tính tham vọng vì vậy chưa có những giải pháp đột phá cho vùng.
Phó Thủ tướng đề nghị dự thảo quy hoạch phải bổ sung thêm vấn đề an ninh quốc phòng. “Khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là khu vực trọng yếu, nhưng trong dự thảo quy hoạch chưa thấy đề cập đến vấn đề an ninh quốc phòng. Phải xác định quốc phòng đi cùng với kinh tế, phát triển kinh tế phải đi với đảm bảo an ninh quốc phòng”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị tư vấn cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương; các địa phương gửi góp ý về dự thảo quy hoạch vùng ở góc độ tiếp cận cho cả vùng, liên kết giữa vùng này với vùng khác để đảm bảo quy hoạch khi được phê duyệt sẽ phát huy hiệu quả.