Quy hoạch xây dựng vùng hoạch định hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung

Quy hoạch xây dựng vùng với vai trò dự báo, hoạch định các kế hoạch phát triển hệ thống đô thị, nông thôn, cơ sở công nghiệp, vùng phát triển, hạn chế phát triển và đặc biệt là các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung như các tuyến giao thông cao tốc, quốc lộ, đường sắt… và các đầu mối giao thông như cảng sông, cảng biển, cảng hàng không, cảng cạn…

4 vị trí dự kiến cảng hàng không quốc tế thứ hai trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Những hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung (phần cứng) được xác định là nền tảng phát triển cho các cấu trúc đô thị, công nghiệp, dịch vụ thương mại (phần mềm).

Trong các hệ thống đầu mối hạ tầng kỹ thuật khung mang tính liên vùng, hệ thống cảng hàng không có một vai trò quan trọng trong tạo nên các động lực phát triển mạnh, là cửa ngõ gắn kết giao thương quốc tế góp phần quan trọng trong xây dựng nền tảng hạ tầng hiện đại, tiếp cận với công nghệ thế giới thuận tiện, dễ dàng.

Có thể thấy ví dụ cho sự thay đổi nhanh chóng kinh tế - xã hội dựa trên lợi thế về hệ thống hạ tầng khung là tỉnh Thái Nguyên. Năm 2013, Thái Nguyên chỉ có kim ngạch xuất khẩu khiêm tốn 245 triệu USD nhưng sau 4 năm (2017) đã đạt đến 23,5 tỷ USD (gấp gần 96 lần). Thái Nguyên thu ngân sách năm 2014 đạt 4.862 tỷ đồng nhưng đến năm 2017 đã đạt trên 12.600 tỷ đồng.

Sự thay đổi nhanh chóng này chủ yếu do quá trình đầu tư, hoạt động hiệu quả đối với các sản phẩm công nghệ cao, điện thoại di dộng của Tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên. Một trong những lợi thế của Thái Nguyên là khu vực đầu tư nhà máy có kết nối trực tiếp qua cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên với cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đây là đầu mối giao thương, kết nối quan trọng với toàn thế giới của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam.

Ngoài các yếu tố về kỹ thuật, với lợi thế nghiên cứu trên phạm vi quy mô lớn, các đồ án quy hoạch xây dựng vùng luôn xem xét các tác động bao gồm cả tích cực và tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội môi trường đến sự phát triển hệ thống hạ tầng khung. Đặc biệt là các liên kết không gian vùng lãnh thổ với các quy mô khác nhau từ quy mô đô thị, tỉnh đến vùng tỉnh hoặc vượt qua ranh giới hành chính của một đô thị, một tỉnh.

Trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tiếp thu các định hướng, phân tích, chiến lược, định hướng phát triển của quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc Bộ đến 2020; Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đến năm 2020 và các quy hoạch chuyên ngành khác.

Qua đó dự báo các đề xuất đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, đặc biệt là lựa chọn vị trí cho cảng hàng không quốc tế thứ hai. Cụ thể giai đoạn 2030 -2050 cần dự kiến phát triển sân bay thứ hai với quy mô 2.000 đến 2.500ha có thể tại Tiên Lãng, Hải Phòng; Thanh Miện, Hải Dương; Ứng Hòa, Hà Nội; Lý Nhân, Hà Nam.

Trong đó dự kiến sân bay tại Hải Dương đã được đưa vào trong ý tưởng quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hải Dương cách đây hơn 10 năm dựa trên nghiên cứu của cố Nhà giáo nhân dân, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thế Bá (Chủ tịch danh dự Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam).

Theo quan điểm của Giáo sư được đăng trên Báo Dân Trí (2006) cho rằng: “Hải Dương là nơi đắc địa”: Hải Dương đáp ứng đầy đủ những tiêu chí cần phải có của một cảng hàng không có vị thế “lực hút”, lôi kéo sự phát tiển của toàn khu vực. Đây là điểm nằm trong tam giác tăng trưởng kinh tế phía Bắc.

Đường cao tốc số 5 mới nối liền Hà Nội - Hải Phòng sắp được khởi công là “dải lụa” kéo dài chuỗi đô thị từ Hà Nội - Hải Phòng, theo cách nhìn của người làm công tác kiến trúc đô thị, đó là chuỗi sáng của miền Bắc. Chưa kể đây cũng là khu vực nằm trong đường vành đai 4 - 5 của Hà Nội kết nối Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang…

Có thể thấy việc nghiên cứu đề xuất các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đầu mối luôn là vấn đề khó và có ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng lãnh thổ nhất định. Nghiên cứu trong quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hải Dương đã là cơ sở để đề xuất trong nghiên cứu cấp vùng liên tỉnh tại đồ án quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội.

Mặc dù là những ý tưởng cần được cụ thể hóa, nhưng những phân tích, dự báo về tầm nhìn phát triển lâu dài dựa trên các đánh giá và xây dựng các động lực phát triển tại quy hoạch xây dựng cấp tỉnh trong quy hoạch xây dựng vùng là có giá trị quan trọng.

Đặc biệt, đối với những công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối quan trọng càng cần có tầm nhìn lâu dài của quy hoạch xây dựng vùng để dành lại các quỹ đất phát triển khi có điều kiện.

Bangkok, Thái Lan là một ví dụ đáng tham khảo, mặc dù đã có hệ thống cảng hàng không Don Muong bắt đầu hoạt động thương mại từ năm 1924, có vị trí phía Bắc thành phố, quy mô khoảng 3.600ha với sân bay và các công trình dịch vụ kèm theo, công suất 30 - 36 triệu hành khách, 700.000 tấn hàng hóa.

Nhưng năm 1973 chính quyền Thái Lan đã dự liệu đến phát triển sân bay thứ hai tại phía Đông cách Bangkok khoảng 40km thành phố với quỹ đất khoảng 3000ha.

Năm 2002, Thái Lan đã xây dựng mới cảng hàng không thứ hai, Suvarbabhumi hoàn thành và khai thác tháng 9/2006 với chi phí đầu tư hơn 5 tỷ USD.

Năm 2015, đã đạt công suất tối đa giai đoạn một với ngưỡng 45 triệu lượt hành khách/năm. Dự kiến sân bay sẽ được đầu tư giai đoạn hai tăng năng suất lên 120 triệu hành khách/năm bao gồm quốc tế và nội địa.

Về mặt vị trí và chức năng, hai sân bay Don Muong và Suvarbabhumi đều xác định phục vụ cho vùng Thủ đô Bangkok (Bangkok Metropolitan Region) có quy mô 7.762 km2, gồm 5 tỉnh lân cận, trong đó sân bay cũ Don Muong là sân bay được sử dụng cho mục đích hỗn hợp dân sự và quân sự tương tự như sân bay Nội Bài hiện nay.

Tại Việt Nam, sự lựa chọn vị trí tương lai của sân bay Long Thành đã được nghiên cứu và phân tích trong quy hoạch xây dựng vùng TP Hood Chí Minh với các kết nối của vùng lãnh thổ đô thị trong vùng, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là cửa ngõ kết nối quốc tế, quốc gia và khu vực.

Rõ ràng phát triển hàng không hiện đại và xây mới các cảng hàng không tầm cỡ mang tính chất vùng đô thị là xu thế chung được cả thế giới coi trọng và phát triển, đó cũng là quan điểm của ICAO (Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế) tức là, nếu ta có một sân bay tốt thì cả một vùng địa lý rộng lớn cùng hưởng lợi.

Nếu như sự lựa chọn sân bay thứ hai cho Hà Nội sớm được nghiên cứu, quyết định, Thủ đô Hà Nội, vùng Thủ đô Hà Nội hay các đô thị trong vùng đồng bằng sông Hồng chắc chắn sẽ chịu những tác động, thay đổi định hướng phát triển kinh tế - xã hội và có thêm các động lực phát triển mới.

Sự thay đổi của hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung quan trọng như cảng hàng không quốc tế sẽ có tác động ngay và trực tiếp đến chiến lược và chính sách phát triển trên quy mô vùng lãnh thổ, sau đó cần được dự báo, cụ thể hóa hoặc xem xét điều chỉnh trong các đồ án quy hoạch xây dựng vùng cấp tỉnh, thành phố là một yêu cầu cần thiết và quan trọng đối với các địa phương.

Đặc biệt, các nghiên cứu trong quy hoạch xây dựng vùng sẽ xác định vị trí, tính chất, dự báo quy mô đất đai cần dự trữ trong giai đoạn lâu dài của các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối như sân bay cần được cụ thể hóa trong các dự án đầu tư và hoàn thành đầu tư các hệ thống này, đảm bảo là vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố và có tác dụng lan tỏa trên phạm vi vùng lãnh thổ.

TS. KTS. Nguyễn Hoàng Minh
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/quy-hoach-xay-dung-vung-hoach-dinh-he-thong-ha-tang-ky-thuat-khung.html