Quỹ Hợp tác Mekong-Hàn Quốc hỗ trợ các nước tiểu vùng Mekong nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu
Chiều ngày 28/12, khóa đào tạo Chương trình Lãnh đạo Mekong tại Việt Nam đã bế mạc sau 5 ngày triển khai tại thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang.
Đây là một trong những hoạt động của dự án “Chương trình Lãnh đạo Mekong và các hoạt động nâng cao năng lực” (Mekong LEAD - Mekong BUILD) do Quỹ Hợp tác Mekong - Hàn Quốc tài trợ.
Khóa đào tạo do Ban Quản lý dự án, Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao phối hợp với Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ tổ chức. Đại diện các bộ, ngành, địa phương của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam công tác trong các lĩnh vực môi trường, nông nghiệp, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước và ngoại giao đã tham gia Khóa đào tạo rất sôi nổi và hiệu quả.
Với mục tiêu “chia sẻ thông tin tốt hơn, phối hợp chặt chẽ hơn, cùng xây dựng tương lai tốt đẹp hơn”, Khóa đào tạo được thiết kế kết hợp giữa các bài trình bày của các nhà nghiên cứu với các trao đổi kinh nghiệm thực tế của các nước, thực hành các kỹ năng xây dựng chính sách.
Trong chương trình khóa đào tạo, các học viên cũng được trải nghiệm thực tế tại khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của xâm nhập mặn tại tỉnh Kiên Giang.
Học viên từ các nước Campuchia, Lào và Myanmar hiểu hơn về những thách thức mà đồng bằng sông Cửu Long, khu vực hạ nguồn sông Mekong, đang đối mặt do tác động của biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, Mùa khô 2015-2016 hạn hán và xâm nhập mặn đạt kỷ lục trong vòng 100 năm, đã gây thiệt hại hơn 7.900 tỷ đồng. Mùa khô năm 2019-2020, hạn hán xâm nhập mặn tái diễn, mặn lấn xâu vào 10-12km và kéo dài, bên cạnh đó là sụt lún đất, sạt lở, đe dọa đến sinh kế của người dân hai bên bờ sông.
Qua tham quan hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, các học viên hiểu hơn về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong tìm kiếm giải pháp hạn chế tác động tiêu cực của xâm nhập mặn, tạo điều kiện ổn định bền vững đối với mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn, lợ luân phiên cho khu vực diện tích trên 348 ngàn ha.
Tại một trang trại nuôi tôm công nghệ cao, các học viên được tìm hiểu về công nghệ nuôi tôm sinh học tiên tiến, giảm thiểu khí thải cacbon, tăng sản lượng trong khi bảo đảm chất lượng tôm xuất khẩu. Những mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao này góp phần tạo việc làm cho người nông dân có thu nhập ổn định, giải quyết kế sinh nhai.
Hiểu hơn về những thách thức chung của tiểu vùng, các học viên đã kiến nghị nhiều giải pháp để xây dựng một tiểu vùng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, các nước Mekong cần tích cực thúc đẩy hợp tác và phối hợp của cả các nước thượng nguồn và hạ nguồn trong sử dụng và bảo tồn dòng sông chung, tạo cơ chế chia sẻ dữ liệu nguồn nước sông Mekong.
Các học viên cũng nhất trí rằng, tất cả các nước đều cần có trách nhiệm trong sử dụng nguồn nước và tài nguyên chung của lưu vực sông Mekong. Một số giải pháp khác được kiến nghị như: phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, chuyển đổi số, giáo dục…
Kết thúc khóa học, các học viên đánh giá cao tính hiệu quả và thực tiễn mà họ thu được sau 5 ngày thảo luận, trải nghiệm thực tế và mong muốn được tham gia những khóa nâng cao năng lực tương tự.