Quý I-2020 có thể nộp phạt vi phạm giao thông qua điện thoại

Chủ trương quan trọng nhất hiện nay là phải tăng cường công khai, minh bạch, giảm tham nhũng vặt nên các cơ quan sẽ quyết tâm triển khai việc này.

Sáng 10-1, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức cuộc họp về việc triển khai tích hợp với cổng dịch vụ công quốc gia các dịch vụ: Thu tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; thu phí, lệ phí trước bạ đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; cấp giấy xác nhận số chứng minh nhân dân.

Tiết kiệm 6 triệu ngày công và hơn 1.300 tỉ đồng

Báo cáo về nội dung đầu tiên, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan thông tin ngày 1-1, VPCP đã tổ chức làm việc với các bộ, ngành (công an, tài chính, GTVT, y tế, ngân hàng nhà nước) để trao đổi, thống nhất về giải pháp triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia đối với việc thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo đó, việc thu tiền nộp phạt sẽ thực hiện áp dụng đối với xử phạt thuộc thẩm quyền của CSGT và thanh tra giao thông. Nếu thực thi phương án này, người bị xử phạt sẽ tiết kiệm được ít nhất 1,5 ngày làm việc để thực hiện công đoạn từ nhận quyết định xử phạt, đi nộp phạt đến nhận giấy tờ, phương tiện. Với khoảng 4 triệu trường hợp vi phạm lập biên bản mỗi năm theo thống kê, xã hội sẽ tiết kiệm được khoảng 6 triệu ngày công và hơn 1.300 tỉ đồng/năm.

Ông Phan cũng cho biết có ý kiến cho rằng việc “tạo thuận lợi” khi nộp phạt như vậy sẽ đi ngược với chủ trương phải quy định trình tự, thủ tục nộp phạt chặt chẽ, phức tạp song song với việc tăng mức phạt để tăng tính răn đe, phòng ngừa. Tuy nhiên, chủ trương quan trọng nhất hiện nay là phải tăng cường công khai, minh bạch, giảm tham nhũng vặt nên các cơ quan vẫn quyết tâm triển khai việc này.

CSGT TP.HCM kiểm tra, lập biên bản tài xế vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Tự Sang

CSGT TP.HCM kiểm tra, lập biên bản tài xế vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Tự Sang

Đại diện Bộ Công an “không dám hứa”

Liên quan đến việc thu tiền xử phạt vi phạm giao thông trên hệ thống cổng dịch vụ công quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng đây là việc “không thể đừng” khi tình trạng sử dụng rượu, bia bừa bãi, thiếu kiểm soát đang diễn ra phổ biến trên đường. Đặc biệt từ ngày 1-1-2020, quy định tăng cường chế tài xử phạt lỗi “nồng độ cồn” khi điều khiển phương tiện giao thông cũng khiến các phần việc, giao dịch gia tăng.

“Tôi đã gặp tình huống người say đi xe máy còn tạt đầu, trêu chọc, thách thức xe dẫn đường của cảnh sát” - ông Mai Tiến Dũng nói và cho rằng số lượng xử phạt gia tăng thì công việc, chi phí cũng gia tăng. Nếu thủ tục phức tạp, người vi phạm có tiền cũng không dễ dàng nộp tiền được.

“Cần tính tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm nộp tiền phạt, sớm lấy lại giấy tờ” - ông Dũng nói thêm và đề nghị Bộ Công an, Cục CSGT triển khai dịch vụ thu tiền phạt trực tuyến sớm nhất có thể.

Tham dự cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Phùng Đức Thắng và Phó Trưởng phòng Tham mưu Cục CSGT Vương Ngọc Bắc nêu nhiều khó khăn, vướng mắc. Hai vị đại diện này “không dám hứa” sẽ triển khai được các thủ tục yêu cầu trên cổng dịch vụ công quốc gia trong quý I. “Khi có kinh phí sẽ chủ động về thời gian được nhưng hiện chưa có phương án” - ông Phùng Đức Thắng nhấn mạnh và chỉ hứa “sẽ làm một cách nhanh nhất khi bộ có chủ trương và quyết định cấp kinh phí”.

8,1 triệu là số lượt giao dịch trên cổng dịch vụ công quốc gia tính từ ngày 9-12-2019 đến nay.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, trong quý I-2020 sẽ đưa thêm lên cổng khoảng 20 dịch vụ, trong đó dự kiến Bộ Công an, Bộ Tài chính sẽ tích hợp, đưa lên cổng dịch vụ công quốc gia ba dịch vụ mới gồm: Thu tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; thu phí, lệ phí trước bạ đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và cấp giấy xác nhận số chứng minh nhân dân.

“Nếu còn muốn giữ, co kéo lợi ích thì khó”

Không hài lòng với câu trả lời trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết ông đã hai lần làm việc với Cục CSGT. Dữ liệu cục đã có, giờ chỉ còn bước kết nối chia sẻ. Theo ông, nếu đầu tư dự án bằng ngân sách sẽ rất lâu do phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công. Do vậy, đề nghị cục tiếp cận theo hướng để doanh nghiệp đầu tư và cục thuê lại.

“Quan trọng nhất là CSGT có muốn làm không? Ai cũng khen tốt, nói là muốn làm nhưng quan trọng là có muốn làm không? Nếu các anh còn muốn giữ, muốn co kéo lợi ích này kia thì có giời mới làm được” - ông Dũng nói và khẳng định tư tưởng hiện nay của cục là không muốn chia sẻ.

Ông Dũng thông tin đã làm việc với Cục CSGT từ tháng 10-2019 về việc này nhưng đến nay cục này vẫn “chưa rục rịch thêm được gì”.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng phàn nàn thời đại công nghệ mà hiện mẫu biên bản xử phạt vi phạm giao thông vẫn dài tới bốn trang giấy. Một cảnh sát viết được một biên bản cũng mất cả buổi, sao giải quyết được hết công việc?

Giải trình thêm, ông Vương Ngọc Bắc cho hay muốn triển khai dịch vụ công trên cổng dịch vụ công quốc gia thì cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm và đăng ký xe là rất quan trọng và cần thiết. Cục đã đầu tư trang bị hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm từ năm 2012. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên mới triển khai tới 42 địa phương và chưa thực hiện tới công an cấp huyện.

Từ đầu năm 2019, cục đã báo cáo bộ đề xuất bổ sung kinh phí trang cấp cho 21 tỉnh còn lại. Đến cuối năm 2019, các thủ tục đấu thầu mới hoàn thành, hiện cục đang tập trung sửa đổi phần mềm để đáp ứng yêu cầu của dịch vụ công.

Ông Bắc hứa sẽ “nhanh nhất có thể” đưa thủ tục xử lý vi phạm hành chính lên cổng dịch vụ công và thông tin cục đã làm việc với phía VNPT, cơ bản đã có mô hình kết nối để đưa cơ sở dữ liệu lên cổng dịch vụ công quốc gia.

Đề nghị cấp căn cước công dân trên cổng dịch vụ công quốc gia

Với nhóm thủ tục, dịch vụ của Bộ Công an, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá hiện người dân rất bức xúc và phản ánh nhiều, nhất là về việc xác nhận số chứng minh nhân dân khi đã có căn cước công dân. Sự thay đổi từ số chứng minh thư sang số căn cước, do sự thay đổi số cũ - số mới dẫn tới nhiều phiền phức. Trong khi thủ tục chứng thực lại quá phức tạp, nhất là liên quan tới các giao dịch tại ngân hàng. Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan, VPCP đã chính thức có văn bản đề nghị Bộ Công an triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ này trên cổng dịch vụ công quốc gia.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/quy-i2020-co-the-nop-phat-vi-pham-giao-thong-qua-dien-thoai-883180.html