Quý I/2023, BaF Việt Nam ghi nhận lỗ hoạt động cốt lõi 3,49 tỷ đồng

Lợi nhuận gộp của CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF – sàn HoSE) tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong quý đầu năm 2023.

Thoát lỗ quý đầu năm nhờ lợi nhuận khác

BaF Việt Nam vừa công bố Báo cáo tài chính quý I/2023. Trong đó, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 816,54 tỷ đồng, giảm 46,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 3,91 tỷ đồng, giảm 95,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 9,2% về còn 7,8%.

Được biết, BaF Việt Nam niêm yết lần đầu ngày 3/12/2021. Trong đó, theo dữ liệu iBoard của Chứng khoán SSI, từ quý I/2021 tới nay, chưa quý nào có lợi nhuận thấp kỷ lục 3,91 tỷ đồng. Như vậy, mức lợi nhuận quý I/2023 là mức thấp kỷ lục từ khi niêm yết tới nay.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 55% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 77,63 tỷ đồng, về 63,48 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 422,5%, tương ứng tăng thêm 18,04 tỷ đồng, lên 22,31 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 50,7%, tương ứng tăng thêm 15,03 tỷ đồng, lên 44,66 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 10,17 tỷ đồng, lên 6,88 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 3,29 tỷ đồng) và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý I/2023, BaF Việt Nam ghi nhận lỗ 3,49 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 107,21 tỷ đồng.

Như vậy, lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Trong đó, công ty chỉ thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác.

Biên lợi nhuận gộp hoạt động chăn nuôi heo đang suy giảm tại BAF

Biên lợi nhuận gộp hoạt động chăn nuôi heo đang suy giảm tại BAF

Nếu xét cơ cấu lợi nhuận gộp theo lĩnh vực, trong quý I/2023, lợi nhuận gộp lĩnh vực bán nông sản giảm 87,4% so với cùng kỳ, về 5,03 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp lĩnh vực giảm từ 3,2% về còn 1,1%; đối với lĩnh vực chăn nuôi, lợi nhuận gộp giảm 41,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm về 59,22 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 34,5% về còn 17,3%.

Được biết, trong năm 2023, BaF Việt Nam đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 7.525,91 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 301,43 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2023, BaF Việt Nam mới hoàn thành được 1,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Bên cạnh kinh doanh lao dốc, trong quý I/2023, dòng tiền kinh doanh chính của BaF Việt Nam tiếp tục âm 136,4 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 98,3 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 167,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương, 667,6 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Như vậy, trong quý đầu năm 2023, BaF Việt Nam đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh bị thâm hụt và đồng thời mở rộng đầu tư.

Được biết, năm 2022, BaF Việt Nam vừa ghi nhận dòng tiền kinh doanh thâm hụt 269,4 tỷ đồng.

Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của BaF Việt Nam tăng 26,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.260,8 tỷ đồng, lên 5.989,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.686,1 tỷ đồng, chiếm 28,1% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 1.424,9 tỷ đồng, chiếm 23,8% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 1.070,3 tỷ đồng, chiếm 17,9% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 615,3 tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, tài sản biến động mạnh chủ yếu tồn kho tăng 61,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 543,1 tỷ đồng, lên 1.424,9 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 12,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 183,6 tỷ đồng, lên 1.686,1 tỷ đồng…

Đặc biệt, trong quý đầu năm 2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 53,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 513,9 tỷ đồng, lên 1.473,3 tỷ đồng, bằng 77,5% vốn chủ sở hữu (đầu năm chỉ bằng 55,1% vốn chủ sở hữu).

Công ty mới lên sàn hơn 1 năm, cựu Chủ tịch HĐQT Phan Ngọc Ấn đã thoái hết vốn, rút khỏi HĐQT

BaF Việt Nam dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 10/5. Trong đó, Công ty trình cổ đông miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Phan Ngọc Ấn do có đơn xin từ nhiệm. Đồng thời, Công ty dự kiến bầu bổ sung 1 thành viên thay thế. Tuy nhiên, Công ty vẫn chưa công bố tên ứng viên.

Trước đó, ngày 11/4, BaF Việt Nam nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Phan Ngọc Ấn với lý do cá nhân không thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò thành viên HĐQT.

Theo tìm hiểu, ông Phan Ngọc Ấn sinh năm 1976 và đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT BaF Việt Nam từ tháng 3/2021 tới nay.

Được biết, cổ phiếu BAF niêm yết trên sàn HoSE ngày 3/12/2021. Trong đó, trước thời điểm niêm yết, ông Phan Ngọc Ấn giữ chức Chủ tịch HĐQT BaF Việt Nam từ ngày 2/3/2021, đồng thời sở hữu lên tới 30% vốn điều lệ tại BaF Việt Nam (ngày 30/6/2021). Tuy nhiên, ngày 15/3/2022, BaF Việt Nam thực hiện miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT đối với ông Phan Ngọc Ấn và đồng thời bầu bổ sung ông Trương Sỹ Bá vào vị trí Chủ tịch HĐQT.

Sau khi cổ phiếu BAF niêm yết sàn HoSE, ông Phan Ngọc Ấn liên tục bán ra và giảm sở hữu và tính tới cuối năm 2022, ông Phan Ngọc Ấn đã thoái ra toàn bộ và không sở hữu cổ phần nào tại BaF Việt Nam.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/4 - phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, cổ phiếu BAF giảm 150 đồng về 20.400 đồng/cổ phiếu.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quy-i2023-baf-viet-nam-ghi-nhan-lo-hoat-dong-cot-loi-349-ty-dong-d188822.html