Quý I/2024, Hòa Phát ước đạt 2.800 tỷ đồng lợi nhuận
Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng quý I/2024, Tập đoàn Hòa Phát vẫn đạt 31.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế là 2.800 tỷ đồng, chưa kể 200 tỷ bù chênh lệch tỷ giá, nộp ngân sách trên 4.000 tỷ đồng.
Ngày 11/4/2024, Công ty Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, thông qua mục tiêu kinh doanh 2024 là 140.000 tỷ đồng doanh thu và 10.000 tỷ lợi nhuận sau thuế.
Vững vàng chất thép
Thời gian qua, Hòa Phát ưu tiên quản trị tốt dòng tiền, hàng tồn kho, sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thị trường, bám sát tiến độ đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2, đảm bảo kiểm soát hiệu quả các dự án.
Năm 2023, Hòa Phát ghi nhận 120.355 tỷ đồng doanh thu và 6.800 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 16% và 19% so với năm 2022. Lợi nhuận năm 2023 đạt 85% kế hoạch và giảm so với cùng kỳ 2022, chủ yếu do lĩnh vực kinh doanh thép giảm 22% lợi nhuận so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của mảng thép (gồm gang thép và sản phẩm thép) lần lượt chiếm 93% và 92% của toàn Tập đoàn. Hòa Phát chủ trương tối ưu hóa hoạt động các trang trại chăn nuôi hiện có, nhờ vậy lợi nhuận nhóm nông nghiệp tăng 236% so với năm 2022. Lĩnh vực bất động sản hoàn thành chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch được giao.
Mảng điện máy gia dụng ra mắt hàng loạt sản phẩm mới, hướng đến sự tiện nghi và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Sản lượng bán hàng tăng trưởng mạnh nhờ phân phối đa kênh. Hòa Phát đã cung cấp hàng loạt sản phẩm như điều hòa, máy làm mát không khí, tủ đông, tủ mát, máy lọc nước, bếp từ, máy hút mùi…
Đầu năm 2024, Tập đoàn ra mắt hàng loạt máy lọc nước 3 chức năng, máy lọc nước RO tủ đứng, máy lọc nước RO để gầm thế hệ mới…
Doanh thu từ hoạt động xuất khẩu đạt 36.077 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD và đóng góp 30% tổng doanh thu của Tập đoàn. Tổng cộng hơn 2,2 triệu tấn sản phẩm thép của Hòa Phát đã được xuất khẩu tới trên 30 quốc gia khắp năm châu. Hoạt động xuất khẩu giúp đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đồng thời góp phần thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam.
Năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 9.000 tỷ đồng, được bình chọn Top 1 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất và xếp thứ 8 trong Top 10 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023; Top 10 Thương hiệu mạnh nhất Việt Nam; Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam; Top 30 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam.
Hướng mạnh vào sản xuất thép chất lượng cao
Về kế hoạch kinh doanh 2024, ban lãnh đạo HPG nhận định, nền kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn còn nhiều ẩn số, tín hiệu phục hồi chưa rõ nét, biến động về tỷ giá, lãi suất cùng các yếu tố khác trên thị trường thế giới.
Trên cơ sở đó, Hòa Phát theo dõi sát diễn biến thị trường để điều hành sản xuất kinh doanh cho phù hợp. Cụ thể, Tập đoàn đặt mục tiêu năm 2024 là 140.000 tỷ đồng doanh thu, 10.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Ông Long cho biết, trong quý I/2024, Tập đoàn Hòa Phát vẫn đạt 31.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế là 2.800 tỷ đồng, chưa kể 200 tỷ bù chênh lệch tỷ giá. Nộp ngân sách trên 4.000 tỷ đồng.
Lĩnh vực sản xuất gang thép và sản phẩm thép đóng góp khoảng 90% kết quả này.
Quý I/2024, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 2,1 triệu tấn thép thô, tăng 70% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 1,85 triệu tấn, tăng 34% so với quý I/2023.
Quý đầu năm, thép xây dựng, thép chất lượng cao của Hòa Phát đạt sản lượng 956.000 tấn, tăng 10%. Thép cuộn cán nóng đạt 805.000 tấn, tăng 67% so với 3 tháng đầu năm ngoái. Ống thép Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 131.000 tấn trong quý I/2024, giảm 18% so với 3 tháng đầu năm 2023. Tôn mạ các loại đạt sản lượng 98.000 tấn, tăng 40% so với cùng kỳ 2023, trong đó lượng tôn xuất khẩu 3 tháng qua tăng trưởng mạnh, đóng góp tới hơn 61.000 tấn.
Liên quan dự án Dung Quất 2, lãnh đạo HPG cho biết, dự án có tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao/năm. Dự án được triển khai từ quý I/2022, đến đầu năm 2024 đã đạt trên 50% toàn bộ các hạng mục chính. Hòa Phát phấn đấu hoàn thành những hạng mục đầu tiên (như dây chuyền cán nóng HRC) vào cuối 2024. Theo kế hoạch, phân kỳ 1 của dự án sẽ đi vào hoạt động vào đầu quý I năm 2025.
Ông Thắng cũng cho hay, với tay nghề của người lao động hiện có thì năm 2025, Dự án Dung Quất 2 có thể sản xuất được 2 triệu tấn HRC. Nếu cộng với 3 triệu tấn HRC của Nhà máy Dung Quất 1 thì lên khả năng cung cấp là 5,5-6 triệu tấn trong năm 2025.
Tập đoàn Hòa Phát xác định cơ cấu sản phẩm của dự án Dung Quất 2 và các dự án trong tương lai sẽ hướng mạnh vào sản xuất thép cán nóng (HRC) chất lượng cao phục vụ nhu cầu các ngành cơ khí chế tạo. Tập đoàn cũng chú trọng đầu tư theo chiều sâu để sản xuất các mác thép đòi hỏi kỹ thuật khó hơn, dùng làm nguyên liệu cho sản xuất ốc vít, tanh lốp ô tô, cáp, thép dự ứng lực,…
Về các kế hoạch đầu tư trong thời gian tới, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho hay, Hòa Phát phải làm việc khó. Hiện HPG đang nghiên cứu việc sản xuất tôn silic phục vụ cho sản xuất mô tơ điện dùng trong chế tạo biến thế và xe điện. Cạnh đó là làm thép cho đường ray xe lửa.
“Nếu làm tôn silic, HPG sẽ làm từ đầu tới cuối. Ngoài ra HPG cũng đang nghiên cứu làm thép cho đường ray xe lửa cho các tàu tốc độ cao có vận tốc 800 - 1.000 km/h. Nếu Việt Nam quyết tâm đầu tư đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao thì HPG sẽ quyết tâm để tham gia cung cấp”, ông Long nói.
Bên cạnh Dự án Dung Quất 2 đang được khẩn trương xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát cũng đang có kế hoạch đầu tư thêm Khu liên hợp thép mới tại Phú Yên – được gọi là Dự án Dung Quất 3 với quy mô đầu tư 5 tỷ USD.
Trước các câu hỏi của cổ đông về việc “Hòa Phát có đầu tư vào sản xuất bauxit tại Đăk Nông hay không”, ban lãnh đạo HPG cũng cho hay, Hòa Phát đã vào khảo sát nghiên cứu bauxit tại Đắk Nông – nơi có trữ lượng lớn và cũng được tỉnh dành cho vùng nghiên cứu. Tuy nhiên, cách đây 2 tháng, HPG đã trả lời với lãnh đạo tỉnh là sẽ dồn lực, tập trung cao độ cho sản xuất thép. Dù chưa bỏ mối quan tâm nhưng nếu đơn vị nào có tiềm lực hơn thì tỉnh cứ dành cho họ.
Cũng trước mối quan tâm của cổ đông về ngành vận tải biển khi Hòa Phát đã có đội tàu vận chuyển than, quặng và đầu tư vào sản xuất container, Ban lãnh đạo Hòa Phát cũng cho biết, mục tiêu dồn sức vẫn là đầu tư vào thép.
Với mảng bất động sản, Hòa Phát cũng cho biết sẽ tập trung vào bất động sản công nghiệp, còn bất động sản là khu đô thị và chung cư thì chỉ hoàn tất các dự án hiện có đã có pháp lý rõ ràng.
Đại hội đồng cổ đông HPG đã thông qua tất cả các nội dung họp, như kế hoạch kinh doanh, phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2023 với tỷ lệ 10%; tỷ lệ chia cổ tức dự kiến năm 2024 là 10%. Cổ đông HPG cũng biểu quyết thông qua việc bổ sung 02 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 gồm ông Chu Quang Vũ và ông Đặng Ngọc Khánh, đưa số thành viên HĐQT HPG lên thành 9 người.
Liên quan đến việc Hòa Phát và Formosa nộp đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá mặt hàng thép cán nóng (HRC), ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cũng cho hay, không thể chấp nhận được việc sản xuất trong nước có 6,7 triệu tấn HRC mà nhập khẩu lên tới 9,6 triệu tấn HRC trong năm 2023.
“Việc lo lắng của một số doanh nghiệp tôn mạ màu về điều tra bởi lo ngại bị áp thuế cao, khiến chi phí sản xuất bị cao lên là bình thường. Tuy nhiên tôi xin nói rõ rằng Hòa Phát và Formosa chỉ khởi kiện một vài công ty Trung Quốc bán phá giá HRC chứ không phải tất cả. Đây là những doanh nghiệp mà giá bán thậm chí còn thấp hơn nhiều doanh nghiệp sản xuất thép HRC lớn ở Trung Quốc và chính bên kia cũng rất bức xúc, muốn rõ ràng”, ông Long nói.
Vẫn theo Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá là theo tiêu chuẩn của WTO và rất bình thường. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có trách nhiệm phân định rõ ràng việc này.
Tuy nhiên, ông Long cũng chia sẻ rằng, trước khi là cổ đông của Hòa Phát, các quý vị cổ đông ở đây đều là công dân Việt Nam thì nên ủng hộ sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm, an sinh xã hội.
Nhất là khi thép là "bánh mì của công nghiệp", hay nhìn vào các cuộc xung đột gần đây trên thế giới thì cũng dễ dàng nhận thấy, thép rất có ý nghĩa với công nghiệp quốc phòng quốc gia. Bởi vậy, mong mọi người hãy ủng hộ sản xuất trong nước nói chung, nhất là các ngành công nghiệp thượng nguồn.
“Nước nào cũng ủng hộ sản xuất trong nước và không thể chấp nhận hàng nước ngoài tràn vào, áp đảo sản xuất trong nước. Không một nước nào trên thế giới này chấp nhận lượng thép nhập khẩu lại lớn hơn sản xuất trong nước”, ông Long nói và cho hay, 30 năm trước Việt Nam chỉ sản xuất có 300.000 tấn thép và chưa có tên trên bản đồ thép thế giới, thì nay đã tự hào khi đã có tên trên bản đồ, đặc biệt là sản xuất được thép chế tạo, thép cao cấp. Việt Nam hiện cũng là nước sản xuất thép lớn nhất ASEAN với trên 20 triệu tấn.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quy-i2024-hoa-phat-uoc-dat-2800-ty-dong-loi-nhuan-d212754.html