Quý IV-2020 đảm bảo đủ nguồn cung thịt lợn

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, cần tiếp tục áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp từ nhập khẩu con giống, nhập khẩu lợn sống, nhập khẩu thịt kết hợp đẩy mạnh tái đàn chăn nuôi gắn với an toàn sinh học để từng bước chủ động được nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước vào cuối quý 3, đầu quý IV-2020.

Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2020, chăn nuôi trên địa bàn cả nước vẫn có nhiều thuận lợi, nên đàn trâu bò, gia cầm phát triển mạnh. Đối với chăn nuôi lợn, đến nay, có 9 tỉnh tăng đàn lợn đạt hơn 100% so với trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi; 9 tỉnh, TP tái đàn được hơn 90%...

Riêng đàn lợn thịt của 15 DN chăn nuôi lớn tính đến hết tháng 6-2020 đạt hơn 4,16 triệu con, tăng so với trước lúc xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi hơn 66%, tăng 31% so với đầu tháng 1-2020. Hiện nay, đàn lợn nái cả nước đạt hơn 2,9 triệu con, tăng 7% so với đầu năm 2019, đạt 99,8% so với kế hoạch của quý II-2020.

Theo nhận định của Cục Chăn nuôi, sản xuất chăn nuôi 6 tháng cuối năm sẽ vẫn gặp khó khăn, tuy nhiên so với những lĩnh vực nông nghiệp khác, chăn nuôi vẫn đang có nhiều thuận lợi hơn khi dịch bệnh tả lợn châu Phi đã được kiểm soát tốt hơn. Bên cạnh đó, không gian thị trường sản phẩm chăn nuôi đang rất rộng mở, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu. Hiện có nhiều DN, HTX chăn nuôi quy mô lớn đã tăng quy mô và đầu tư công nghệ vào chăn nuôi theo chuỗi liên kết mang lại hiệu quả cao.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đảm bảo được an toàn sinh học kể cả chăn nuôi lợn chuồng hở vẫn mang lại thành công và an toàn cho người chăn nuôi. Ảnh: TL

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đảm bảo được an toàn sinh học kể cả chăn nuôi lợn chuồng hở vẫn mang lại thành công và an toàn cho người chăn nuôi. Ảnh: TL

Cục Chăn nuôi đặt mục tiêu với mặt hàng thịt heo năm 2020 tăng 15 - 17%, gia cầm tăng 13 - 15% và sản lượng thịt, tăng 12 - 13% về sản lượng trứng, đàn bò tăng 5 - 6% về sản lượng thịt và 9 - 10% về sản lượng sữa... Ước tính năm 2020, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 6 - 8% so với năm 2019.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi dự kiến 6 tháng cuối năm đạt 10,55 triệu tấn, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2019, nâng tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi cả năm 2020 đạt 20,5 triệu tấn, tăng 8,2% so với 2019. Trong đó, thức ăn cho lợn chiếm 53%, gia cầm 43%. Ước tính, năm 2020, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 6 - 8% so với năm 2019.

Theo ông Nguyễn Xuân Đương, quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi, với chăn nuôi lợn, xác định 6 tháng cuối năm phải tập trung mọi nguồn lực từ con giống, nguồn vốn, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để tái đàn bằng mọi giá, mục tiêu quý IV-2020 phải đủ sản lượng thịt lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, 6 tháng cuối năm 2020, dịch bệnh Covid-19 trên người sẽ còn rất phức tạp, dịch tả lợn châu Phi vẫn luôn tiềm ẩn, hạn hán, thiên tai, lũ lụt năm nay rất có thể sẽ diễn biến khó lường, từ đó có thể trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng lớn tới ngành chăn nuôi.

Theo ông Phùng Đức Tiến, yêu cầu khối chăn nuôi phải luôn chủ động, không được phép lơ là chủ quan với dịch bệnh, thiên tai để tiếp tục duy trì và giữ vững mực tiêu tăng trưởng của ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung năm 2020.

Với chăn nuôi lợn, cần tiếp tục áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp từ nhập khẩu con giống, nhập khẩu lợn sống, nhập khẩu thịt kết hợp đẩy mạnh tái đàn chăn nuôi gắn với an toàn sinh học để từng bước chủ động được nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước vào cuối quý III, đầu quý IV-2020.

Ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thực tế chứng minh, an toàn sinh học là giải pháp quan trọng hàng đầu mang lại hiệu quả rõ rệt với chăn nuôi lợn trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị. Đảm bảo được an toàn sinh học kể cả chăn nuôi lợn chuồng hở vẫn mang lại thành công và an toàn cho người chăn nuôi.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặc biệt lưu ý là cần khuyến khích, hỗ trợ DN đẩy mạnh khâu chế biến để kích cầu tiêu dùng, kích cầu xuất khẩu, bởi hiện tỷ trọng chế biến của ngành chăn nuôi nước ta còn rất thấp. Bên cạnh đó, cần phải chú trọng đầu tư vào khoa học công nghệ trong chăn nuôi bởi đây là cốt lõi, gốc rễ của mọi ngành nghề.

Minh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quy-iv-2020-dam-bao-du-nguon-cung-thit-lon-202582.html