Quy mô kinh tế số chiếm hơn 20% GRDP của Đà Nẵng

Công nghiệp công nghệ thông tin và kinh tế số tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng của Đà Nẵng, khi quy mô kinh tế số đã chiếm 20,69% GRDP, vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2025.

Ngày 8/10, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã có buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian qua.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) và kinh tế số của Thành phố tiếp tục có đóng góp lớn cho tăng trưởng.

Công nghệ số được tích hợp vào các ngành, lĩnh vực, tạo động lực đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, chuyển dịch nền kinh tế theo hướng kinh tế số.

Doanh thu công nghiệp CNTT tăng trưởng bình quân 10-15%/năm; kim ngạch xuất khẩu phần mềm tăng trưởng 15%/năm.

Đặc biệt, quy mô kinh tế số năm 2023 chiếm 20,69% GRDP Thành phố, vượt chỉ tiêu năm 2025 là 20%. Thành phố có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, cao gấp 3 lần tỷ lệ trung bình cả nước.

Thường trực Thành ủy Đà Nẵng chúc mừng Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Thường trực Thành ủy Đà Nẵng chúc mừng Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Sự phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp công nghệ số địa phương, từng bước làm chủ công nghệ, phát triển các sản phẩm nền tảng, ứng dụng Make in Da Nang được các giải thưởng quốc gia, quốc tế và đã triển khai nhân rộng tại nhiều địa phương khác; tạo nền tảng để phát triển các lĩnh vực mũi nhọn mới như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, công tác triển khai chuyển đổi số và xây dựng Thành phố thông minh của Đà Nẵng cũng đã nhiều kết quả nổi bật. Trong 3 năm liên tiếp (2021-2023), Đà Nẵng xếp hạng Nhất chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá.

Đà Nẵng cũng 5 năm liên tiếp (2020-2024) đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam do Hội Truyền thông số Việt Nam đánh giá; 4 năm liên tiếp (2020-2023) đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam.

Ngoài ra còn có Giải thưởng ASOCIO Smart City 2019 do Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương đánh giá; Giải thưởng Seoul Smart City 2023 ở hạng mục lấy người dân làm trung tâm (Human-Centricity) do Tổ chức các thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO) và Chính quyền thành phố Seoul đánh giá...

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc.

Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cũng cho biết, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của Thành phố Đà Nẵng cao nhất cả nước với 95%; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình là 65%.

Thông tin về Đề án Thành phố thông minh và Đề án chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, Đề án Thành phố thông minh giai đoạn đến năm 2025, đưa ra 6 nhóm mục tiêu; đến nay 4 nhóm mục tiêu đều đã có kết quả, sản phẩm như Trung tâm IOC, Nâng cấp Trung tâm dữ liệu, Hệ thống quan trắc môi trường, Truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Hai nhóm mục tiêu đang triển khai là Bệnh viện thông minh, Cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe công dân đang triển khai, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Với Đề án Chuyển đổi số, một số chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025 theo Nghị quyết số 05-NQ/TU và Đề án Chuyển đổi số đã hoàn thành sớm hạn,

Cụ thể như 100% dịch vụ công đủ điều kiện đã được cung cấp toàn trình; 94% hồ sơ trực tuyến; 100% văn bản điện tử được ký số, gửi nhận liên thông; 100% cơ quan cung cấp dữ liệu mở; cung cấp 1.200 bộ dữ liệu mở của cơ quan nhà nước trên Cổng Dữ liệu mở thành phố để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng…

Kinh tế số ngày càng có đóng góp lớn cho tăng trưởng của Đà Nẵng.

Kinh tế số ngày càng có đóng góp lớn cho tăng trưởng của Đà Nẵng.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng đánh giá cao những kết quả mà Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng đạt được.

Bí thư Đà Nẵng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng tập trung rà soát đánh giá cơ sở dữ liệu để có giải pháp nâng cao về chuyển đổi số; tiếp tục tham mưu bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ CNTT, chuyển đổi số. Đồng thời, hoàn thành cơ sở dữ liệu một số lĩnh vực trọng điểm về đất đai, y tế, dân cư, hộ tịch…

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng thống nhất tích hợp Đề án chuyển đổi số, Đề án Thành phố thông minh lại thành 1 để xây dựng, ban hành đề án mới.

Về Công viên phần mềm số 2, ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị Ban cán Đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở ngành khẩn trương góp ý vào phương án khai thác khu Công viên phần mềm số 2. Các sở ngành phải tham gia ý kiến trước ngày 15/10, để hoàn thiện trình cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án trước ngày 30/10/2024.

Về hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng và Đề án Phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh đến yêu cầu phải có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy cho lĩnh vực quan trọng này. Đồng thời phải lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia để xây dựng Đề án.

“Xây dựng Nghị quyết 136 phải đi nghe doanh nghiệp cần cái gì để xây dựng cơ chế, chứ không phải làm cơ chế xong rồi doanh nghiệp làm theo, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đây là ngành rất là đặc thù nên phải lắng nghe doanh nghiệp, chuyên gia”, ông Quảng phát biểu.

Hoàng Anh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quy-mo-kinh-te-so-chiem-hon-20-grdp-cua-da-nang-d226871.html