Quy mô kinh tế số có xu hướng gia tăng

Tính theo khu vực kinh tế, đóng góp kinh tế số của khu vực dịch vụ trong GDP hiện chiếm tỷ trọng cao nhất trong khi số hóa ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ trọng thấp nhất trong ba khu vực kinh tế.

Chuyển đổi số ở doanh nghiệp.

Chuyển đổi số ở doanh nghiệp.

Theo kết quả tính toán thử nghiệm của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt khoảng 12,75% và năm 2022 là 12,67%. Trong đó, ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,77% (chiếm 61,29%), số hóa các ngành khác đóng góp 4,91% (chiếm 38,71%).

Theo khu vực kinh tế, đóng góp kinh tế số của khu vực dịch vụ trong GDP cao nhất, bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt 6,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 6,11%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ trọng thấp nhất trong ba khu vực kinh tế, chỉ đóng góp khoảng 0,05% trong GDP.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết hoạt động của ngành kinh tế số lõi đã có những đóng góp quan trọng vào nền kinh tế số cũng như kinh tế nói chung ở Việt Nam, tập trung ở một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc...

Tuy nhiên do đặc thù kinh tế của mỗi địa phương nên tỷ trọng này ở các tỉnh/thành phố là khác nhau. Năm 2022, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 5 tỉnh, thành phố có tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP đạt hơn 20%; 7 tỉnh, thành phố có tỷ trọng từ 10-20%; 44 tỉnh, thành phố có tỷ trọng từ 5-10% và chỉ có 7 tỉnh, thành phố có tỷ trọng này dưới 5%.

Một số địa phương có tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số năm 2022 trong GDP cao chủ yếu do đóng góp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.

Đơn cử như Bắc Ninh, tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số năm 2022 trong GDP đạt 46,75%, Thái Nguyên đạt 34,24%, Bắc Giang đạt 32,42%, Hải Phòng đạt 27,22%, Vĩnh Phúc đạt 4,67%…

Giai đoạn 2020-2022, quy mô kinh tế số có xu hướng gia tăng, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động số hóa của các ngành kinh tế ngày càng được tăng cường, đặc biệt là các ngành dịch vụ có xu hướng số hóa ngày càng tăng giúp tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ trong GDP tăng từ 6,54% năm 2020 lên 6,61% năm 2022.

Hiện nay, xu hướng số hóa các ngành ở các địa phương ngày càng được đẩy mạnh thể hiện ở tỷ trọng số hóa của các ngành kinh tế đang có xu hướng tăng ở tất cả các địa phương.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: Dự kiến kết quả tính toán chỉ tiêu giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP của Việt Nam sẽ được công bố chính thức vào ngày 29/12/2023, cùng thời điểm họp báo công bố tình hình kinh tế-xã hội cả nước năm 2023.

Để có căn cứ biên soạn chỉ tiêu về kinh tế số, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê và Nghị định số 94/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã ban hành 230 chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong đó có chỉ tiêu Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước.

Thực hiện đo lường chỉ tiêu này, Tổng cục Thống kê đã khẩn trương nghiên cứu tài liệu hướng dẫn của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…, tham vấn chuyên gia của các tổ chức quốc tế và chuyên gia trong nước để tìm ra phương pháp tối ưu.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê đã hoàn thiện kết quả tính toán chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP giai đoạn 2020-2022. Đo lường đóng góp giá trị tăng thêm của kinh tế số vào tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam được tiếp cận từ cả phía cung và phía cầu, việc biên soạn chỉ tiêu này được thực hiện ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quy-mo-kinh-te-so-co-xu-huong-gia-tang-post786129.html