Nghề 'du mục'

Xóm Phúc Thành (xã Hóa Trung, Đồng Hỷ) có nghề nuôi ong từ hàng chục năm nay. Để lấy được nhiều mật, các hộ phải thường xuyên di chuyển đàn ong đến những vùng hoa. Vì thế bà con gọi vui công việc của mình là nghề du mục.

Gắn bó hằng ngày với con ong, nên người nuôi ong hiểu tường tận “đường đi lối về” của ong. Họ hiểu biết rõ về các loài hoa: Mùa Xuân có trăm hoa đua nở, ong thỏa thích làm mật; mùa Hè nắng nóng có hoa hướng dương, hồng leo, dạ yến thảo; mùa Thu trời trong mát có hoa dã quỳ, hoa sữa, thạch thảo; mùa Đông lạnh giá có hoa tam giác mạch, hoa cải, hoa trạng nguyên… mời gọi đàn ong tìm kiếm hương vị ngọt lành của trời đất.

Để công việc nuôi ong thuận lợi, từ 15 năm trước, một số hộ ở xóm Phúc Thành đã tham gia Tổ hợp tác nuôi ong. Ông Phạm Trung An, một trong những người có thâm niên nuôi ong lâu năm, đồng thời là người giàu kinh nghiệm về nghề ong, cho biết: Giữa các hộ nuôi ong cần có sự hợp tác tích cực. Qua đó, các hộ chia sẻ cho nhau những thông tin cần thiết, như khu vực hoa đàn ong của ai đó đang “lập trại”; khu vực hoa vừa được ong của hộ nào đó khai thác… tránh không bị “đụng hàng”.

Đồng thời, giữa các hộ nuôi có sự liên kết, hỗ trợ nhau trong vận chuyển đàn, trông coi và khai thác mật. Đặc biệt từ năm 2017, HTX nuôi ong Phúc Thành được thành lập, đi vào hoạt động, mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho các hộ thành viên.

Ngày đầu thành lập, HTX có 25 hộ thành viên, với gần 2.000 đàn ong. Sau 7 năm làm ăn có hiệu quả, HTX có thêm 12 hộ tham gia, nâng tổng số thành viên lên 37 thành viên, với hơn 3.000 đàn ong cho mật. Hộ nhiều nhất gần 400 đàn, hộ ít nhất nuôi 11 đàn. Năm 2023, sản lượng mật của HTX đạt gần 30 tấn, tổng doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng.

Từ khi thành lập, HTX đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan về kinh tế cũng như khoa học - kỹ thuật. Cụ thể là Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để HTX hoàn thiện các thủ tục cần thiết, đi vào hoạt động đúng luật. Năm 2023 HTX được Bộ Nông nghiệp - PTNT và Hội Nông dân hỗ trợ giàn máy tách thủy phân, nâng cấp chất lượng mật.

Đặc biệt là hầu hết các gia đình thành viên HTX được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi ong, kỹ thuật tạo ong chúa, kỹ thuật khai thác mật hiệu quả; cách phòng - tránh bệnh cho ong; được tham gia đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm chăn nuôi ong tại tỉnh Hà Giang và các mô hình chăn nuôi ong mang lại hiệu quả kinh tế trong tỉnh...

Lợi thế đất đai rộng rãi, có nhiều rừng và vườn cây ăn quả, đó là nguồn tài nguyên dồi dào cho đàn ong khai thác phấn hoa. Hơn nữa, Thái Nguyên là vùng đất mưa, nắng thuận hòa, mùa nào hoa nấy, nên sản phẩm mật ong tự nhiên của HTX và các hộ nuôi ong trong vùng luôn bảo đảm về hàm lượng dưỡng chất và đậm đà hương vị rừng núi. Mật ong của các hộ thành viên HTX được người tiêu dùng ưa chuộng, có bao nhiêu cũng bán hết.

Thêm một thuận lợi là từ cuối năm 2023, sản phẩm mật ong của HTX được UBND huyện Đồng Hỷ đánh giá phân hạng và cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Thương hiệu mật ong Phúc Thành như được chắp thêm cánh, tỏa hương thơm, bay xa đến nhiều thị trường trong nước.

Nếu tính bình quân thì mỗi hộ thành viên HTX nuôi 81 đàn ong. Tuy nhiên, HTX kiểu mới không tổ chức hoạt động theo cách “dong công phóng điểm”. Vào HTX nhưng ong nhà nào nhà nấy chăm, sản lượng mật của nhà nào nhà nấy dùng. HTX là tổ chức để các gia đình gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tương trợ, giúp nhau làm ăn có hiệu quả hơn. Tùy thuộc vào nguồn nhân lực nên có hộ nuôi nhiều, hộ nuôi ít. Nhiều nhất có các hộ: Hoàng Văn Tiến, Mai Văn Quảng, Hoàng Trung thông… nuôi thường xuyên từ 160 đến hơn 200 đàn ong. Hộ nuôi ít nhất là gia đình chị Phạm Thị Lý nuôi 11 đàn. Chị Lý đi làm công nhân ở khu công nghiệp nên tranh thủ vườn rộng, cây nhiều nuôi thêm chục đàn ong cải thiện cuộc sống.

Các hộ thành viên HTX đều tự hào mình biết nuôi ong từ hàng chục năm nay. Có bề dày kinh nghiệm, song khi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi ong, bà con được giải đáp một số hiện tượng khó khăn trước đây thường gặp trên đàn ong, song chưa biết cách xử lý hiệu quả.

Nay kết hợp kinh nghiệm với khoa học - kỹ thuật mới, bà con tự tin hơn khi đầu tư nhân đàn, tạo chúa, thậm chí đi vay mượn thêm vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi ong. Điển hình như hộ ông Phạm Văn Trường, ít năm trước nuôi 20 đàn, nay nhân lên hơn 370 đàn. Dự kiến năm 2024, gia đình ông đạt sản lượng 3,7 tấn mật ong.

Để ong cho mật nhiều, chất lượng tốt, ngoài nuôi tại vườn nhà, các hộ thường xuyên di chuyển đàn ong đến những nơi phong phú về nguồn hoa để có nguyên liệu cho ong làm mật. Giữa người nuôi ong và chủ vườn cây là “quan hệ cộng sinh”. Người nuôi ong đến đặt nhờ tổ tại các gốc cây, tạo cho ong có thời gian khai thác mật nhanh, chất lượng. Quá trình khai thác nguyên liệu làm mật, ong trực tiếp giúp thụ phấn cho hoa. Theo đó, vườn cây sai quả, cho năng suất cao, cả người nuôi ong và chủ vườn cùng nhờ ong mà thêm lợi nhuận.

Mùa thu hoạch mật ong bắt đầu từ tháng 3 cho đến hết tháng 9, đây là khoảng thời gian có tiết trời phù hợp cho muôn loài hoa khoe sắc, mời gọi ong đến làm mật. Cứ 12 đến 15 ngày khai thác mật 1 lần. bình quân 1 tổ ong cho từ 10 đến 12kg mật/năm. Vào mùa Đông, người nuôi ong cũng khai thác mật, nhưng chất lượng không cao. Lượng mật được làm vào thời điểm này chủ yếu dùng nuôi ong trong những ngày thời tiết rét đậm, rét hại.

Theo bước chân “du mục”, chứng kiến sự điềm tĩnh khi xử lý tình huống của họ mới cảm nhận được hết sự năng động, chuyên cần của người nuôi ong HTX Phúc Thành. Bận rộn, cũng là lúc vui nhất là khi các thành viên HTX hỗ trợ nhau khai thác mật. Trong bảo hộ kín bưng, mỗi người một việc: Lấy cầu ong ra khỏi tổ, chạy cầu, tách sáp, quay mật, trả cầu ong về tổ cũ… Tất cả cùng bận rộn như đàn ong làm mật. Bà Hoa cho biết thêm: HTX đang hoàn thiện hồ sơ về sản phẩm mật ong để tham dự bình chọn sản phẩm tiêu biểu năm 2024 của tỉnh.

Nhìn những bình mật ong sánh vàng, tôi mong HTX Phúc Thành và những người nuôi ong luôn gặt hái được những mùa mật ngọt.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202407/nghe-du-muc-b7d1da7/