Quy mô, số lượng, loại hình, phân bố cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc dài 1.449,566km, đi qua 7 tỉnh của Việt Nam (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh), tiếp giáp với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc. Trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, hai bên đã thống nhất xác định các cửa khẩu biên giới là khu vực nhất định dành cho người, hàng hóa, vật phẩm, phương tiện giao thông vận tải trực tiếp xuất, nhập cảnh, bao gồm cửa khẩu song phương và cửa khẩu quốc tế.
Căn cứ các thỏa thuận, hợp tác giữa hai bên (đặc biệt là quy định trong Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký ngày 18/11/2009) và quy định của pháp luật Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1199/QĐ-TTg ngày 14/10/2023 phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu chung là hình thành định hướng, lộ trình phát triển hệ thống cửa khẩu tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc trong trung hạn (đến năm 2030) gắn với tầm nhìn dài hạn (đến năm 2050) và xa hơn nữa; làm cơ sở cho các bộ, ngành và các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc triển khai việc đầu tư phát triển cửa khẩu biên giới phù hợp quy hoạch cửa khẩu; chuẩn hóa và hiện đại hóa hệ thống cửa khẩu theo hướng xanh, sạch; từng bước phát triển hệ thống cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh, phù hợp với nhu cầu, mức độ hội nhập của đất nước; tạo điều kiện cho giao lưu, qua lại biên giới và quản lý phù hợp với luật pháp của mỗi nước, pháp luật và thực tiễn quốc tế; phục vụ phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân ở khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc; thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu cụ thể; tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương và trung ương; tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc và qua Trung Quốc sang nước thứ ba theo hướng chính quy, hiệu quả, bền vững.
Phạm vi quy hoạch được xác định với cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu song phương trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, bao gồm 7 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quy hoạch này, đã nêu rõ vấn đề quy mô, số lượng, loại hình và phân bố cửa khẩu như sau:
Thứ nhất, trong mục tiêu cụ thể đến năm 2030, xác định quy mô số lượng, loại hình và phân bố cửa khẩu. Theo đó, dự kiến, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc có 26 cửa khẩu, trong đó có 14 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu song phương (bao gồm 20 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương) và 1 lối mở/cửa khẩu đặc biệt. Do đó, trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, xác định: Mở, nâng cấp 8 cửa khẩu quốc tế, 9 cửa khẩu song phương, 17 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương và 1 lối mở/cửa khẩu đặc biệt. Trong đó:
(1) Mở, nâng cấp 8 cặp cửa khẩu quốc tế, gồm: Móng Cái (đường sắt, Quảng Ninh) - Đông Hưng (đường sắt, Quảng Tây); Chi Ma (Lạng Sơn) - Ái Điểm (Quảng Tây); Lý Vạn (Cao Bằng) - Thạc Long (Quảng Tây); Tà Lùng (Cao Bằng) - Thủy Khẩu (Quảng Tây); Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Long Bang (Quảng Tây); Mường Khương (Lào Cai) - Kiều Đầu (Vân Nam); Bản Vược (Lào Cai) - Pả Sa (Vân Nam); Ma Lù Thàng (Lai Châu) - Kim Thủy Hà (Vân Nam).
(2) Mở 9 cặp cửa khẩu song phương, gồm: Hoành Mô (Quảng Ninh) - Động Trung (Quảng Tây); Ka Long (Quảng Ninh) - Bến biên mậu Đông Hưng (Quảng Tây); Km3+4 (Quảng Ninh) - Chợ biên mậu Đông Hưng (Quảng Tây); Bình Nghi (Lạng Sơn) - Bình Nhi Quan (Quảng Tây); Hạ Lang (Cao Bằng) - Khoa Giáp (Quảng Tây); Pò Peo (Cao Bằng) - Nhạc Vu (Quảng Tây); U Ma Tu Khoàng (Lai Châu) - Bình Hà (Vân Nam); Sông Đà (Lai Châu) - Sông Lý Tiên (Vân Nam); A Pa Chải (Điện Biên) - Long Phú (Vân Nam).
(3) Mở 17 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương, gồm các lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa: Bắc Luân III thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) - Đông Hưng (Quảng Tây); Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa thuộc cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Quảng Ninh) - Động Trung (Quảng Tây); khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) - Hữu Nghị Quan (Quảng Tây); Cốc Nam - Lũng Nghịu (khu vực mốc 1104-1105) thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) - Hữu Nghị Quan (Quảng Tây); Tân Thanh - Pò Chài (khu vực mốc 1090-1091) thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) - Hữu Nghị Quan (Quảng Tây); khu vực mốc 1035 thuộc cặp cửa khẩu song phương Bình Nghi (Lạng Sơn) - Bình Nhi Quan (Quảng Tây); Nà Đoỏng - Nà Ráy thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Long Bang (Quảng Tây); cầu Tà Lùng II thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (Cao Bằng) - Thủy Khẩu (Quảng Tây); Bản Khoòng - Nham Ứng thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Lý Vạn (Cao Bằng) - Thạc Long (Quảng Tây); Bản Quẩn - Sơn Yêu thuộc cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai (Lào Cai) - Hà Khẩu (Vân Nam); Na Lốc - Mã Hoàng Pao thuộc cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai (Lào Cai) - Hà Khẩu (Vân Nam); Lồ Cô Chin - Lao Kha thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Mường Khương (Lào Cai) - Kiều Đầu (Vân Nam); Hóa Chư Phùng - Seo Pả Chư thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Mường Khương (Lào Cai) - Kiều Đầu (Vân Nam); Lũng Pô - Lũng Pô Chải thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Bản Vược (Lào Cai) - Pả Sa (Vân Nam); Y Tý - Ma Ngán Tý thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Bản Vược (Lào Cai) - Pả Sa (Vân Nam) và lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cặp cửa khẩu song phương Sóc Giang (Cao Bằng) - Bình Mãng (Quảng Tây); lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang) - Thiên Bảo (Vân Nam).
(4) Mở 1 lối mở/cửa khẩu đặc biệt: Khu vực mốc 834/1 (tỉnh Cao Bằng) phục vụ việc vận hành Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).
Thứ hai, trong tầm nhìn đến năm 2050, xác định quy mô số lượng, loại hình và phân bố cửa khẩu: Mở, nâng cấp 4 cửa khẩu quốc tế, 5 cửa khẩu song phương. Dự kiến, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc có 31 cửa khẩu, trong đó có 18 cửa khẩu quốc tế, 13 cửa khẩu song phương (bao gồm 20 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương) và 1 lối mở/cửa khẩu đặc biệt. Do đó, trong quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, xác định:
(1) Mở, nâng cấp 4 cặp cửa khẩu quốc tế, gồm: Hoành Mô (Quảng Ninh) - Động Trung (Quảng Tây); Xín Mần (Hà Giang) - Đô Long (Vân Nam); Sông Đà (Lai Châu) - Sông Lý Tiên (Vân Nam); A Pa Chải (Điện Biên) - Long Phú (Vân Nam).
(2) Mở 5 cặp cửa khẩu song phương, gồm: Bản Chắt (Lạng Sơn) - Bản Lạn (Quảng Tây); Nà Lạn (Cao Bằng) - Bố Cục (Quảng Tây); Lũng Làn (Hà Giang) - Lộng Bình (Quảng Tây); Phó Bảng (Hà Giang) - Đổng Cán (Vân Nam); Pô Tô (Lai Châu) - Cửa Cải (Vân Nam).
Thượng tá Phạm Thị Thanh Huế (Học viện Biên phòng)