Quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2025 sớm vượt mốc 25 tỷ USD?

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2025 sớm vượt mốc 25 tỷ USD.

Thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18% - 25% mỗi năm. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), quy mô thị trường TMĐT năm 2025 sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Phải công khai danh tính người bán hàng

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động TMĐT cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…

Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động TMĐT cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động TMĐT cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Phân tích về trạng này, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ban chấp hành Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía. Phía các cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên sàn TMĐT thiếu ý thức, vì mưu cầu lợi ích của mình đã sẵn sàng đưa sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lên sàn TMĐT để thu lợi bất chính.

Về phía người tiêu dùng, do chưa hiểu biết đầy đủ, không theo kịp những tình hình diễn biến mới xảy ra, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp, cá nhân chuộc lợi dẫn đến kết quả cuối cùng là người tiêu dùng phải hứng chịu những thiệt hại về vật chất và tinh thần, sức khỏe.

“Để hỗ trợ người tiêu dùng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các hội thành viên tỉnh, thành phố xác định công tác tuyên truyền, giáo dục cho người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng, để cung cấp thông tin về những chủ thể, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT, giúp người tiêu dùng tránh tình trạng thiếu thông tin, thiếu hiểu biết. Hội cũng khuyến khích người tiêu dùng trở thành những người tiêu dùng thông thái, trong lựa chọn và lắng nghe ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, hay mạnh dạn lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình, trước những dấu hiệu dù vi phạm nhỏ nhất”, ông Trung nêu.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã có những điều chỉnh, quy định rất chi tiết về nghĩa vụ của từng chủ thể trong tiêu dùng trên không gian mạng, bao gồm cả chủ sàn TMĐT; tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn và người có sức ảnh hưởng. Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, đối với sàn TMĐT hoặc chủ của nền tảng số, nền tảng số trung gian, Luật yêu cầu phải công khai đầu mối để xử lý khiếu nại của người tiêu dùng. Cùng với đó, khi người tiêu dùng có bất cứ khiếu nại nào, có thể tìm đến người chủ shop, hoặc yêu cầu sàn TMĐT phải cung cấp đầu mối để cuối cùng giải quyết được khiếu nại của người tiêu dùng.

“Luật cũng đặt ra quy định người bán hàng phải minh bạch và công khai thông tin về sản phẩm mà họ kinh doanh. Phải nói rõ nguồn gốc của sản phẩm, công dụng, chất lượng thậm chí là cả khối lượng, hay cả những tiêu chuẩn rất cụ thể khác… để cho người tiêu dùng khi tìm kiếm sẽ có tất cả những thông tin như thể họ nhìn thấy sản phẩm đó. Đặc biệt, sàn TMĐT phải công khai danh tính của người bán cho người tiêu dùng được biết”, bà Nguyễn Quỳnh Anh chỉ ra.

Quyền lợi người tiêu dùng phải được bảo vệ

Từ kinh nghiệm bảo vệ người tiêu dùng tại Vương quốc Anh, ông Iain Frew, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam cho biết, mỗi tháng, người tiêu dùng tại thị trường này đã chi tới 90 tỷ bảng Anh (khoảng 100 tỷ USD) cho hàng hóa. Người tiêu dùng yên tâm và sẵn sàng cho các giao dịch trực tuyến vì họ biết họ có quyền, những quyền đó được bảo vệ bởi luật pháp và quy định.

Các sàn TMĐT phải công khai danh tính của người bán cho người tiêu dùng được biết

Các sàn TMĐT phải công khai danh tính của người bán cho người tiêu dùng được biết

Hơn nữa, luật pháp bảo vệ người tiêu dùng ở Anh không chỉ mang tính chất cốt lõi với người tiêu dùng, còn rất quan trọng với các doanh nghiệp. Bởi khi ấy các doanh nghiệp biết rằng, họ có một sân chơi bình đẳng để hoạt động, họ hiểu yêu cầu và nhu cầu của người tiêu dùng để biết rằng họ phải tuân thủ luật pháp liên quan, tạo ra một môi trường đầu tư dễ dự đoán và dễ hiểu cho các doanh nghiệp.

“Vương quốc Anh đã có hệ thống pháp luật mạnh mẽ và toàn diện để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, gồm cả việc mua hàng trực tiếp hoặc trực tuyến, và cả hàng hóa cũng như dịch vụ có thể phát sinh khi phải đối mặt với những thách thức của người tiêu dùng. Sự phát triển của TMĐT đã và đang mang đến một số thách thức cũng như những cơ hội mới, liên quan đến bảo mật dữ liệu, khiếu nại về sản phẩm, lừa đảo trực tuyến,... nên những vấn đề này cần cấp thiết bổ sung trong luật”, Đại sứ Iain Frew lưu ý.

Tại Vương quốc Anh, Đạo luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2015 của Vương quốc Anh đã đưa ra các điều khoản mới, đặc biệt để giải quyết các vấn đề liên quan đến giao dịch mua bán trực tuyến, qua đó cung cấp nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ người tiêu dùng tại quốc gia này. Đại sứ Iain Frew cho rằng, điều quan trọng là phải có một hệ thống luật pháp, quy định không chỉ thiết lập các quyền, biện pháp bảo vệ và các cách thức tìm kiếm bồi thường, còn phải dự đoán những thay đổi, hoặc một hệ thống có thể rà soát và cập nhật các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trước những vấn đề mới phát sinh.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/quy-mo-thi-truong-thuong-mai-dien-tu-nam-2025-som-vuot-moc-25-ty-usd-post1188597.vov