Quỹ Phát triển đất giúp tập trung nguồn lực tài chính, tạo quỹ đất

Hoạt động của Quỹ Phát triển đất thời gian qua đã bộc lộ nhiều khó khăn. Để khắc phục, cũng như để thực hiện Luật Đất đai năm 2024, Bộ Tài chính đã xây dựng Nghị định số 104/2024/NĐ-CP ngày 31/7/2024 quy định về Quỹ Phát triển đất. Nghị định đã quy định cụ thể cơ chế hoạt động của Quỹ Phát triển đất giúp tập trung nguồn lực tài chính để kịp thời ứng vốn, thúc đẩy công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và nâng cao hiệu quả của dự án.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Đã có 57 Quỹ Phát triển đất

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến thời điểm năm 2023, có 57 địa phương đã thành lập Quỹ Phát triển đất, trong đó có 27 quỹ hoạt động theo mô hình độc lập và 30 quỹ hoạt động theo mô hình ủy thác.

Tổ chức, cá nhân làm trái quy định sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật

Tại NĐ 104 cũng quy định rõ, các tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm trục lợi, tham ô, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cố ý làm trái gây thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước trong hoạt động của Quỹ Phát triển đất, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị xử lý, kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Thực tế thời gian qua cho thấy, Quỹ Phát triển đất đã tập hợp được một nguồn lực tài chính để sẵn sàng chi trả cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất sạch giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, hoạt động của quỹ thời gian qua không chỉ điều chỉnh bởi pháp luật đất đai năm 2013 mà còn điều chỉnh bởi pháp luật liên quan (Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), Luật Đầu tư công) dẫn tới khó khăn, vướng mắc trong thực hiện như: Chưa rõ nguồn vốn hoạt động của quỹ gồm những nguồn vốn nào để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ của quỹ; cơ cấu tổ chức của quỹ còn có điểm bất hợp lý, không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động; thiếu cơ chế để đảm bảo nguồn kinh phí chi trả cho hoat động của bộ máy, quản lý hành chính của quỹ; quy định về việc hoàn trả vốn ứng cho quỹ không còn phù hợp với quy định của Luật NSNN.

Với mục đích xây dựng một nghị định quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024; giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức và hoạt động của quỹ; tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Phát triển đất, Bộ Tài chính đã xây dựng Nghị định 104/2014/NĐ-CP (NĐ 104) của Chính phủ quy định về Quỹ Phát triển đất và đã được Chính phủ ký ban hành vào ngày 31/7/2024 vừa qua.

Quỹ Phát triển đất quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động và cơ chế tài chính của Quỹ Phát triển đất. Đối tượng áp dụng là HĐND, UBND cấp tỉnh; Quỹ Phát triển đất; tổ chức được ứng vốn từ Quỹ Phát triển đất và các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có liên quan đến quỹ.

Quy định chi tiết giúp Quỹ Phát triển đất hoạt động hiệu quả

Khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong hoạt động của Quỹ Phát triển đất trước đây, tại NĐ 104 đã quy định cụ thể cơ chế hoạt động của Quỹ Phát triển đất.

Theo đó, Quỹ Phát triển đất có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn hoạt động của quỹ (vốn điều lệ và vốn huy động hợp pháp khác) theo quy định tại Nghị định này; thực hiện các nhiệm vụ ứng vốn theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền, thực hiện thu hồi vốn ứng theo quy định; chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý tài chính, tài sản, kế toán, kiểm toán và các quy định khác có liên quan; quyết định dừng, thu hồi vốn ứng khi phát hiện tổ chức được ứng vốn vi phạm quy định về sử dụng vốn ứng hoặc chậm hoàn trả vốn ứng; kiểm tra đối với việc sử dụng vốn ứng và thu hồi vốn ứng.

Về việc sử dụng vốn của quỹ, NĐ 104 cũng quy định rõ, ứng vốn cho chủ đầu tư dự án sử dụng vốn NSNN, đơn vị, tổ chức của Nhà nước thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về nhà ở (trừ các dự án đầu tư bằng nguồn vốn không phải nguồn NSNN). Ứng vốn cho tổ chức phát triển quỹ đất để tạo lập, phát triển quỹ đất tái định cư, tạo quỹ đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nộp NSNN. Ứng vốn cho tổ chức được giao thực hiện chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ứng vốn thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy đinh của pháp luật.

Đặc biệt, NĐ 104 đã quy định trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan đến hoạt động của Quỹ Phát triển đất. Cụ thể, không phải thực hiện thủ tục thành lập Quỹ Phát triển đất theo quy định tại Nghị định này đối với các trường hợp tiếp tục duy trì quỹ. Đối với địa phương chưa thành lập Quỹ Phát triển đất: Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh giao cho cơ quan chuyên môn chủ trì, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt Đề án thành lập quỹ sau khi có ý kiến của HĐND cùng cấp.

Ban hành quy định về thẩm quyền, quy trình lập, tổng hợp, phê duyệt Kế hoạch ứng vốn từ Quỹ Phát triển đất; quy định thẩm quyền quyết định ứng vốn từ quỹ và chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng vốn hoạt động của quỹ, đảm bảo việc sử dụng vốn ứng đúng mục đích, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật...

Trình HĐND cùng cấp quyết định mức vốn điều lệ ban đầu, vốn điều lệ bổ sung cấp cho Quỹ Phát triển đất theo quy định tại Nghị định này./.

Hạnh Thảo

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quy-phat-trien-dat-giup-tap-trung-nguon-luc-tai-chinh-tao-quy-dat-158172.html