Quy rõ trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm

Tại Tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội sáng qua, các đại biểu bày tỏ kỳ vọng, dự thảo Đề án sẽ tạo xung lực mới cho hoạt động giám sát. Như Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, đã giám sát thì phải sát, kiến nghị phải đúng và trúng, quy rõ trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm. Giám sát theo tinh thần chủ động hơn, chủ động dự báo, nắm bắt tình hình, chủ động phối hợp chặt chẽ, góp phần làm cho hoạt động giám sát của Quốc hội thật sự mẫu mực, tạo dấu ấn và lan tỏa thành cảm hứng hành động.

Cần làm sâu sắc hơn hoạt động giám sát của Quốc hội

Theo các đại biểu tham dự tọa đàm, đây là lần đầu tiên có Đề án riêng nghiên cứu vềđổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội. Trước yêu cầu, đòi hỏi phải ngày càng đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát để góp phần khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, việc xây dựng Đề án này cũng là một đòi hỏi khách quan và tự nhiên. Theo nguyên Tổng thư ký Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, hai chữ “tiếp tục” đổi mới còn cho thấy rõ tính kế thừa, thể hiện dòng chảy đổi mới của Quốc hội qua các nhiệm kỳ.

Cũng qua nghiên cứu, các đại biểu đều đánh giá cao dự thảo Đề án với những đánh giá rất cụ thể thực trạng hoạt động giám sát của Quốc hội, khái quát việc thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dự thảo Đề án cần làm sâu sắc hơn hoạt động giám sát của Quốc hội đã được gì, chưa được gì, bài học rút ra là gì và cải tiến ra sao nhằm tạo xung lực mới cho hoạt động giám sát trong thời gian tới.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần gắn chặt hơn nữa với việc thực hiện chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong lần đổi mới này, phải thể hiện rõ mối quan hệ gắn bó, bổ trợ giữa ba chức năng, nhất là giám sát để đánh giá chất lượng các dự án mà Quốc hội đã thông qua trước đây; giám sát để phục vụ cho việc thẩm tra dự án luật trong nhiệm kỳ Quốc hội như thế nào?...

Cùng quan điểm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho rằng, mục tiêu đầu tiên của giám sát chính là phục vụ cho công tác của Quốc hội, đó là làm luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Giám sát để phát hiện những thay đổi trong chính sách, pháp luật như thế nào? Có cần ra luật mới không? Luật nào cần sửa đổi? Giám sát xem xét việc Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng, đặc biệt là những công trình trọng điểm quốc gia có đúng hay không, có hiệu quả không để kịp thời rút kinh nghiệm? Khi đặt giám sát trong mối tương quan giữa lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, chúng ta sẽ thấy rõ tác dụng và sức lan tỏa của giám sát, ông Lê Minh Thông nói.

Toàn cảnh cuộc tọa đàm

Toàn cảnh cuộc tọa đàm

Ảnh: Hoàng Ngọc

Bảo đảm quyền uy của Quốc hội

Một vấn đề rất quan trọng và thể hiện tính chính trị của hoạt động giám sát đó là theo đuổi đến tận cùng vấn đề, quy rõ trách nhiệm. Nêu quan điểm này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông thẳng thắn, chúng ta đang đứng trước thực tế là “sợi dây rút kinh nghiệm dài và bất tận”, khi những đối tượng chịu sự giám sát nhận trách nhiệm nhưng vẫn chưa rõ nhận trách nhiệm gì, cho nên "vấn đề cứ trôi". Do vậy, quan trọng nhất trong kết luận giám sát là chúng ta định vị chế độ trách nhiệm như thế nào? Giám sát của Quốc hội phải đề cập trực tiếp hơn đến trách nhiệm của cá nhân, tổ chức. Điều này có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo đảm quyền uy của Quốc hội. Giám sát của Quốc hội mang tính chính trị và trách nhiệm đó là trách nhiệm chính trị, ông Lê Minh Thông nhấn mạnh. Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, Quốc hội là thiết chế chính trị, vì thế những vấn đề giám sát của Quốc hội là giám sát ở góc độ chính trị, giám sát bằng tranh luận, thảo luận, bằng chất vấn...

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết thêm, một trong những hạn chế của hoạt động giám sát của Quốc hội là chưa phải lúc nào cũng rõ địa chỉ trách nhiệm cụ thể. Ví dụ, quy trách nhiệm về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề này có liên quan đến 5 bộ, vậy trong 5 Bộ trưởng này ai là người chịu trách nhiệm? Vì vậy, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đề nghị, phải đặc biệt chú trọng đến kết luận giám sát, nhận diện rõ trách nhiệm của tập thể, tổ chức và cá nhân liên quan.

Liên quan đến một lĩnh vực nữa cần chú trọng giám sát, đó là dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông, nguyên Phó Trưởng ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương lưu ý, vấn đề này đang "lẫn" trong kinh tế - xã hội, thậm chí thời lượng thảo luận của Quốc hội dành cho Báo cáo về ngân sách nhà nước cũng rất ít. Trong khi đó, đây là lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Quốc hội cần xét xem kỹ việc chi tiêu ra sao, quyết toán như thế nào?

Kết luận Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, Dự thảo Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội cần làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa 3 chức năng: lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; giải quyết những vấn đề ở tầm vĩ mô với những vấn đề cụ thể để quy rõ trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm. Vì vậy, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án cần tiếp tục bám sát các quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đề cương kế hoạch xây dựng Đề án. Trong đó, bám sát chủ trương, đường lối cũng như yêu cầu thực tiễn, kế thừa phát huy kinh nghiệm quốc tế, đổi mới rõ ràng, cụ thể hơn. Đặc biệt chú ý là những vấn đề đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng thì mạnh dạn đưa vào trong Đề án, những vấn đề còn ý kiến khác nhau, cần thêm thời gian cọ sát với thực tiễn thì đề xuất phương án làm thí điểm như các nhiệm kỳ trước, khi đã chín muồi thì mạnh dạn áp dụng trong các quy định của luật, văn bản dưới luật để thực hiện hoạt động giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ kỳ vọng, với sự chuẩn bị bài bản, công phu, Đề án sẽ là một trong những Đề án quan trọng, tạo bước tiến cho đổi mới hoạt động của Quốc hội nói chung và hoạt động giám sát nói riêng. "Giám sát thì phải sát, kiến nghị phải đúng và trúng, giám sát theo tinh thần chủ động hơn, chủ động dự báo, nắm bắt tình hình, chủ động phối hợp chặt chẽ để góp phần làm cho hoạt động giám sát của Quốc hội thật sự mẫu mực, tạo dấu ấn và lan tỏa thành cảm hứng hành động", Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quy-ro-trach-nhiem-ca-the-hoa-trach-nhiem-s1nthpcrmo-80060