Quy tắc 5 giây đã đánh lừa chúng ta
Nhiều người cho rằng đồ ăn rơi xuống đất được nhặt lên trong vòng 5 giây sẽ không dính vi khuẩn, nhưng thực tế không phải như vậy.
"Thức ăn rơi xuống đất nhưng nhặt lên trong vòng 5 giây có ăn được nữa không?
Câu hỏi "huyền thoại" này vẫn luôn là chủ đề được nhiều gia đình và thậm chí là các nhà khoa học thảo luận trong nhiều năm qua. Một số người cho rằng quy tắc 5 giây là có thật, nhưng một số khác lại nói đây là chuyện vớ vẩn.
Quy tắc 5 giây không có thật
Bàn về quy tắc 5 giây, nhà khoa học thực phẩm Donald Schaffner tại Đại học Rutgers (Mỹ) cho biết rất nhiều người đã hiểu sai phép đo này. Thậm chí, những nghiên cứu khoa học nghiệp dư và các cuộc "điều tra" trên truyền hình cũng gây nhầm lẫn bằng cách dựa vào những thí nghiệm không đạt tiêu chuẩn khoa học, theo National Geographic.
Thực tế, trước năm 2016, chỉ một nghiên cứu duy nhất về quy tắc 5 giây thực sự được thực hiện một cách khắt khe và đạt tiêu chuẩn. Đó là nghiên cứu của nhà khoa học thực phẩm Paul Dawson tại Đại học Clemson (Mỹ) vào năm 2007.
Ông Dawson và đồng nghiệp báo cáo rằng thực phẩm có thể nhiễm vi khuẩn ngay lập tức khi tiếp xúc với bề mặt. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ tập trung nhiều vào việc vi khuẩn có thể tồn tại bao lâu trên bề mặt để làm ô nhiễm thực phẩm.
Đó chính là lý do nhà khoa học thực phẩm Donald Schaffner và học trò Robyn Miranda quyết định thử nghiệm trong nhiều điều kiện đa dạng hơn để chứng minh quy tắc 5 giây không đúng.
Kết quả, vào năm 2016, thí nghiệm của hai thầy trò được công bố trên Applied and Environmental Microbiology cho thấy quy tắc 5 giây thực ra là không có quy tắc nào cả.
Lý do là họ phát hiện thức ăn tiếp xúc với bề mặt có vi khuẩn càng lâu thì vi khuẩn sẽ càng bám nhiều vào đó, và rất nhiều vi khuẩn đã nhanh chóng bám vào khi thức ăn vừa chạm đất.
Ngoài ra, thủ phạm khiến vi khuẩn bám vào thức ăn không phải thời gian mà là độ ẩm. Thức ăn ướt (ví dụ như dưa hấu) sẽ dễ bám nhiều vi khuẩn hơn thức ăn khô (ví dụ như bánh mì).
Một lưu ý khác là bề mặt thảm thường sẽ truyền ít vi khuẩn vào thức ăn hơn so với bề mặt lát gạch hoặc thép không gỉ.
Từ nghiên cứu này, nhiều nghiên cứu khác xác nhận vi khuẩn lan truyền trong nhà bếp rất dễ dàng, dù là vi khuẩn trên ngón tay hơn đơn giản là dùng thớt để thái chung thịt và rau (dù thớt được rửa sạch giữa những lần sử dụng).
Đến năm 2021, các nhà khoa học ở Indonesia được truyền cảm hứng để "vạch trần" quy tắc 5 giây và một quy tắc tương tự tại nước này, được gọi là belum lima menit (tạm dịch: Quy tắc 5 phút).
Một số thức ăn rơi xuống đất vẫn ăn được
Nếu các nhà khoa học đã triệt để bác bỏ quy tắc 5 giây, liệu đồ ăn rơi xuống đất có ăn được nữa hay không?
Điều này còn phụ thuộc vào bề mặt tiếp xúc và loại vi khuẩn có thể nhiễm. Ví dụ, đồ ăn đánh rơi ở bệnh viện không nên ăn tiếp, hoặc đồ ăn rơi ở sàn bếp dính đầy nước tiết ra từ con gà sống cũng không nên ăn vì bạn sẽ có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Salmonella.
Tuy nhiên, việc ăn một chiếc bánh quy dính ít bụi và vi khuẩn trên sàn nhà sẽ không gây hại cho người có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Nhưng bạn vẫn cần lưu ý điều quan trọng là phải thường xuyên vệ sinh sàn nhà sạch sẽ.
Dù khoa học đã chứng minh là không có thật, quy tắc 5 giây có thể vẫn tồn tại. Ông Schaffner nói rằng giá trị của quy tắc 5 giây (hoặc quy tắc 3 giây) nằm ở góc độ tâm lý học chứ không phải vi sinh học.
"Mọi người thực sự muốn điều này trở thành sự thật. Nếu ai cũng làm như vậy, chúng ta đều có thể ăn thức ăn đánh rơi trên sàn. Bạn chỉ cần hét to 'quy tắc 5 giây' trước khi nhặt bánh quy trên sàn rồi cho vào miệng là được, mọi người sẽ cười rất sảng khoái khi thấy điều đó", ông Schaffner nói.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/quy-tac-5-giay-da-danh-lua-chung-ta-post1475015.html