Quy tắc ngầm khi gửi phong bì mừng cưới

Khi nhận được lời mời cưới, nhiều người Hàn Quốc rơi vào tình thế khó xử: không đến ăn tiệc và mừng 50.000 won hay tham dự và mừng nhiều hơn?

Theo The Asia Business Daily, chi phí trung bình để cô dâu chú rể tiếp đãi 1 khách mời tại một hôn trường ở trung tâm Seoul (Hàn Quốc) là khoảng 82.000 won (59 USD). Đối với tiệc cưới ở khách sạn, riêng một bữa ăn đã tốn từ 130.000 đến 200.000 won.

Những khoản chi phí cao này gây áp lực cho khách dự tiệc cưới. Khách cần biết ý mừng ít nhất bằng số tiền cô dâu chú rể chi ra để mời mình, theo Korea JoongAng Daily.

Kim, nhân viên văn phòng ngoài 20 tuổi, đã nhờ đồng nghiệp đưa giúp phong bì mừng cưới 50.000 won cho một đồng nghiệp khác tổ chức đám cưới.

"Nếu tôi đến ăn cỗ, tôi sẽ phải mừng ít nhất 100.000 won. Tôi sẽ cảm thấy tệ nếu mừng ít hơn vì tôi nghe nói tổ chức tiệc cưới rất tốn kém. 50.000 won thậm chí không đủ cho cô dâu chú rể hòa vốn nếu tôi đến ăn tiệc", Kim nói.

Nếu đi dự đám cưới những người bạn thân, Kim cho biết anh được kỳ vọng mừng ít nhất 150.000 won nếu đến ăn tiệc. Con số thậm chí lớn hơn nếu đám cưới được tổ chức nhỏ gọn với ít khách mời.

Gần đây, Kim cũng hỗ trợ thu tiền mừng ở đám cưới một thành viên trong gia đình. Anh nhớ một số khách mang theo nhiều phong bì và ký tên giúp những người không thể tham dự vào sổ khách mời. Những phong bì đó chứa trung bình 50.000 won/chiếc, trong khi những vị khách đến tham dự hôn lễ mừng khoảng 100.000-300.000 won.

 Chi phí để các cặp đôi tổ chức đám cưới ở Hàn Quốc ngày càng cao. Ảnh minh họa: @jiyeon2__.

Chi phí để các cặp đôi tổ chức đám cưới ở Hàn Quốc ngày càng cao. Ảnh minh họa: @jiyeon2__.

Chi phí đám cưới ở Hàn Quốc đã tăng đều đặn kể từ sau đại dịch Covid-19. Dựa trên khảo sát 1.000 cặp đôi mới cưới vào cuối năm 2023, công ty mai mối Duo Information dự đoán chi phí trung bình của một đám cưới năm 2024 - tính cả tiền thuê địa điểm và các gói tổ chức hôn lễ - là 16,43 triệu won. Con số này tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023 (13,9 triệu won) và tăng 22,2% so với năm 2022.

Chi phí tăng chủ yếu do số lượng địa điểm cho thuê tổ chức tiệc cưới và các đơn vị kinh doanh dịch vụ liên quan như cửa hàng váy cưới, studio chụp ảnh, thợ làm tóc, trang điểm giảm, vì nhiều nơi đã đóng cửa trong thời kỳ đại dịch. Nhiều cặp đôi cũng vội vã tổ chức hôn lễ bị hoãn lại trong thời gian phong tỏa, dẫn tới cầu lớn hơn cung.

Số lượng hội trường tổ chức tiệc cưới ở xứ củ sâm đã giảm hơn 30%, từ 1.019 vào năm 2018 xuống còn 714 vào năm nay. Tuy nhiên, doanh thu của các đơn vị này tăng vọt so với mức trước đại dịch, từ mức trung bình 201 triệu won vào năm 2020 lên 530 triệu won vào tháng 3 vừa qua, theo nền tảng phân tích big data của công ty Pinda.

 Mừng cưới bao nhiêu cho hợp lý là điều khách mời áp lực. Ảnh: Kang Jung Hyun/Korea JoongAng Daily.

Mừng cưới bao nhiêu cho hợp lý là điều khách mời áp lực. Ảnh: Kang Jung Hyun/Korea JoongAng Daily.

Theo khảo sát của Duo Information, giá trung bình của một gói dịch vụ cưới - bao gồm ảnh cưới, váy cưới, trang điểm và làm tóc - cũng đã tăng từ 2,99 triệu won vào năm 2019 lên 3,6 triệu won vào năm 2024.

Gánh nặng khi những chi phí này tăng cao cũng đổ lên vai khách mời. Trên các trang cộng đồng trực tuyến ở Hàn Quốc, nhiều người đề xuất rằng khách không nên đến tham dự tiệc nếu họ không thể mừng số tiền bằng giá cỗ cưới.

Trước đây, khách mời thường mừng khoảng 30.000-50.000 won, song chuẩn mực ngầm hiện tại là 50.000 won cho khách vắng mặt và 100.000 won cho khách có mặt.

Trong một cuộc khảo sát của Shinhan Bank trên 10.000 người độ tuổi 20-64 vào năm 2023, 52,8% người được hỏi cho biết đã mừng 50.000 won nếu không đến dự tiệc cưới, 36,7% mừng 100.000 won và 3,3% mừng 200.000 won.

Mai An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/quy-tac-ngam-khi-gui-phong-bi-mung-cuoi-post1485645.html