Quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ: Có 'thanh lọc' được tiêu cực?
Nghệ sĩ là danh xưng tôn vinh những người hoạt động, sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, trong thời gian qua khái niệm này đang bị một vài cá nhân ngộ nhận với những hành động, phát ngôn 'xấu xí' bị cộng đồng lên án.
Những hành vi “lệch chuẩn”
Với sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội, mối liên kết giữa nghệ sĩ với công chúng đang trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, lan tỏa những giá trị văn hóa, nghệ thuật lại là câu chuyện buồn đến từ những cá nhân mang danh nghệ sĩ. Những cụm từ như nghệ sĩ “bóc phốt”, lăng mạ, “lùm xùm” trong đời tư… thậm chí có những khuất tất trong việc làm từ thiện đang tạo nên những “cơn bão” trên mạng xã hội. Và đồng hành với những điều “xấu xí” là những làn sóng tẩy chay từ công chúng.
Mới đây nhất, chương trình truyền hình thực tế Running Man ngay khi phát sóng đã phải chịu “gạch đá” từ khán giả. Nguyên nhân là chương trình có sự tham gia của ca sĩ Jack (Trịnh Phương Tuấn) trước đó là thần tượng của nhiều bạn trẻ nhưng lại vướng vào bê bối tình ái, đạo đức.
Không chỉ là những câu chuyện đời tư, nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay khi có chút “tên tuổi” thay vì cống hiến lại có lối hành xử giang hồ.
Ví dụ như lên mạng cãi tay đôi với người hâm mộ, kéo cả “đội quân” đến hăm dọa khán giả. Nhiều nghệ sĩ còn “vạch áo cho người xem lưng” như kể chuyện đời tư, phẫu thuật hay nói xấu đồng nghiệp, khoe của khoe con... trên sóng truyền hình, gameshow, hay trên mạng xã hội. Và gần đây nhất là những ồn ào xung quanh việc làm từ thiện...
Về vấn đề này, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bày tỏ, thời gian qua xuất hiện quá nhiều nghệ sĩ ứng xử “lệch chuẩn” đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và niềm tin của công chúng đối với giới nghệ sĩ. Chính vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là việc làm rất cần thiết.
Tuy nhiên, NSND Thúy Mùi cũng cho rằng, đạo đức là yếu tố quan trọng nhất trong tính cách, giá trị của mỗi con người, là hệ thống các quy tắc về chuẩn mực của cộng đồng và xã hội, cần phải có một quá trình giáo dục thấu đáo, bền bỉ chứ không thể chỉ thông qua một vài bộ quy tắc, quy chuẩn mà có thể điều chỉnh ngay được. Tất nhiên, động thái ra đời bộ Quy tắc này sẽ giúp nghệ sĩ cẩn trọng hơn trong phát ngôn, hành xử…
“Tôi quan tâm nhiều đến việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, các hội nghề nghiệp chuyên ngành nghệ thuật cũng như cơ quan quản lý nhà nước để làm sao tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, để Quy tắc ứng xử này giúp những người hoạt động nghệ thuật và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội xác định các chuẩn mực hành vi ứng xử đạo đức” - nghệ sĩ Thúy Mùi nói.
Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu
Có thể nói, qua không gian mạng xã hội, những hành động xấu xí của các nghệ sĩ đã được truyền đi một cách “chóng mặt”. Tất nhiên, ở một góc nhìn khác, thì dù là nghệ sĩ hay chỉ là một công dân bình thường cũng khó để không mắc phải những sai lầm. Tuy nhiên, để sửa sai, “quay đầu là bờ” lại là một hành trình gian nan của nhiều nghệ sĩ trong việc lấy lại hình ảnh của mình.
Cá biệt, có nhiều nghệ sĩ hiện nay thay vì “làm sạch” chính mình lại thấy đây là niềm tự hào khi có thêm danh xưng “Thánh chửi” như ca sĩ D.M. hay cựu người mẫu T.T..
Theo ca sĩ Hà Myo - Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam: Các trang mạng xã hội cho chúng ta được tự do ngôn luận và dễ dàng được thể hiện bản thân, bày tỏ quan điểm cá nhân của mình. Tưởng chừng như những ý kiến đó là vô hại nhưng trong thời gian gần đây đã xuất hiện rất nhiều những bài viết, những phát ngôn “lệch chuẩn” của rất nhiều nghệ sĩ gây sự ảnh hưởng không nhỏ tới suy nghĩ cũng như cuộc sống của những khán giả đã tiếp cận đến nó.
Mỗi người nghệ sĩ đều có cho mình một lượng khán giả nhất định, đặc biệt những nghệ sĩ càng nổi tiếng thì phát ngôn của họ càng dễ tiếp cận với nhiều người. Chính vì vậy, việc nghệ sĩ có những lời nói, hành động thiếu văn hóa, trái đạo đức, sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới khán giả của họ nói chung, công chúng nói riêng. “Những người nghệ sĩ như chúng ta thay vì gây sự chú ý bằng những câu nói gây sốc, hành động lố bịch, hãy mang đến khán giả, đến công chúng những nguồn năng lượng tích cực, những sản phẩm nghệ thuật chất lượng, những nguồn cảm hứng về đam mê, những tiếng cười để có một không gian văn hóa mạng văn minh và lành mạnh” - ca sĩ Hà Myo nói.
NSƯT Quang Khải, Phó Trưởng đoàn Cải lương thể nghiệm, Nhà hát Cải lương Việt Nam bày tỏ, những hành vi “lệch chuẩn” trong giới làm nghệ thuật gần đây trên thực tế ít xảy ra đối với bộ phận nghệ sĩ làm nghề ở các đoàn nghệ thuật công lập. Nói như thế không có nghĩa là chưa có những nghệ sĩ như thế.
Trong quá trình cống hiến, mỗi nghệ sĩ là viên chức cũng đã luôn tự ý thức được mình cần thường xuyên trau dồi, rèn luyện từ lời ăn tiếng nói đến hành vi, thái độ ứng xử để làm sao cho đúng, cho thật sự “vừa lòng nhau”, vì lời nói “chẳng mất tiền mua”.
Tuy nhiên có một thực tế là, nghệ sĩ đã có sức ảnh hưởng nhất định đến công chúng, những hành vi, ứng xử và cả phát ngôn của họ luôn được công chúng quan tâm.
Vì thế việc ra đời Quy tắc ứng xử với người hoạt động nghệ thuật là cần thiết, nhằm điều chỉnh những hạn chế, tiêu cực trong hoạt động của giới nghệ sĩ. Những lùm xùm xảy ra trong giới làm nghệ thuật chủ yếu rơi vào những người nổi tiếng thuộc showbiz, họ chủ yếu là nghệ sĩ tự do, không chịu sự quản lý của một đơn vị hay cơ quan nào…