Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ: Giá trị áp dụng tới đâu?
Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ ban hành vào trung tuần tháng 12-2021 được cho là một bước phát triển trong việc chuẩn hóa hành vi ứng xử của những người hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên, để có giá trị áp dụng vào thực tiễn thì vẫn còn nhiều điều phải bàn thêm.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hôm 13-12-2021, đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật (sau đây gọi ngắn là “Bộ Quy Tắc”) để xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, nhằm thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên, giá trị áp dụng của Bộ Quy Tắc là vấn đề cần bàn thêm.
Có là quy phạm pháp luật?
Theo điều 4.8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) 2015, VBQPPL do các bộ ban hành chỉ có thể dưới dạng thông tư. Trong khi đó, bộ quy tắc được ban hành kèm theo Quyết định 3196 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về bản chất, không phải là VBQPPL. Điều này khác biệt với một số bộ quy tắc khác được ban hành theo thông tư
Vì không phải là VBQPPL, các quy định trong đó sẽ không có đầy đủ thuộc tính của quy phạm pháp luật như là quy tắc xử sự chung, mang tính bắt buộc, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần, do cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền ban hành, được Nhà nước đảm bảo thực hiện(1). Và như vậy, câu hỏi đặt ra là giá trị áp dụng của bộ quy tắc này sẽ như thế nào?
Trên thực tế, vẫn có một số bộ quy tắc ứng xử trong một số ngành nghề đặc thù, dù không phải là VBQPPL nhưng vẫn có giá trị ràng buộc rất lớn đối với người hành nghề, như bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành. Các luật sư rất nghiêm túc trong việc tuân thủ bộ quy tắc này bởi vì đây là căn cứ để khen thưởng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với luật sư.
Tuy nhiên, bộ quy tắc không quy định cụ thể các chế tài xử lý vi phạm mà chỉ quy định những biện pháp mang tính khuyến nghị, đề nghị và dẫn chiếu đến các quy định khác và các cơ quan, tổ chức khác để xử lý như phân tích dưới đây.
Vai trò của bộ quy tắc và chế tài nào cho vi phạm?
Có thể thấy không phải bất kỳ quy định nào tại bộ quy tắc, người nghệ sĩ cũng bắt buộc phải thực hiện. Điều này cũng được phản ánh tại điều 1 về mục đích của nó: (i) xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, nhằm thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật; (ii) khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp; và (iii) góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật trong xây dựng, phát triển văn hóa. Trên cơ sở này, các quy định của bộ quy tắc có thể được phân thành hai nhóm và giá trị áp dụng cũng như chế tài đối với hành vi vi phạm của từng nhóm sẽ khác nhau.
Nhóm 1 là các quy tắc khái quát hóa quy định của pháp luật có liên quan. Chẳng hạn, quy tắc đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết được khái quát từ quy định cấm các hoạt động nghệ thuật chống phá Nhà nước, xuyên tạc lịch sử xâm phạm, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của Việt Nam, được quy định tại rất nhiều văn bản pháp luật có liên quan về nghệ thuật; hay yêu cầu tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật về sở hữu trí tuệ. Việc vi phạm những quy định này tại bộ quy tắc đồng nghĩa với việc vi phạm các QPPL và do đó, người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: Hành vi sản xuất phim có nội dung xuyên tạc sự thật lịch sử; làm phương hại đến chủ quyền quốc gia; xúc phạm dân tộc; đồi trụy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt từ 40-50 triệu đồng đối với cá nhân và mức gấp đôi đối với tổ chức. Nếu đến mức vi phạm pháp luật hình sự, tùy vào hành vi, người vi phạm có thể bị truy tố theo tội danh tương ứng, chẳng hạn hành vi sản xuất phim có nội dung đồi trụy có thể bị truy tố về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy tại điều 326 Bộ luật Hình sự. Vậy có thể thấy, chế tài xử lý những vi phạm nhóm 1 được quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan, mà không phải tại bộ quy tắc.
Ngược lại, nhóm 2 sẽ là các quy định mang tính “quy phạm đạo đức” hay “khuyến nghị” và không được quy định tại bất kỳ văn bản pháp luật nào về việc đây là nghĩa vụ của nghệ sĩ. Chẳng hạn, chúng tôi không tìm thấy bất kỳ VBQPPL nào yêu cầu nghệ sĩ phải có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật, hay lấy giá trị chân – thiện – mỹ làm mục tiêu, động lực để lan tỏa tinh thần, sứ mệnh của nghệ thuật, mặc dù đây là những quy định hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Do đó, người vi phạm khó có thể bị áp đặt các chế tài như kỷ luật, xử phạt hành chính hay truy cứu hình sự như nhóm 1.
Thay vì quy định chế tài xử lý vi phạm, tại điều 10 về triển khai và thực hiện, bộ quy tắc chỉ quy định những biện pháp mang tính khuyến nghị, đề nghị và dẫn chiếu đến các cơ quan, tổ chức và quy định khác, chẳng hạn như: (i) khuyến nghị cơ quan Nhà nước và các tổ chức phổ biến, triển khai thực hiện bộ quy tắc và tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, phối hợp để bộ quy tắc góp phần cùng các quy định của pháp luật về hoạt động nghệ thuật và pháp luật có liên quan được đảm bảo thực thi đúng, hiệu quả; (ii) yêu cầu các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật, các hội nghề nghiệp chuyên ngành nghệ thuật dựa trên Bộ quy tắc để xây dựng, hoàn thiện các quy định nội bộ và quy định hình thức khen thưởng, xử lý kỷ luật; và (iii) đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí biểu dương hay phê phán các hành vi thực hiện tốt hay vi phạm bộ quy tắc, cân nhắc sử dụng hình ảnh của nghệ sĩ không thực hiện nội dung bộ quy tắc.
Khó khăn trong việc áp dụng
Có thể nhận thấy việc áp dụng bộ quy tắc sẽ gặp khó khăn, vì: ngoài không quy định chế tài rõ ràng để xử lý vi phạm, bộ quy tắc cũng không quy định cơ chế đảm bảo sự phối hợp giữa những chủ thể xử lý vi phạm (theo các quy định nội bộ) với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là cơ quan soạn thảo, cũng như cách thức để giám sát việc thực hiện. Chẳng hạn, nếu phát hiện nghệ sĩ vi phạm người dân có thể phản ánh đến ai, cơ quan nào.
Sự khó khăn bắt nguồn từ những nhập nhằng khi thiếu các quy định định nghĩa, giải thích các thuật ngữ. Chẳng hạn, bộ quy tắc cũng như các quy định khác trong lĩnh vực nghệ thuật luôn yêu cầu nghệ sĩ không được ứng xử trái với thuần phong, mỹ tục, nhưng cho đến nay, chưa có bất kỳ văn bản nào xác định thế nào là trái với thuần phong, mỹ tục;
những ứng xử không phù hợp của nghệ sĩ, bên cạnh những lý do về nhận thức hay sơ suất, còn xuất phát từ chủ ý của người vi phạm để tạo độ “hot” cho bản thân, thu hút dư luận thông qua xì căng đan hay làm theo yêu cầu của một bên nào khác để hưởng mức cát xê cao. Vì vậy, chừng nào biện pháp xử lý chưa đủ mạnh thì chừng ấy, các hành vi vi phạm sẽ khó chấm dứt.
Nên chăng cần luật hóa và một cơ chế mới?
Nghệ thuật là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều cám dỗ, nhưng có ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa, xã hội. Không phủ nhận bộ quy tắc là một bước phát triển trong việc chuẩn hóa hành vi ứng xử của những người hoạt động nghệ thuật, nhưng để có giá trị áp dụng vào thực tiễn ở mức cao nhất, cơ quan nhà nước nên cân nhắc việc luật hóa những quy định tại bộ quy tắc trở thành một VBQPPL thống nhất về quy tắc ứng xử của nghệ sĩ. Chúng tôi cho rằng việc luật hóa là khả thi (tương tự các lĩnh vực y, dược, kế toán, kiểm toán) và cần thiết.
Bên cạnh đó, nên chăng có một cơ chế để đưa bộ quy tắc này trở thành những gì phải “nằm lòng” của nghệ sĩ, chẳng hạn đưa thành một phần nội dung trong chương trình giảng dạy, thi cử tại các ngành có liên quan đến nghệ thuật. Ngoài ra, xã hội cũng rất cần sự hỗ trợ từ những cơ quan, tổ chức có liên quan, nhất là truyền thông, báo chí, để các nghệ sĩ luôn phải thận trọng trong ứng xử của họ.
————
(*)Công ty Luật TNHH Phước và Các Cộng sự
(1)Điều 3.1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
LS. Trần Thị Kim Nga - Nguyễn Đức Huy(*)
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/quy-tac-ung-xu-cua-nghe-si-gia-tri-ap-dung-toi-dau/