Quy tắc ứng xử nghị sĩ là cơ sở để quản trị nghị viện hiệu quả
Trong khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây, thực hành quản trị tốt trong hoạt động nghị viện là nội dung ngày càng được nghị viện các nước quan tâm. Một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện quản trị tốt tại nghị viện là xây dựng bộ quy tắc ứng xử dành cho nghị sĩ.
Các đại biểu tham dự Hội thảo tại Bangkok, Thái Lan ngày 4.4.
Ảnh: Vũ Đài Phương
Với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Trung tâm Nghị viện châu Á (PCAsia) và sự ủng hộ tích cực của Nghị viện nước chủ nhà Thái Lan, Hội thảo Thực hành quản trị tốt trong hoạt động nghị viện đã được tổ chức tại thủ đô Bangkok từ ngày 3-4.4.2024. Hội thảo có sự tham dự đông đảo của đại diện nghị viện 10 nước ASEAN, các chuyên gia quốc tế đến từ các khu vực địa lý khác nhau và đại diện một số tổ chức quốc tế trong khu vực.
Trong 2 ngày làm việc tích cực, đại diện của nghị viện 10 nước ASEAN đã chia sẻ kinh nghiệm về thực tiễn hoạt động quản trị nghị viện tại quốc gia mình, các quy tắc ứng xử của nghị sĩ và nghe các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm từ Hoa Kỳ, Pháp, Thụy Điển.
Từ 8 nguyên tắc quản trị đến bộ quy tắc ứng xử cho nghị sĩ
Trong khi các đại biểu đều đồng ý cho rằng định nghĩa của UNDP về quản trị tốt là khá toàn diện (gồm 8 nguyên tắc hay yếu tố chủ chốt gồm: Pháp quyền, sự minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự tham gia, hiệu lực và hiệu quả, công bằng và bao trùm, hướng đến đồng thuận, và thích ứng), thì việc xây dựng những quy tắc ứng xử chung dành cho nghị sĩ, được áp dụng rộng rãi không phải là điều dễ dàng.
Thượng nghị sĩ Thái Lan Weerasak Kowsurat gây ấn tượng trong phần mở đầu bài trình bày của mình khi ông chia sẻ: Để chuẩn bị trình bày tại Hội thảo này, đích thân ông đã lên trang web của AIPA để tìm tài liệu liên quan đến quản trị nghị viện. Từ cách đây 20 năm, vào năm 2001, AIPA đã ban hành một nghị quyết về chủ đề này. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các nghị viện thành viên AIPA chưa có nỗ lực chung nào để thúc đẩy xây dựng một bộ quy tắc ứng xử dành cho nghị sĩ tại nghị viện các quốc gia thành viên.
Một số quốc gia trên thế giới có bộ quy tắc ứng xử và điểm chung trong các bộ quy tắc đạo đức hoặc quy tắc ứng xử của nghị sĩ là những yêu cầu về tính liêm chính, về tránh xung đột lợi ích, về kê khai tài sản, quy định về nhận quà tặng, về đi lại bằng tiền ngân sách, việc gây quỹ để tranh cử và việc sử dụng quỹ hay những hạn chế liên quan đến hoạt động vận động hành lang.
Các đại biểu dự Hội thảo cũng quan tâm đến vấn đề giám sát hoạt động của nghị sĩ. Các đại biểu đặt câu hỏi liệu có cần một cơ quan hay cơ chế nào chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của nghị sĩ, để bảo đảm rằng họ tuân thủ các quy tắc đạo đức hay rộng hơn là bộ quy tắc ứng xử đã được nghị viện ban hành hay không.
Đại biểu của Thái Lan chia sẻ, cả Thượng viện và Hạ viện Thái Lan đều có Ủy ban Đạo đức. Các Ủy ban này chỉ xem xét những hành vi bị coi là không phù hợp đối với các nghị sĩ khi đương nhiệm mà không xem xét những sự việc trước khi nghị sĩ nhận nhiệm vụ. Ủy ban Đạo đức của Thượng viện Thái Lan do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch thứ nhất của Thượng viện chủ trì. Thành viên là chủ nhiệm hoặc đôi khi là phó chủ nhiệm của các ủy ban thường trực trong Thượng viện. Nhiệm vụ của Ủy ban là xem xét và trình ra phiên họp toàn thể của Thượng viện dự thảo báo cáo trong đó kết luận hành vi nào đó của nghị sĩ là vi phạm hay không vi phạm các quy tắc đạo đức và vi phạm là ở mức độ nhẹ hay nghiêm trọng. Cho đến nay, Ủy ban Đạo đức Thượng viện đã xem xét tổng cộng 5 vụ việc trong đó 3 vụ nhận được sự đồng thuận tại phiên họp toàn thể, 2 vụ việc đã không được các thượng nghị sĩ thông qua. Điều đó cho thấy việc xem xét, đánh giá hành vi của nghị sĩ theo các chuẩn mực đạo đức không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Cử tri là người giám sát quan trọng nhất
Tham gia tích cực và có tham luận trình bày tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản chia sẻ: Quốc hội Việt Nam không ban hành một bộ quy tắc ứng xử riêng dành cho các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên các tiêu chuẩn đạo đức, yêu cầu về trách nhiệm, quy tắc ứng xử và kỳ vọng cần đáp ứng đối với những đại biểu được nhân dân bầu vào Quốc hội được quy định trọng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Luật Cán bộ, công chức, Luật Phòng chống tham nhũng, Nội quy kỳ họp Quốc hội và nhiều văn bản quan trọng của Đảng (đối với hơn 90% số đại biểu là đảng viên)... Các quy định này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hành vi đạo đức trong cơ quan lập pháp của Việt Nam. Đại biểu Quốc hội Việt Nam có trách nhiệm giữ mối liên hệ thường xuyên và thực hiện tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp để lắng nghe và phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri tới Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo cáo cử tri về kết quả kỳ họp, về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Hơn ai hết, cử tri chính là người giám sát quan trọng nhất đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Hiện chưa có nghị viện thành viên nào của AIPA xây dựng một bộ quy tắc ứng xử dành cho nghị sĩ. Các nước vừa chia sẻ những giá trị, chuẩn mực và kỳ vọng chung đối với nghị sĩ nhưng cũng có những khác biệt lớn. Tại Việt Nam và Thái Lan, một nghị sĩ đã vi phạm pháp luật thì không có cơ hội để có thể lại trở thành nghị sĩ trong tương lai. Trong khi đó, tại Malaysia, một nghị sĩ sau khi đã chấp hành xong hình phạt đối với các vi phạm của mình thì vẫn được ứng cử và có thể trở thành nghị sĩ và trên thực tế đã có những trường hợp như vậy.
Hội nghị đã giành trọn hai ngày để các đại biểu cùng thảo luận và bàn bạc, nhưng có vẻ như thời lượng hai ngày là chưa đủ để các đại biểu trao đổi, tranh luận sâu hơn về nhiều khía cạnh khác nhau của việc thực hành quản trị tốt tại nghị viện cũng như việc ban hành các bộ quy tắc ứng xử của nghị sĩ tại mỗi nước. Kết thúc Hội nghị, các đại biểu nhất trí rằng có rất nhiều kinh nghiệm, cách làm hay từ các nước có thể được tham khảo song việc ban hành một bộ quy tắc ứng xử dành cho nghị sĩ phụ thuộc vào điều kiện lịch sử, văn hóa chính trị và nhiều yếu tố khác ở mỗi quốc gia.