Quy tập hài cốt liệt sĩ ở Vị Xuyên: Bới đất, lật đá đưa các anh về

Trong quá trình quy tập, mẩu xương nguyên vẹn nhất chính là hai bàn chân nằm trong đôi tất tại một khe đá.

Kỳ 1: Ngày “Giỗ trận”

Kỳ 2: Quy tập hài cốt liệt sĩ ở Vị Xuyên: 'Lò vôi thế kỷ', 'Cối xay thịt người'

Kỳ 3: Cuộc chiến bảo vệ Vị Xuyên: Gian nan hành trình đưa các anh về

Ngày 12/7 được coi là ngày Giỗ trận hàng năm của những người lính mặt trận Vị Xuyên. Ngày 12/7/1984 được coi là ngày khốc liệt nhất, đau thương nhất của cuộc Chiến tranh Biên giới kéo dài 10 năm ròng.

Trận đánh diễn ra tại xã Thanh Thủy, khiến hơn 1.000 chiến sĩ thuộc Sư đoàn 312, 316, 313, 314, 322, Sư đoàn 3 Sao Vàng, và Sư 356 hy sinh. Tổn thất lớn nhất là Sư đoàn 356 với 593 chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại núi rừng Thanh Thủy, hầu hết không tìm thấy xác.

Từ đầu tháng 7, lác đác những tốp cựu chiến binh trong màu xanh áo lính hướng về Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên và đài hương ở điểm cao 468 ngay Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy.

Đài hương tưởng nhớ các liệt sĩ được xây ở nơi đặt đài chỉ huy mặt trận Vị Xuyên năm xưa. Vị trí này bao quát được các điểm cao mà nhắc đến ai cũng rợn người, như “Đồi thịt băm” 772, “Lò vôi thế kỷ” 685, “Thung lũng gọi hồn”, “Cửa tử”, các điểm cao khốc liệt 1509, 1.100, 800… là các ký hiệu mà những người lính giữ chốt năm xưa rất rõ.

Đại tá Phạm Văn Khoa, Phó chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang pha ấm trà shan, lục tìm tài liệu, rồi kể rằng, việc rà phá bom mìn đã thực hiện từ rất lâu nhưng khá chậm.

Hai năm nay, có 11 đội rà phá bom mìn, gồm cả ngàn công binh, thực hiện công việc ở những vị trí trọng điểm. Quá trình rà phá bom mìn ở những vị trí trọng điểm, thường xuyên phát hiện có hài cốt liệt sĩ, nên tháng 8/2018, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đã thành lập Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, để đưa các anh về Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên.

Đại tá Phạm Văn Khoa rưng rưng xúc động khi nhắc đến chuyện phát hiện mộ tập thể hồi năm 2018, ngay những ngày đầu thành lập Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Điều đau lòng là các anh nằm ngay thôn Giang Nam, cách cửa khẩu Thanh Thủy không xa, nơi cuộc sống nhộn nhịp, mà 35 năm sau mới tìm ra được.

Theo Đại tá Phạm Văn Khoa, cuộc quy tập hang mộ tập thể này bắt đầu từ ký ức của một cựu chiến binh từng là chỉ huy phó của một đơn vị. Ông cùng một văn công có mặt ở vị trí đó khi bị pháo kích. Khi xác định được vị trí, các đơn vị công binh khoanh vùng, rà phá vật liệu nổ, làm sạch khoảng không gian cả chục héc-ta quanh sườn núi, và lật đá tìm hang.

Theo ký ức của cựu chiến binh nọ, hang đá nằm ở lưng chừng điểm cao 685, có vai trò như trạm trung chuyển, là nơi tạm nghỉ của các đơn vị khi vào chốt hoặc từ chốt ra.

9 liệt sỹ mới được tìm thấy ở bình độ 400 thuộc cao điểm 685 còn gọi là “Lò vôi thế kỷ”.

9 liệt sỹ mới được tìm thấy ở bình độ 400 thuộc cao điểm 685 còn gọi là “Lò vôi thế kỷ”.

Ngày 12/7/1984, ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến, những quả pháo từ bên kia biên giới đã câu trúng cửa hang và kích nổ lượng vật liệu nổ rất lớn chứa trong hang, khiến bộ đội, dân công trú ngụ trong hang hi sinh hết. Toàn bộ hang đá bị sập xuống, những khối đá tai mèo nát vụn, lấp kín cửa hang, và hang đá hoàn toàn biến mất.

Những năm tiếp theo, cuộc chiến vẫn khốc liệt, pháo kích của giặc khiến đá biến thành vôi, núi đồi trọc lóc, cây cỏ cháy khô, nên hang đá đó cũng bị xóa sổ.

Đội công binh rà phá vật liệu nổ thuộc Bộ chỉ huy quân sự Lào Cai chuẩn bị vào núi làm việc.

Đội công binh rà phá vật liệu nổ thuộc Bộ chỉ huy quân sự Lào Cai chuẩn bị vào núi làm việc.

Đại tá Phạm Văn Khoa nhớ lại: “Buổi quy tập hang mộ tập thể ở chân điểm cao 685, chính tôi cùng tham mưu trưởng tất tưởi đi về, chỉ đạo trực tiếp anh em quy tập làm nhiệm vụ. Những tảng đá lớn được nhấc ra, mới biết nơi đây từng là hang đá. Vì kho vật liệu nổ bị kích nổ, nên các anh hy sinh thương tâm lắm, không còn nguyên vẹn nữa. Anh em phải dùng bay lật từng viên đá nhỏ để tìm xương, rồi dùng sàng như sàng gạo tìm từng mẩu xương nhỏ như hạt đỗ. Có một nữ công binh, vừa nhặt mẩu xương nhỏ xếp vào lá cờ Tổ quốc vừa khóc.

Bộ CHQS tỉnh đã đi khắp nơi tìm gặp các nhân chứng, nhưng không thể xác định được đơn vị nào hy sinh ở hang đá này, nhưng chắc chắn là có các anh Sư đoàn 365. Trong quá trình quy tập, mẩu xương nguyên vẹn nhất chính là hai bàn chân nằm trong đôi tất trong một cái khe đá. Tất cả xương đều nát vụn, mục mủn do sức tàn phá của thuốc nổ và thời gian mưa nắng, đến nỗi răng cũng mỗi nơi một chiếc chứ không còn nguyên hàm.

Vì không thể xác định được từng bộ hài cốt, do các anh hòa trộn vào nhau cả, nên chúng tôi đã quy tập thành một ngôi mộ tập thể, an táng ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên”.

Video: Rà mìn, bới đất, lật đá đưa liệt sĩ Vị Xuyên về với đất mẹ

Đại tá Nguyễn Đình Chung, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Giang, lôi trong tủ ra tập tài liệu, rồi đưa cho tôi một trang báo cáo. Báo cáo của các đơn vị rà phá bom mìn vật liệu nổ trên địa bàn Vị Xuyên, từ ngày 12/6 đến 19/6/2020, tức một tuần, thực hiện trên diện tích 60ha, thu được: 3.679 mìn BB, mìn phóng; 48 mìn ĐH, 1.471 đạn pháo, cối; 60 đạn B40,41; 1.680 lựu đạn; 237 đạn M79; 14.776 đạn nhọn… cùng vật liệu nổ khác và chưa kể các vật liệu khó xử lý phải cho kích nổ tại chỗ.

Đại tá Chung bảo: “Mỗi tuần rà phá thu được lượng vật liệu nổ như thế, vậy nhiều năm qua là bao nhiêu? Phải tính bằng khối, bằng tấn. Tuần trước tôi trực tiếp lên thăm anh em làm nhiệm vụ ở khu vực trọng điểm, thấy có chỗ mỗi mét vuông thu được 8 quả mìn. Thống kê như thế để thấy cuộc chiến này căng thẳng và khủng khiếp như thế nào”.

Theo Đại tá Nguyễn Đình Chung, con số liệt sĩ hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên khoảng 4.000, nhưng mới đưa về được khoảng 2.000 liệt sĩ, còn lại khoảng 2.000 anh vẫn nằm ở chiến trường. Điều đau lòng, là khó có thể tìm được một bộ hài cốt nguyên vẹn và càng khó khăn hơn trong việc xác định danh tính liệt sĩ. Những liệt sĩ hy sinh toàn thây, hầu như đã được đưa về tuyến sau ngay sau khi hy sinh, số liệt sĩ nằm lại hầu như là trúng pháo kích tan cả hài cốt, và phần nhiều là bị chôn vùi trong hang, bị đá đổ đè nát cả.

“Chiến trường Vị Xuyên giành giật nhau từng mét đất, mỏm đá, nên vô cùng khắc nghiệt. Địch đánh kiểu nhà giàu, nã đạn pháo không tiếc, chúng cứ tính diện tích rồi cân đạn, rồi chở đạn bằng ô tô đến tận chân pháo để bắn, nên bộ đội ta phải trú ẩn trong hầm hào. Các trường hợp không tìm được xác, chưa thấy hài cốt, đều là do trúng pháo, trúng mìn bị tan xác, bị đá đè. Các anh không toàn thây nằm đó, đồng đội không mang về được, mà tiếp tục bị pháo kích suốt ngày đêm, suốt nhiều năm, trắng xóa cả núi đá, đến nỗi đá biến thành vôi, thì còn gì là thịt xương nữa” – Đại tá Nguyễn Đình Chung chia sẻ.

Một cửa hang bị sập do pháo kích của Trung Quốc, khiến nhiều bộ đội Việt Nam hy sinh.

Một cửa hang bị sập do pháo kích của Trung Quốc, khiến nhiều bộ đội Việt Nam hy sinh.

Đại tá Phạm Văn Khoa, Phó chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang bấm điện thoại gọi vài nơi, rồi bảo tôi về nghỉ, mai lên đường sớm đi theo Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ của Bộ CHQS tỉnh Hà Giang vào biên giới, chứng kiến việc quy tập liệt sĩ.

Hiện tại, ở Vị Xuyên có tới 11 đội rà phá bom mìn, đến từ Bộ Quốc phòng, một số quân khu miền Bắc, một số từ Bộ CHQS tỉnh phía Bắc, với hàng ngàn chiến sĩ công binh, trong khi Bộ CHQS tỉnh Hà Giang chỉ có một đội, nên không dễ dàng để vào biên giới, nơi vật liệu nổ còn chằng chịt trong rừng.

Đúng 6 giờ sáng, tôi có mặt ở trụ sở Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, là ngôi nhà tạm, nằm vắt vẻo trên sườn đồi thuộc thôn Nà Toong, cách cửa khẩu Thanh Thủy vài km. Tuy nhiên, trong trụ sở chỉ còn mỗi đồng chí lái xe cấp cứu ngồi uống trà. Đồng chí lái xe bảo, sáng nào cũng như sáng nào, cứ 5 giờ sáng là Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ lái xe máy đi về hướng Thanh Thủy và đến chiều tối mới về.

Theo chỉ dẫn, tôi đi về hướng bản Nam Giang, xã Thanh Thủy. Đón tôi ở ngay ven cửa khẩu, đầu con đường đi vào trong núi là đồng chí Hoàng Vũ Dũng, Phó đội trưởng Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ (Bộ CHQS tỉnh Hà Giang), cùng Đại úy Đặng Văn Nhỉ, Đội trưởng Đội rà phá bom mìn vật liệu nổ, thuộc Bộ CHQS tỉnh Lào Cai.

Mặc dù đoạn đường dẫn vào núi rộng rãi, nhưng dân thường không ai dám vào, vì đây là khu vực quân sự. Chỉ cách nhà dân vài bước chân, vật liệu nổ vẫn còn chi chít dưới lòng đất. Nơi đây, có những ngôi làng, mà gia đình nào cũng có người thương tật, bởi dính mìn, dính đạn.

Một thời, thập kỷ 90 của thế kỷ trước, hòa bình vừa trở lại, giá sắt thép lên cao, người dân đổ xô vào rừng đào bới mìn, đạn pháo, gỡ bán sắt vụn, chết và thương tật vô số. Cả trăm người phát rừng làm nương, cuốc phải mìn, nhẹ thì cụt chân, nặng thì tan xác.

Khu vực biên giới, từng là chiến địa ác liệt, đến bây giờ vẫn cực kỳ nguy hiểm, nên không ai được phép vào. Chỉ những khu vực nào được đội công binh rà phá bom mìn vật liệu nổ làm sạch, thì đội tìm kiếm và quy tập cùng những người có nhiệm vụ mới được đi vào và có sự giám sát chặt chẽ của đội rà phá bom mìn. Kể cả đi vào khu vực đã dọn sạch vật liệu nổ, vẫn phải đặt chân ở những chỗ được phép.

Trên đường đi, thấy bên đường có một khoảnh đất mới trồng cỏ voi, tôi thắc mắc sao lại có người dân vào đây trồng cỏ voi, thì Thượng úy Hoàng Vũ Dũng bảo do anh em công binh trồng. Anh kể, người dân trong vùng thông tin rằng, từng nhìn thấy có hai ngôi mộ ở đây từ 20 năm trước trong quá trình đi đào vật liệu nổ.

Sau khi kiểm tra các nguồn tin, thì Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ tiến hành đào tìm trên diện tích rộng. Tìm mãi không thấy, anh em đưa cả máy múc vào bới đất lật đá, nhưng tiến hành khai quật cả một khu vực rộng, múc cả đường lên cũng vẫn không thấy dấu tích hai liệt sĩ đâu cả. Sau đó, anh em công binh trồng lại cỏ voi ở vị trí đào bới cho núi đồi xanh lại.

Theo anh Dũng, chỉ cần nghe tin nơi nào có liệt sĩ, hoặc bất cứ thông tin gì từ trí nhớ, sơ đồ của cựu chiến binh, các anh đều lên đường đi khắp cả nước tìm gặp, để lấy thông tin.

Các chiến sĩ của Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Giang phải bới đất lật đá để tìm kiếm hài cốt.

Các chiến sĩ của Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Giang phải bới đất lật đá để tìm kiếm hài cốt.

Tuy nhiên, theo Thượng úy Đặng Văn Quân, dù thông tin có kỹ lưỡng, chính xác đến thế nào, thì việc tìm thấy hài cốt của các liệt sĩ cũng không hề đơn giản. Chẳng hạn, như trường hợp liệt sĩ Đặng Văn Đại, người xã Phương Tiến (Vị Xuyên, Hà Giang), sinh năm 1966, hy sinh năm 1984, có đầy đủ hồ sơ mộ chí, nhưng tìm mãi vẫn không thấy.

Liệt sĩ Đặng Văn Đại khi đó thuộc trung đội dân quân B32, hy sinh lúc chập tối ngày 12/7/1984 do trúng đạn. Tối đó, cả tiểu đội khênh đi chôn. Tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, trung đội phó cũng có mặt, trực tiếp chôn cất anh trên một quả đồi, sau đó vẽ lại sơ đồ mộ chí, tọa độ hẳn hoi. Căn cứ vào sơ đồ mộ chí, sự dẫn đường của các cựu chiến binh trực tiếp chôn cất, nhưng Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ tìm mãi vẫn chưa thấy. Trên khắp quả đồi đó, anh em đã đào cả ngàn hố cách nhau đều đặn 50cm, nhưng suốt 3 tháng trời vẫn không thấy dấu hiệu liệt sĩ Đại ở đâu. Có thể, đạn pháo cày xới đất, xé tung cả hài cốt liệt sĩ Đặng Văn Đại rồi.

Khi 11 đội công binh tiến hành rà phá bom mìn trên quy mô rộng lớn, cả ngàn héc-ta ở những vị trí trọng điểm, thì công tác tìm kiếm và quy tập của Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ gắn chặt với các đội rà phá bom mìn. Quá trình rà phá vật liệu nổ, khi phát hiện các khu vực có hang động, khe đá, hay có dấu hiệu của vật dụng cá nhân, xương cốt… là khoanh vùng rồi thông báo cho đội tìm kiếm quy tập liệt sĩ làm nhiệm vụ. Chỉ khi nào khu vực rà phá vật liệu nổ gần như an toàn tuyệt đối, thì đội tìm kiếm hài cốt mới tiến hành làm việc.

Cuốc bộ dốc ngược một hồi, chúng tôi gặp một chốt canh gác, có hai chiến sĩ trẻ đứng gác. Theo Đại úy Đặng Văn Nhỉ (đội trưởng rà phá vật liệu nổ, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai), bắt đầu vào đến chân quả núi mà các cựu chiến binh hay gọi là điểm cao 685, hay có tên khác là “Lò vôi thế kỷ”. Sở dĩ, điểm cao này có tên gọi như vậy, vì hứng đạn pháo quá nhiều, sức công phá của chúng khiến cả quả núi đá biến thành một lò vôi trắng xóa.

Ngôi mộ tập thể được quy tập từ Hang Sập, bình độ 400 thuộc cao điểm 685.

Ngôi mộ tập thể được quy tập từ Hang Sập, bình độ 400 thuộc cao điểm 685.

Từ đầu năm 2020, đội rà phá vật liệu nổ của Bộ CHQS tỉnh Lào Cai, do Đại úy Nhỉ là đội trưởng, chỉ huy 125 công binh dựng lều ăn ngủ trong rừng suốt từ đó đến nay, chưa một ngày nghỉ ngơi, chưa được về thăm nhà, rà phá thu hồi vật liệu nổ suốt nhiều tháng, mà mới làm sạch được khoảng 25,5 héc ta.

Trên dọc đường vào núi, là những hố sâu chừng nửa mét, có lán che, là đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ xếp ở dưới. Theo Đại úy Nhỉ, chỉ khoảnh núi nhỏ xíu, mà thu được số vật liệu nổ phải tính bằng nhiều mét khối, tấn, chứ chưa đủ sức thống kê đếm vo. Cứ đào xuống đất là thấy mìn, đạn. Thế mới thấy, cuộc chiến đấu giành giật các điểm cao ở Vị Xuyên kinh khủng thế nào.

Cuốc bộ đến khi mồ hôi vã ra như tắm, đến chân một vách núi dựng đứng, thì chúng tôi gặp nhóm chiến sĩ của Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Giang, gồm mấy chục chiến sĩ, mỗi người một cái bay, trong trang phục lẫn với cây rừng, hí hoáy ở các hốc núi, vách đá, luôn tay xúc xúc, bới bới, đãi đá đất rất tỉ mỉ, cần mẫn tìm xương cốt liệt sĩ lẫn trong đá dăm.

Trên tảng đá tai mèo đen sì, lộ ra những vệt trắng, vẫn nhuốm khói đen của đạn pháo hơn ba thập kỷ trước, là một mâm lễ bình dị, với chai nước, tập giấy tiền, bánh kẹo, thuốc lá và khói hương nghi ngút. Thượng úy Đặng Văn Quân, Đội trưởng Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, dừng công việc, đặt chiếc bay lên mỏm đá, châm nén nhang, đưa cho tôi bảo: “Nhà báo thắp cho các anh, các chú nén nhang đi đã”.

“Bây giờ cây cỏ mọc lên trùm kín, nên không có kinh nghiệm sẽ chẳng nhìn thấy gì. Để tôi tả cho nhà báo thấy sự khốc liệt của chiến tranh nhé. Chỗ này là một núi đá tai mèo dựng đứng. Chỗ chúng ta đứng là một cửa hang nông, hoặc đúng ra là một mái đá, bình độ khoảng 400m so với mặt nước biển.

Trước mặt kia chính là điểm cao 685. Toàn bộ khu vực đều trong tầm pháo kích của địch. Để tránh bị pháo kích, thì chỉ có cách núp trong hang, vách đá. Nhưng, pháo binh của Trung Quốc rất mạnh, nhất là pháo 160 ly bắn tung cả đá. Chúng bắn nhiều đến nỗi văng cả vách đá, lở cả núi. Nhà báo hãy nhìn những tảng đá nặng cả chục tấn đổ lởm chởm dưới thung lũng kia thì sẽ thấy toàn là đá núi lở xuống. Dưới chân chỗ ta đứng, pháo kích kinh khủng đến nỗi đá núi biến hết thành đá nhỏ cỡ 2-3cm như đá nghiền đổ bê tông” – Thượng úy Đặng Văn Quân vừa chỉ trỏ, vừa mô tả dựng lại hiện trường cho tôi hiểu.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Nguồn VTC: https://vtc.vn/quy-tap-hai-cot-liet-si-o-vi-xuyen-boi-dat-lat-da-dua-cac-anh-ve-ar558297.html