Quỷ Tasmania lần đầu sinh con ở lục địa Australia sau 3.000 năm
Lục địa Australia chứng kiến những cá thể quỷ Tasmania non đầu tiên chào đời sau hơn 3.000 năm kể từ khi loài này biến mất bởi sự xuất hiện của chó Dingo.
Bảy cá thể quỷ Tasmania non đã chào đời tại khu bảo tồn động vật hoang dã Barrington, tiểu bang New South Wales, theo thông báo của tổ chức bảo tồn hoang dã Aussie Ark hôm 24/5.
CNN cho biết quỷ Tasmania đã biến mất ở lục địa Australia từ hàng nghìn năm trước, sau khi loài chó Dingo xuất hiện. Từ đó, quỷ Tasmania chỉ còn sinh sống trong phạm vi đảo Tasmania, phía nam Australia.
Tháng 9/2020, tổ chức bảo tồn hoang dã Animal Ark đã đưa 11 cá thể quỷ Tasmania trở lại môi trường tự nhiên ở đại lục Australia. Cùng với 15 cá thể đã có mặt trước đó trong một dự án nghiên cứu, số cá thể quỷ Tasmania tại đại lục Australia được nâng lên 26.
Sau 8 tháng từ khi trở lại môi trường tự nhiên, các cá thể quỷ Tasmania đã sinh sản thành công. Những cá thể non mới sinh có kích thức chỉ bằng hạt đậu và hiện ở bên trong túi của cá thể mẹ.
Thông thường, cá thể quỷ Tasmania mẹ sẽ sinh 20-40 cá thể con mỗi lần. Những cá thể con sẽ phải cạnh tranh để giành được nguồn sữa từ con mẹ. Những con chui vào được túi của cá thể mẹ sẽ sống ở đó khoảng 3 tháng.
"Chúng tôi đang cố gắng đưa quỷ Tasmania trở lại môi trường tự nhiên ở lục địa Australia, hy vọng rằng chúng có thể duy trì một quần thể sinh trưởng bền vững", Animark Ark cho biết.
Quỷ Tasmania là loài thú có túi săn mồi lớn nhất thế giới, và là loài săn mồi bản địa đứng đầu chuỗi thức ăn. Điều này đồng nghĩa việc tái sinh trưởng quỷ Tasmania ở đại lục Australia sẽ giúp kiểm soát số lượng quần thể mèo hoang và cáo, những động vật đang đe dọa sự tồn tại của nhiều loài khác.
Quỷ Tasmania cũng là loài ăn xác thối, giúp tránh các loại bệnh tật phát tán ra môi trường.
Hiện nay, chỉ còn khoảng 25.000 cá thể quỷ Tasmania sinh sống trong tự nhiên, tổ chức Aussie Ark cho biết.