Quỹ tín dụng nhân dân Phước Thể: Sáng tạo trong cho vay

Hoạt động khá 'đặc biệt' giữa những vùng xã biển đảo, xã miền núi và xã đồng bào dân tộc Chăm, Quỹ tín dụng nhân dân Phước Thể gặp rất nhiều khó khăn lúc đầu nhưng qua năm tháng phát triển, đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho bà con. Đây là nơi những hộ nghèo, hộ dân tộc Chăm, ngư dân gửi niềm tin vào vay vốn và gửi tiết kiệm...

Khai thác mọi nguồn vốn nhàn rỗi

Quỹ tín dụng (QTD) nhân dân Phước Thể được thành lập từ năm 1997. Địa bàn hoạt động gồm 3 xã liền kề cùng huyện Tuy Phong: xã Phước Thể (xã đảo), xã Vĩnh Hảo (xã miền núi) và xã Phú Lạc (xã đồng bào Chăm). Do đặc điểm về địa lý, tập quán nên việc huy động tiền gửi tại chỗ để cho vay thành viên luôn gặp nhiều khó khăn, phần lớn QTD dựa vào nguồn vốn vay của Ngân hàng HTX Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Thuận để cho vay thành viên. Những năm gần đây, việc huy động tiền gửi tại chỗ để cho vay thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ có tín hiệu khởi sắc. Hội đồng quản trị đã thay đổi phương thức phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm huy động và cho vay phù hợp với điều kiện thực tế tại địa bàn nông nghiệp nông thôn nên các chỉ tiêu hoạt động tăng trưởng mạnh, năm sau luôn cao hơn năm trước.

Trụ sở Quỹ tín dụng nhân dân Phước Thể.

Trụ sở Quỹ tín dụng nhân dân Phước Thể.

Trong 3 năm trở lại đây, mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do tác động bởi dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng, nhưng QTD đã bám sát sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Thuận, cấp ủy và chính quyền địa phương chủ động triển khai kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp tiền tệ gắn với thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo hệ thống ngân hàng tiếp tục phát triển an toàn, hiệu quả.

Với phương châm: “Lấy phục vụ khách hàng làm mục tiêu phấn đấu”; lấy lợi thế gần dân để khai thác mọi nguồn vốn nhàn rỗi phục vụ phát triển kinh tế tại địa phương; lắng nghe ý kiến của khách hàng để tự hoàn thiện mình, quỹ đã mở rộng từ 1 xã, lên 3 xã liền kề. Đồng thời từ chỗ lệ thuộc hoàn toàn nguồn vốn vay của Ngân hàng HTX Việt Nam chi nhánh Bình Thuận, nay đã chủ động hoàn toàn nguồn vốn cho vay và điều hòa vốn về lại Ngân hàng HTX Bình Thuận. QTD Phước Thể thật sự là người bạn đồng hành của thành viên, hạn chế nạn cho vay nặng lãi tại địa bàn nông nghiệp nông thôn, cùng chính quyền địa phương giữ vững danh hiệu nông thôn mới.

Sáng tạo trong hoạt động cho vay

Năm 1997, QTDND thành lập với 247 thành viên, tổng nguồn vốn 570 triệu đồng, vốn điều lệ 90 triệu đồng, vốn huy động 79 triệu đồng, vốn cho vay 571 triệu đồng, lãi 5,5 triệu. Đến nay, QTD đã huy động tiền gửi tiết kiệm tại địa bàn nông thôn bình quân hàng năm hơn 2 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 31/8/2024 là 122,110 tỷ đồng/1.653 thành viên, trong đó cho vay phục vụ sản xuất nông nghiệp là 24,153 tỷ đồng/448 thành viên, chăn nuôi 17,547 tỷ đồng/140 thành viên, ngư nghiệp (biển): 29,002 tỷ đồng/799 thành viên, kinh doanh: 16,617 tỷ đồng/87 thành viên, tiêu dùng: 34,791 tỷ đồng/179 thành viên.

Đặc biệt, ngoài hình thức cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn, QTD đã sáng tạo trong huy động và cho vay phù hợp với điều kiện thực tế tại địa bàn nông nghiệp nông thôn và mô hình cho vay trả góp người có thu nhập thấp tại địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết số 1258 của Thủ tướng Chính phủ. Nổi bật là cho vay trả góp ngày cho người có thu nhập thấp tại địa bàn nông thôn được 61 tổ/1.200 thành viên và đã giải ngân 27 tỷ đồng. Mô hình cho vay trả góp ngày đã góp phần hạn chế được tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận, mô hình cho vay trả góp ngày mang lại hiệu quả cao, được các QTDND trong tỉnh và tỉnh Ninh Thuận học tập và áp dụng thành công. Được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận, Liên minh HTX Bình Thuận biểu dương và đặc biệt là Học viện Ngân hàng Phân viện Phú Yên lấy mô hình QTDND Phước Thể, đại diện QTDND khu vực các tỉnh Nam Trung bộ báo cáo tại hội thảo quốc gia về “Thúc đẩy tiếp cận tài chính toàn diện phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Nam Trung bộ” tại Phú Yên về mô hình cho vay trả góp người có thu nhập thấp.

Cũng từ chính sách cho vay linh hoạt, với lãi suất hợp lý nhiều thành viên đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn hoạt động, không những thoát nghèo mà vươn lên làm giàu chính đáng. QTD Phước Thể luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền ngành ngân hàng. Dẫn đầu phong trào thi đua được Liên minh HTX Bình Thuận biểu dương, khen thưởng tại hội nghị hợp tác xã điển hình tiên tiến lần I, II, III, IV, V và được UBND tỉnh Bình Thuận, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tặng nhiều bằng khen trong hoạt động tín dụng...

Chị Nguyễn Thị Phượng – Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Phước Thể cho biết, những năm qua, cán bộ, nhân viên của quỹ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác; chủ động, sáng tạo trong chuyên môn; thiết lập hệ thống quản lý chặt chẽ, kịp thời chấn chỉnh tồn tại, ngăn ngừa rủi ro, đảm bảo hoạt động của QTD an toàn, lành mạnh. Trong thời gian tới, bên cạnh nâng cao nghiệp vụ ngân hàng cho CBCNV, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các khoản cho vay, QTD sẽ phấn đấu xếp hạng A ngành ngân hàng...

TRẦN THI

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/quy-tin-dung-nhan-dan-phuoc-the-sang-tao-trong-cho-vay-124648.html