Quy trình an ninh siêu nghiêm ngặt tại các phòng thí nghiệm virus
Các phòng thí nghiệm virus khắp thế giới đều có quy trình an ninh siêu nghiêm ngặt, khiến khả năng virus SARS-CoV-2 nói riêng và virus, vi khuẩn nói chung thoát ra khỏi phòng thí nghiệm virus là điều cực kỳ hiếm.
Tiêu chuẩn siêu an ninh
Theo tờ SCMP, Viện Virus học Vũ Hán ở Trung Quốc đã trở thành trung tâm của nhiều thuyết âm mưu về nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, đây là một trong những phòng thí nghiệm an ninh nhất thế giới.
Viện Virus học Vũ Hán và các cơ sở tương tự trên thế giới đều có quy trình phòng ngừa nghiêm ngặt để ngăn chặn virus thoát ra ngoài.
Mặc dù không thể loại trừ hoàn toàn lỗi con người, nhưng những sự cố như vậy là cực kỳ hiếm.
Những người hiểu rõ về công việc trong môi trường phòng thí nghiệm cho biết các nhà nghiên cứu làm việc tại đây phải trải qua quá trình kiểm soát, kiểm tra nghiêm ngặt.
Dù phim ảnh Hollywood hay trò chơi điện tử khiến người ta nghĩ mầm bệnh có thể vô tình thoát ra nhưng với các phòng thí nghiệm trong thực tế, điều đó là khó xảy ra khi các phòng thí nghiệm có thiết kế ngăn chặn mầm bệnh nguy hiểm và phải được chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn an toàn cao nhất.
Viện Virus học Vũ Hán được chứng nhận là cơ sở an toàn sinh học cấp độ bốn (BSL-4) năm 2017 và là một trong hơn 40 cơ sở nổi tiếng khắp thế giới.
Viện này được phép nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất như Ebola, virus gây sốt Lassa ở Tây Phi và virus gây sốt xuất huyết Crimean-Congo. Các mầm bệnh ít nguy hiểm hơn được nghiên cứu tại các cơ sở an ninh thấp hơn.
Ông Yuan Zhiming, Giám đốc Viện Virus học Vũ Hán, bác bỏ thông tin virus SARS-CoV-2 xuất phát từ đây. Các nhà khoa học và Tổ chức Y tế Thế giới cũng liên tục bác bỏ các thuyết âm mưu nói virus này được thiết kế trong phòng thí nghiệm.
Nhà nghiên cứu Shi Zhengli phát biểu năm 2015 sau khi xây xong Viện Virus học Vũ Hán: “Các thí nghiệm chỉ cần nửa tiếng là xong ở các phòng thí nghiệm khác sẽ cần tới 3 tiếng ở phòng thí nghiệm BSL-4. Người ta cần phải đi qua vài cái cửa mới tới được chỗ để tủ lạnh để lấy đồ. Quy trình rất phức tạp nhưng phải làm như vậy”.
Một nhà nghiên cứu điều hành một phòng thí nghiệm BSL-3 cho biết các phòng thí nghiệm có quy trình nghiêm ngặt như vậy để đảm bảo an toàn sinh học. Động vật dùng trong thí nghiệm ở những cơ sở này phải được khử trùng áp suất cao trước khi loại bỏ, tất cả rác thải đều được xử lý trong phòng thí nghiệm.
Những ai vào hoặc ra phòng thí nghiệm phải kiểm tra thân nhiệt và các nhà nghiên cứu phải thường xuyên kiểm tra máu. Hoạt động của nhân viên trong phòng thí nghiệm đều được ghi lại và lưu theo quy trình an toàn.
Thông thường, các nhà khoa học vào các phòng thí nghiệm BSL-4 sẽ phải mặc bộ đồ an toàn sinh học toàn thân bên ngoài hai lớp quần áo bảo hộ. Họ có bình ô xy riêng để không phải thở không khí bên trong phòng thí nghiệm.
Phòng thí nghiệm kiểu này sử dụng áp lực âm và cửa ra vào ngăn khí để chặn không khí ô nhiễm lọt ra. Các nhà nghiên cứu phải tắm bằng hóa chất khi ra ngoài và trải qua quy trình ra vào nghiêm ngặt.
Không khí trong phòng thí nghiệm được lọc và nước thải được xử lý trước khi mang ra ngoài.
Các nhà nghiên cứu cũng phải trải qua tập huấn về quy trình an toàn rồi mới được làm việc trong cơ sở kín mít như vậy.
Sự cố phòng thí nghiệm
Tuy nhiên, các nhà khoa học thừa nhận việc vô tình làm mầm bệnh thoát ra hoặc lây bệnh trong phòng thí nghiệm đã từng xảy ra trên thế giới và thường là do lỗi con người.
Năm 2004, một nghiên cứu sinh đã mắc SARS khi nhiễm virus không hoạt tính từ phòng thí nghiệm BSL-3 tại Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc. Sự cố này khiến 9 người nhiễm bệnh, trong đó một người tử vong.
Một năm sau, một nghiên cứu sinh 27 tuổi ở Singapore nhiễm SARS tại một cơ sở thí nghiệm của chính phủ. WHO cho rằng sự cố là do tiêu chuẩn phòng thí nghiệm không phù hợp và xảy ra nhiễm bẩn chéo giữa mẫu virus Tây sông Nile và virus Corona gây SARS.
Tại Anh, trong đợt bùng phát bệnh lở mồm long móng năm 2007, người ta phát hiện ra nguồn gốc bệnh là do rò rỉ đường ống tại phòng thí nghiệm BSL-4 ở Viện Pirbright, một trung tâm nghiên cứu thú y.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ hồi tháng 12/2014 báo cáo các mẫu chứa virus Ebola sống đã được chuyển từ một phòng thí nghiệm BSL-4 tới một phòng BSL-2 – nơi không được phép chứa mầm bệnh nguy hiểm này.
Ông Richard Ebright, nhà sinh học phân tử tại Đại học Rutgers ở New Jersey, Mỹ và là giám đốc Viện Vi trùng học Waksman, nói: “Sự cố phòng thí nghiệm, đặc biệt là lây nhiễm trong phòng thí nghiệm, là điều thường xảy ra. Điều này đúng trên toàn thế giới. Sự cố phòng thí nghiệm gần như đều liên quan lỗi con người, thậm chí cả phòng thí nghiệm tốt nhất cũng không thể tránh lỗi con người”.
Ông Filippa Lentzos thuộc khoa y tế toàn cầu và y khoa xã hội tại Đại học King’s College London, Anh cho biết số phòng thí nghiệm an ninh cao ngày càng nhiều trong chục năm qua và con số này phải đánh đổi bằng an toàn, an ninh.
Dữ liệu cho thấy lỗi con người là nguyên nhân chính khiến nhân viên trong phòng thí nghiệm nhiễm mầm bệnh, chiếm 79% các ca từ năm 2009 tới 2015 và 67% các ca từ năm 2004 tới 2017.
Khảo sát quốc tế đăng năm 2016 cho thấy tình trạng lây nhiễm trong phòng thí nghiệm từ các cơ sở an ninh sinh học cấp 3 và 4 là hiếm nhưng nếu xảy ra thì do lỗi con người.
Bà Lynn Klotz tại Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí cho biết chưa có sự cố nào liên quan tới phòng thí nghiệm BSL-4.