Quy trình tố tụng các vụ án xâm hại trẻ em: Vẫn còn những lúng túng
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em, nếu không được đối xử một cách khéo léo thì chính hoạt động tố tụng có thể gây thêm tổn thương cho trẻ. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện quy trình tố tụng hình sự đối với các vụ án này.
Không biết trình báo sự việc ở đâu
Một thực trạng đã được chỉ ra, mặc dù việc xử lý, giải quyết các vụ án liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em luôn được các ngành, các cấp quan tâm và chỉ đạo sát sao nhưng tình hình tội phạm xâm hại trẻ em vẫn có những diễn biến phức tạp. Số vụ án hình sự xâm hại trẻ em do tòa án xét xử và số trẻ em bị xâm hại có xu hướng gia tăng, với nhiều hình thức, thủ đoạn mới và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng.
Theo thống kê của Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2019, có 2.023 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, với 1.728 đối tượng, 1.729 em bị xâm hại. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.701 vụ, chiếm 84,1% tổng số vụ xâm hại trẻ em.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, hiện nay, pháp luật đã quy định khá đầy đủ các trình tự, thủ tục trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em.
Tuy nhiên, thực tế có không ít trường hợp nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân khi xảy ra sự việc thì không biết đến đâu để trình báo và cơ quan nào tiếp nhận thông tin trình báo. Vấn đề này đã được pháp luật quy định rất rõ ràng là nạn nhân, gia đình nạn nhân có thể đến bất cứ đồn công an nào để trình báo, nếu đến được văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra hoặc văn phòng cơ quan cảnh sát hình sự để trình báo thì tốt nhất.
Ở những cơ quan này luôn có người ứng trực 24/24 giờ, có trách nhiệm tiếp nhận mọi thông tin tố giác tội phạm... Mặc dù vậy, văn bản này được ban hành dưới dạng quyết định của Bộ Công an và là văn bản mật. Theo các đại biểu, Bộ Công an cần sớm giải mật văn bản này và công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em cần phải được làm tốt hơn để người dân hiểu được khi xảy ra trường hợp con em mình bị xâm hại thì cần đến đâu để trình báo và cần phải làm những gì.
Hoàn thiện quy trình tố tụng phù hợp
Qua thực tế cho thấy, tội phạm xâm hại trẻ em thường xảy ra bí mật, không có người làm chứng và rất ít chứng cứ. Hơn nữa, những tác động của tội phạm đối với trẻ em thường trầm trọng hơn vì tuổi đời của các em còn nhỏ, dễ bị tổn thương. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu không được đối xử một cách khéo léo thì chính hoạt động tố tụng có thể gây thêm tổn thương cho trẻ…
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa cho rằng, hiện nay các văn bản hướng dẫn việc áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến quá trình tố tụng, xét xử vụ án xâm hại trẻ em chủ yếu mới chỉ quy định trách nhiệm của các ngành hoặc quy định chung về việc xử lý thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.
Những vấn đề liên quan đến trẻ em chỉ là một phần nhỏ trong đó. Chính vì vậy, cần có văn bản hướng dẫn quy định điều tra đặc biệt, giám định đặc biệt đối với các vụ án xâm hại trẻ em. Nếu không có văn bản hướng dẫn chung thống nhất thì mỗi ngành, mỗi cơ quan sẽ làm theo phần trách nhiệm của mình mà không có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhằm giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến xâm hại trẻ em.
Do đó, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện quy trình tố tụng hình sự đối với các vụ án xâm hại trẻ em theo hướng thân thiện; có quy định về quy trình giám định đặc biệt nhằm bảo đảm mọi hành vi xâm hại sớm được phát hiện và xử lý kịp thời. Trong quá trình giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em cần bảo đảm các quyền của trẻ em, người chưa thành niên theo nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi…