Quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại cộng đồng và doanh nghiệp
Mấy ngày gần đây, trên địa bàn Bình Phước xuất hiện nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan dịch. Để các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch, Sở Y tế vừa ban hành Công văn số 5123/SYT-NV về việc hướng dẫn tạm thời quy trình xử lý khi có F0 tại cộng đồng và doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
Tại cộng đồng, quy định chung: Thực hiện xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên hoặc xét nghiệm định kỳ cho các đối tượng có nguy cơ cao theo quy định, xử lý đúng quy trình khi phát hiện trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV- 2 bằng kỹ thuật Real-time RT-PCR (F0).
Quy trình xử lý F0 tại cộng đồng gồm 4 bước:
Bước 1: Cách ly tạm các trường hợp có kết quả dương tính với SARS- CoV-2 xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc RT- PCR mẫu gộp tại khu cách ly của địa phương hoặc tại nhà; lấy mẫu đơn làm xét nghiệm RT- PCR đề khẳng định.
Bước 2: Bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe của F0:
Nếu phát hiệu F0 có bệnh lý nền, có thai, người trên 50 tuổi (hoặc trên 65 tuổi) hoặc có dấu hiệu suy hô hấp (thở nhanh hoặc khó thở hoặc SpO2 dưới 96%): cho thở oxy và liên hệ trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã hoặc trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc trạm y tế lưu động (gọi tắt là cơ quan y tế địa phương) nơi F0 cư trú để cơ quan quản lý thực hiện chuyêrn F0 đến bệnh viện có chức năng thu dung điều trị Covid-19 trên cùng địa bàn, hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến điều trị Covid -19 gần nhất bằng xe cấp cứu.
Công nhân Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc (huyện Chơn Thành) làm thủ tục trước khi vào tiêm. ảnh: ĐỗTrình
Trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ:
Nếu đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà: Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố phân công cho trạm y tế phường, xã, thị trấn hoặc trạm y tế lưu động nơi F0 cư trú quản lý chăm sóc và điều trị F0 tại nhà theo quy định Bộ Y tế.
Nếu không đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà: trạm y tế phường, xã, thị trấn hoặc trạm y tế lưu động nơi F0 cư trú báo cáo về trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã để trung tâm y tế điều chuyển F0 đến bệnh viện có chức năng thu dung điều trị Covid-19 trên cùng địa bàn, hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 gần nhất bằng xe cứu thương hoặc bằng xe chuyên dụng vận chuyển F0.
Bước 3: Chăm sóc F0:
Trường hợp F0 cách ly, điều trị tại nhà: thực hiện chăm sóc theo hướng dẫn tại Quyết định số 4038/QĐ-BYT ngày 21-8-2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà.
Trường hợp F0 cách ly, điều trị tại cơ sở cách ly tập trung: áp dụng cho các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nhưng không đủ điều kiện cách ly tại nhà; chăm sóc và điều trị các bệnh lý nền kèm theo nếu có; khuyến khích các cơ sở triển khai các biện pháp nâng cao thể trạng hoặc áp dụng các bài thuốc điều trị kết hợp đông - tây y, các bài thuốc y học cổ truyền theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trường hợp F0 cách ly điều trị tại bệnh viện dã chiến hoặc bệnh viện điều trị Covid-19: chăm sóc, điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 4689/QĐ-BYT ngày 6-10-2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19.
Bước 4: Điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch theo quy định.
Tại doanh nghiệp, quy định chung:Tại mỗi doanh nghiệp thành lập bộ phận y tế, bố trí khu cách ly tạm thời. Thực hiện xét nghiệm sàng lọc, xét nghiệm định kỳ cho người lao động theo hướng dẫn tại Công văn số 8228/BYT-MT ngày 30-9-2021 của Bộ Y tế và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12-10-2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Doanh nghiệp tự chi trả chi phí xét nghiệm cho người lao động. Cơ quan y tế địa phương luôn giữ vững quan điểm, nguyên tắc phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh gồm 3 bước:
Bước 1: Bộ phận y tế thực hiện tách nhanh và cách ly tạm F0 tại khu cách ly tại cơ sở sản xuất hoặc doanh nghiệp và thông báo ngay cho cơ quan y tế của địa phương, Ban quản lý khu kinh tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương theo phân công quản lý để được hỗ trợ:
Đối với khu, cụm công nghiệp: liên hệ Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố hoặc trạm y tế phường, xã, thị trấn hoặc trạm y tế lưu động nơi doanh nghiệp đang hoạt động.
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh khác: liên hệ trạm y tế phường, xã, thị trấn hoặc trạm y tế lưu động.
Bước 2: Trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được tin báo có phát sinh F0 của doanh nghiệp, cơ quan y tế địa phương đến trực tiếp doanh nghiệp để phối hợp với bộ phận y tế đánh giá tình trạng sức khỏe của F0 và lấy mẫu làm xét nghiệm R.T-PCR mẫu đơn để khẳng định (nếu trước đó chỉ làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên).
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 2 cho công nhân Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc (huyện Chơn Thành) - ảnh: ĐỗTrình
Nếu F0 có dấu hiệu suy hô hấp (thở nhanh hoặc khó thở hoặc Sp02< 96%). có thai, bệnh lý nền hoặc có các dấu hiệu, triệu chứng thuộc tầng 2, tầng 3 của tháp điều trị thì xử lý sơ cấp cứu ngay và liên hệ cơ quan y tế địa phương nơi F0 đang làm việc hoặc lao động để cơ quan quản lý thực hiện chuyển F0 đến bệnh viện có chức năng thu dung điều trị Covid-19 trên cùng địa bàn hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 gần nhất.
Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ:
Nếu đủ điều kiện cách ly tại công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất: cho F0 cách ly tại cơ sở cách ly của khu, cụm công nghiệp. Đơn vị báo cáo danh sách F0 về trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã nơi doanh nghiệp đang hoạt động để theo dõi và quản lý.
Nếu không đủ điều kiện cách ly tại công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất: liên hệ trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố nơi đơn vị đang hoạt động để chuyển cách ly F0 tại cơ sở cách ly theo quy định.
Bước 3: Bộ phận y tế phối hợp với cơ quan y tế địa phương tiến hành điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch theo quy định.
Nếu phát hiện F0 trong cùng 1 phân xưởng/dây chuyền sản xuất/tổ sản xuất/khu vực sản xuất/vị trí việc làm: đưa F0 tới khu vực cách ly tạm thời, tạm ngưng khu vực sản xuất tại vị trí có F0. Tạm ngưng sản xuất tại phân xưởng/dây chuyền sản xuất/tổ sản xuất/khu vực sản xuất có F0 mới được phát hiện. Di chuyển toàn bộ công nhân trong dây chuyền sản xuất này đến khu vực đủ rộng để tiến hành điều tra dịch tễ xác định các trường hợp tiếp xúc gần (Fl), lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ định của cơ quan y tế để nhanh chóng bóc tách các F0 ra khỏi dây chuyền sản xuất. Tiến hành xử lý môi trường bằng dung dịch sát khuẩn phù hợp với môi trường lao động, trang thiết bị máy móc của công ty, doanh nghiệp. Tổ chức cách ly các trường hợp Fl, F2 theo quy định. Chỉ được tổ chức sản xuất trở lại sau khi xác định bóc tách hết các F0, cách ly tất cả trường hợp Fl, F2.
Nếu phát hiện F0 ở ít nhất 2 dây chuyền sản xuất của cùng một phân xưởng: thực hiện như phần II (bước 3, điểm a). Bộ phận y tế tăng cường giám sát người có triệu chứng nghi ngờ trong vòng 14 ngày để làm xét nghiệm, kịp thời cách ly.
Nếu phát hiện F0 ở ít nhất 2 phân xưởng, mỗi phân xưởng có ít nhất 2 chuyền phát hiện F0: tạm ngưng hoạt động cả cơ sở sản xuất để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định đối với toàn bộ cơ sở sản xuất. Trong thời hạn 24 giờ, ban chỉ đạo phòng, chống dịch của doanh nghiệp phối hợp với trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố để phân tích và đánh giá tình hình dịch, xây dựng kế hoạch kiểm soát dịch tễ sớm đưa 1 phân xưởng hoặc toàn bộ cơ sở sản xuất trở lại hoạt động.
Về xử lý các trường hợp F1 tiếp xúc gần với F0 với khoảng cách dưới 2m (đứng cạnh F0 trong dây chuyền sản xuất, ngồi cùng bàn ăn, ngồi cùng bàn trong cùng phòng làm việc...): thực hiện cách ly y tế theo quy định (trước khi đưa đi cách ly tập trung cần làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR mẫu đơn). Nếu sau đó, Fl có kết quả xét nghiệm dương tính thì tiến hành xử lý theo quy định.
Doanh nghiệp phối hợp cơ quan y tế địa phương tiếp tục truy vết F2 theo quy định.
Thống nhất một số trường hợp đặc biệt trong xử lý F0, F1 như sau:
F0 có CT > 30: Nếu sau 24 giờ có kết quả xét nghiệm PCR lần 2 âm tính hoặc CT > 30 thì cho theo dõi tại nhà và giám sát y tế theo quy định (F1 của những trường hợp này thì cho tự theo dõi sức khỏe tại nhà và xét nghiệm 3 lần trong 7 ngày (ngày 1; ngày 3; ngày 7) nếu âm tính thì làm việc bình thường).
F0 có CT < 30 có tiêm ngừa Covid-19 đủ liều: Nếu không có triệu chứng và không bệnh nền thì cho cách ly tại nhà:
Xét nghiệm 3 lần trong 7 ngày nếu âm tính thì làm việc bình thường và tự theo dõi sức khỏe.
Nếu sau xét nghiệm lần 2, 3 có CT > 30 thì xử lý giống như trên.
Nếu sau xét nghiệm lần 2, 3 có CT < 30 thì thực hiện chăm sóc theo hướng dẫn tại Quyết định số 4038/QD-BYT ngày 21-8-2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dần tạm thời về quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà. (F1 của những trường hợp này thì cho tự theo dõi sức khỏe tại nhà và xét nghiệm 3 lần trong 7 ngày nếu âm tính thì làm việc bình thường).
F0 đã tiêm mũi 1 sau 14 ngày: Xử lý nếu trùng hợp các tình huống như trên hoặc như trường hợp F0 chưa tiêm ngừa vắc xin covid-19.
Sau khi xử lý xong F0, F1 doanh nghiệp báo cáo kết quả xử lý y tế về cơ quan quản lý, Sở Y tế, UBND huyện/thị xã/thành phố để giám sát và hỗ trợ xử lý dịch. Doanh nghiệp tự chi trả chi phí xét nghiệm, cách ly, điều trị... theo quy định.
Trường hợp doanh nghiệp tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động trước khi trở lại làm việc hoặc trong quá trình sản xuất, kinh doanh:
Thực hiện theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; Quyết định số 4800/QD-BYT ngày 12-10-2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP; Quyết định số 8228/BYT-MT ngày 30-9-2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Khi phát hiện F0 có các tình huống phù hợp theo quy trình xử lý F0 tại cộng đồng, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo ngay cơ quan y tế của địa phương, Ban Quản lý khu kinh tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương theo phân công quản lý để được hỗ trợ.