Quyền Anh nữ: Cửa sáng cho Việt Nam tại Olympic nếu đầu tư đúng

Quyền Anh nữ Việt Nam đã tiếp cận dần với trình độ thế giới. Đó là cơ sở để tin tưởng vào khả năng tìm kiếm huy chương Olympic trong tương lai gần khi các hạng cân nữ ngày càng được tăng cao.

Ngoài cử tạ và cầu lông, một môn thế mạnh của các quốc gia Đông Nam Á khi tranh tài tại Olympic là quyền Anh. Điều đó được thể hiện qua việc Thái Lan giành được 15 huy chương Olympic gồm 4 HCV, 4 HCB và 7 HCĐ. Trong khi đó, Philippines cũng giành được 4 HCB và 4 HCĐ.

Đặc biệt tại Olympic Tokyo vừa qua, Philippines giành đến 3 huy chương quyền Anh. Đó là Nesthy Petecio giành HCB hạng lông nữ, Carlo Paalam giành HCB hạng ruồi nam và Eumir Marcial giành HCĐ hạng trung nam. Cũng tại Olympic Tokyo, Thái Lan có 1 HCĐ của Sudaporn Seesondee ở hạng nhẹ nữ.

Tại Olympic Tokyo có 13 bộ huy chương quyền Anh gồm 5 hạng cân cho nữ. Đến Olympic Paris sắp tới, vẫn có 13 bộ huy chương quyền Anh nhưng hạng cân nữ sẽ tăng lên thành 6. Điều này tạo cơ hội lớn cho Thái Lan và Philippines khai thác huy chương bộ môn quyền Anh, đặc biệt là nội dung tranh tài cho nữ.

Quyền Anh Việt Nam có lịch sử khá thăng trầm trong việc phát triển và tham gia tranh tài tại Olympic. Trong lần đầu dự Olympic 1952, võ sĩ Tiến Vinh thua Angel Figueroa của Puerto Rico 0-3.

Sau khi đất nước thống nhất, lần đầu tiên quyền Anh Việt Nam góp mặt tại Thế vận hội là Olympic 1988 tại Seoul. Hai võ sĩ Vũ Tiến Tuấn và Đặng Hiếu Hiền đủ tiêu chuẩn để được xét đặc cách dự tranh. Trong đó, Đặng Hiếu Hiền đã làm nên kỳ tích khi giành một trận thắng ở đấu trường đỉnh cao trước đối thủ mạnh Antonio Caballero của Tây Ban Nha ở hạng dưới ruồi. Chiến thắng này làm nức lòng cả đoàn quân vốn chỉ tham dự để vượt lên chính mình. Sau đó, Đặng Hiếu Hiền để thua tay đấm Michael Carbajal của Mỹ ở vòng 3. Còn Vũ Tiến Tuấn thi đấu không tốt ở hạng bán trung khi thua Abdellah Taouane của Ma Rốc ngay từ vòng 1.

Sau đó phong trào quyền Anh của Việt Nam bị một đòn chí mạng với sự cố ẩu đả ở giải VĐQG 1994 tại Hải Phòng, khiến cho môn thể thao này bị “treo” toàn diện trong 8 năm sau đó. Lệnh cấm kéo dài khiến quyền Anh Việt Nam coi như bị xóa sổ. Mấy trăm HLV, VĐV phải đối diện với sự thật phũ phàng là giải nghệ hoặc chuyển sang môn thể thao khác. Thực tế, phần lớn các võ sĩ đều chia tay sự nghiệp để tìm hướng mưu sinh.

8 năm đó không chỉ làm mất một thời gian, mà còn mất một thế hệ khiến cho công tác đào tạo và phát triển tài năng gián đoạn hoàn toàn. Chính vì thế, việc để quyền Anh phát triển trở lại sau khi lệnh cấm kết thúc vào năm 2002 là điều không hề dễ.

Vận may cho quyền Anh hồi sinh ở nước ta là ngay năm 2003, Việt Nam đăng cai SEA Games mở đường cho quyền Anh phổ biến trở lại. Dù trên sân nhà nhưng Việt Nam chỉ giành 5 HCĐ. Nhưng từ đây, quyền Anh Việt Nam bắt đầu trở lại quỹ đạo phát triển và thành tích tại SEA Games được cải thiện, đặc biệt là khi SEA Games 2005 thì quyền Anh nữ bắt đầu thi đấu.

Tại Philippines 2005, Việt Nam đã góp mặt tại các trận chung kết quyền Anh nhưng chỉ có 3 HCB và 4 HCĐ, trong đó có 2 HCB do các tay đấm nữ giành được. SEA Games 24 (2007) là 1 HCB, 10 HCĐ; SEA Games 25 (2009) là 5 HCB, 3 HCĐ.

Phải đến SEA Games 2011, quyền Anh mới có HCV đầu tiên của Lương Văn Toản (hạng nặng hay 81kg nam), ngoài ra Việt Nam còn đoạt 5 HCB và 2 HCĐ. Tại SEA Games 27 (2013), thành tích của chúng ta lại nâng lên một chút với 2 HCV của Lừu Thị Duyên (60kg nữ) và Hà Thị Linh (64kg nữ) cùng 1 HCB, 5 HCĐ.

Tại SEA Games 28 (2015), thành tích tiếp tục nâng lên với 3 HCV của Trương Đình Hoàng (75kg nam), Nguyễn Thị Yến (51kg nữ) và Lê Thị Bằng (54kg nữ) cùng 1 HCB, 2 HCĐ để lần đầu tiên lọt vào top 3 (xếp thứ 2). Đó cũng là lần đầu chúng ta vượt trên cả Thái Lan.

Đến SEA Games 29 (2017), quyền Anh Việt Nam rơi tự do chỉ với 1 HCĐ của Huỳnh Ngọc Tân (49kg nam), xếp chót dưới cả Lào. Lý do là SEA Games 29 tại Malaysia không tổ chức thi đấu các hạng cân nữ.

Nguyễn Thị Tâm đoạt 2 HCV SEA Games, HCĐ Asian Games và từng dự Olympic

Nguyễn Thị Tâm đoạt 2 HCV SEA Games, HCĐ Asian Games và từng dự Olympic

Đến SEA Games 30 (2019), quyền Anh nữ thi đấu trở lại và Việt Nam đã có HCV của Nguyễn Thị Tâm (51kg nữ) cùng 5 HCB, 2 HCĐ, xếp sau Philippines và Thái Lan.

Đến SEA Games 31 trên sân nhà, quyền Anh Việt Nam giành 3 HCV đều nhờ công các nữ VĐV là Nguyễn Thị Tâm (hạng 51kg), Vương Thị Vỹ (hạng 57kg) và Trần Thị Linh (hạng 60kg) cùng 2 HCB, 2 HCĐ để xếp thứ 2. Tuy xếp dưới Thái Lan nhưng lần đầu Việt Nam xếp trên Philippines môn quyền Anh.

Tại SEA Games vừa qua, Việt Nam chỉ giành 2 HCV của Bùi Phước Tùng (71kg nam) và Hà Thị Lĩnh (63kg nữ) cùng 1 HCB và 3 HCĐ. Thành tích của Việt Nam có thể còn cao hơn nếu Nguyễn Thị Tâm không bị chấn thương.

Không chỉ SEA Games mà ngay cả đấu trường châu lục thì quyền Anh của Việt Nam cũng có thành tích. Tại Asian Games 2014, trên đường đoạt HCĐ thì Lê Thị Bằng đã hạ Josie Gabuco của Philippines tại tứ kết. Giải đó, Lừu Thị Duyên cũng giành HCĐ. Tại Asian Games 4 năm sau, Nguyễn Thị Tâm cũng giành HCĐ hạng 51kg nữ và tấm huy chương đó rất đáng quý nếu biết Indonesia chỉ tổ chức 3 hạng cân cho nữ.

Và hiện giờ, quyền Anh nữ Việt Nam đã tiếp cận dần với trình độ thế giới. Năm 2021, võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi đã trở thành tay đấm nữ Việt Nam đầu tiên sở hữu đai quyền Anh WBO thế giới khi giành chiến thắng ở trận so găng với VĐV Etsuko Tada (Nhật Bản) tại Hàn Quốc. Đến tháng 3 năm nay, Nguyễn Thị Tâm trở thành nữ võ sĩ đầu tiên của Việt Nam vào chung kết Giải vô địch quyền Anh nữ thế giới 2023 hạng 48-50kg.

Có thể thấy các nữ võ sĩ của Việt Nam rất có triển vọng trong việc kiếm huy chương tại Olympic, đặc biệt ở các hạng cân nhẹ. Có một nguyên nhân không kém quan trọng giúp quyền Anh nữ Việt Nam thành công là nhiều nước châu Á không khuyến khích phụ nữ chơi quyền Anh trong khi ở các nước Âu - Mỹ thì lại không có nhiều võ sĩ ở các hạng cân nhẹ. Đây chính là khoảng trống lớn để các tay đấm Thái Lan, Philippines đã lách và kiếm huy chương tại Olympic 2020. Chính vì thế, Việt Nam cũng cần đầu tư trọng điểm ở những hạng cân nữ này.

Tại Olympic 2020 vừa qua, Việt Nam có hai võ sĩ quyền Anh tham dự giải đấu Thế vận hội lần đầu tiên kể từ Seoul 1988. Nguyễn Văn Đương đã vượt vòng loại khu vực châu Á & châu Đại Dương 2020 tại Jordan trong khi Nguyễn Thị Tâm thế chỗ cho đại diện của CHDCND Triều Tiên sau khi nước này rút khỏi Thế vận hội.

Nhưng tại Tokyo, Nguyễn Văn Đương sau khi thắng Aliyev của Azerbaijan ở vòng 32 hạng lông thì đã thua Erdenebat của Mông Cổ ở vòng 16. Còn Nguyễn Thị Tâm đã thua Krasteva của Bulgaria 2-3 ngay vòng đầu hạng ruồi.

Đặng Hoàng

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/quyen-anh-nu-cua-sang-cho-viet-nam-tai-olympic-neu-dau-tu-dung-199580.html