Quyền chủ động không còn chắc trong tay, Tổng thống Biden sẽ 'sửa sai' trong cách tiếp cận Iran?
Theo bài viết mới đây trên Eurasia Review, mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden sốt sắng trong đàm phán hạt nhân với Iran nhưng ông sẽ khó đạt được mục tiêu nếu không có cách tiếp cận mới, khơi dậy tinh thần thiện chí từ Tehran.
Muốn "hồi sinh" JCPOA bằng mọi giá?
Giới chức Mỹ tuần trước đã cáo buộc 4 điệp viên Iran âm mưu bắt cóc một nữ nhà báo Mỹ từ thành phố New York, đưa cô này đến Venezuela bằng xuồng cao tốc, sau đó tiếp tục đưa tới thủ đô Tehran. Tất cả những điều này bắt nguồn từ việc nhà báo trên đã chỉ trích chính quyền Iran.
Hồi đầu tháng, các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria đã sử dụng máy bay không người lái và tên lửa tấn công binh sỹ và các nhà ngoại giao Mỹ, khiến hai lính Mỹ bị thương.
Hiện nay, Iran đang leo thang căng thẳng, nhiều khả năng nhằm “kiểm nghiệm” cam kết của chính quyền ông Biden về việc duy trì các cuộc đàm phán gián tiếp với Tehran tại thủ đô Vienna của Áo về chương trình hạt nhân Iran.
Liệu rằng, đã đến lúc Tổng thống Joe Biden nên dừng các cuộc đàm phán với Iran? Việc Washington đàm phán với Tehran về chương trình hạt nhân của họ không phải là một động thái thiếu thiện chí. Tuy nhiên, điều đó trước tiên phải diễn ra trong điều kiện và hoàn cảnh thích hợp.
Việc Tổng thống Biden nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử rằng quyết định rút khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), thường được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran là điều tồi tệ đối với các lợi ích của Mỹ, và cam kết gia nhập lại thỏa thuận đã làm suy yếu vị thế đàm phán của nước này.
Quyết tâm quay lại thỏa thuận này bằng mọi giá cũng khiến Washington khó có thể ở vị thế có lợi hơn trong thương lượng với Tehran.
Hơn nữa, ngay cả khi Tổng thống Biden mong muốn tái gia nhập JCPOA, có vẻ như tình hình chính trị trên khắp châu Âu và ở Iran sẽ ngăn cản một thỏa thuận được gia hạn trong tương lai gần.
Ở châu Âu, ba quốc gia quan trọng nhất khi nói đến các cuộc đàm phán JCPOA là Anh, Đức và Pháp. Hiện khó có khả năng ba nước này sẽ tham gia sâu hơn nữa vào các cuộc đàm phán.
Trong ba quốc gia, Anh có lẽ là nước cởi mở nhất về việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và cố gắng đàm phán một thỏa thuận mới với Iran. Thủ tướng Anh Boris Johnson trước đây đã đề nghị Tổng thống Biden ủng hộ một thỏa thuận hoàn toàn mới, nhưng quan điểm này chưa được chuyển thành chính sách mới của Anh về JCPOA.
Sự xáo trộn chính trị ở Đức và Pháp có nghĩa là không có quyết định quan trọng nào về cuộc đàm phán với Iran sẽ được đưa ra trong thời gian tới. Các cuộc bầu cử Quốc hội ở Đức vào tháng 9 tới dự kiến sẽ diễn ra đầy cạnh tranh.
Tiếp đó, cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào tháng 4/2022. Rất ít khả năng các nhà chức trách ở cả hai quốc gia trên sẵn sàng thực hiện bất kỳ thay đổi mạnh mẽ nào đối với Iran hoặc JCPOA trước khi các cuộc bầu cử diễn ra.
Iran chưa sẵn sàng
Một vấn đề khác ảnh hưởng đến triển vọng đạt được một bước đột phá của Tổng thống Biden trong các cuộc đàm phán với Iran là tình hình bên trong quốc gia Trung Đông sau cuộc bầu cử tổng thống gần đây. Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi là một người nổi tiếng cứng rắn.
Các nguồn tin ở Iran tuyên bố rằng các cuộc đàm phán tại Vienna sẽ không tiếp tục cho đến khi Tổng thống Raisi chính thức nắm quyền điều hành chính phủ vào tháng 8 tới. Đây là một chiến thuật trì hoãn của Tehran.
Theo nhận định, Tổng thống Raisi sẽ không sẵn sàng đối thoại với Mỹ như người tiền nhiệm. Còn các nước châu Âu sẽ không thực sự tham gia cho đến sau khi các cuộc bầu cử quan trọng ở nước họ diễn ra.
Do đó, đã đến lúc ông Biden phải bắt đầu thương thảo với một Iran mà ông đang đối mặt chứ không phải một Iran theo ý muốn của ông. Cho dù đến nay, chính quyền của Tổng thống Mỹ đã áp dụng phương pháp sai lầm, nhưng vẫn còn thời gian để sửa sai.
Trước tiên, Tổng thống Biden phải thừa nhận rằng thỏa thuận ban đầu được ký kết năm 2015 đã “chết”. Việc hồi sinh JCPOA sẽ giúp Tehran thoát khỏi đòn trừng phạt và gây ảnh hưởng tới kế hoạch Mỹ sử dụng áp lực để buộc Iran kiềm chế các hoạt động nguy hại trong khu vực.
Trong khi đó, Mỹ vẫn phải duy trì các biện pháp trừng phạt Iran. Washington không nên gỡ bỏ các lệnh trừng phạt chỉ đơn thuần để đổi lấy lời hứa đàm phán. Trên thực tế, có thể Tehran mong muốn nhận được khuyến khích về kinh tế để tái khởi động các cuộc thương thảo.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng cần thực hiện tốt hơn việc tham vấn các đồng minh trong khu vực về tình trạng của các cuộc đàm phán với Iran. Điều đáng lo ngại là ông Biden vẫn chưa đến thăm khu vực này kể từ khi nhậm chức.
Kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, Iran đã không thể hiện bất kỳ mong muốn thực sự nào để tham gia các cuộc đàm phán có ý nghĩa. Âm mưu bắt cóc gần đây và các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ là những ví dụ mới nhất về điều này.
Hiện sẽ không có sự thay đổi nào cho đến khi ông Biden có cách tiếp cận mới đối với Tehran, và cho đến khi Iran muốn đàm phán với Mỹ hơn là Mỹ muốn đối thoại với Iran.