Quyền hạn của BĐBP
Điều 15, Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) quy định, BĐBP có 8 nhóm quyền hạn cụ thể. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để BĐBP trực tiếp và phối hợp, hợp tác với các cơ quan, lực lượng thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG); duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới (KVBG), cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Quyền hạn của BĐBP, quy định:
“1. Bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật để thực thi nhiệm vụ; áp dụng hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này.
2. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu; cấp, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thị thực và các loại giấy tờ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; kiểm tra, kiểm soát phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xử lý phương tiện vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
3. Đấu tranh, ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
4. Hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở theo quy định tại Điều 11 của Luật này.
5. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 17 của Luật này.
6. Huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự theo quy định tại Điều 18 của Luật này.
7. Trực tiếp truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật từ biên giới vào nội địa; phối hợp với các lực lượng truy tìm, bắt giữ người có hành vi vi phạm pháp luật trốn chạy vào nội địa; truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật trốn chạy từ trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam ra ngoài phạm vi lãnh hải Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
8. Hợp tác, phối hợp với lực lượng chức năng của nước có chung đường biên giới, các nước khác và tổ chức quốc tế trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, cửa khẩu, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Các quyền hạn của BĐBP quy định trong Luật BPVN thể hiện:
Một là, thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nguyên tắc, phương châm, phương thức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ BGQG và xây dựng lực lượng BĐBP trong tình hình mới; đặc biệt đã cụ thể hóa quyền hạn của BĐBP được xác định ngay từ Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8-8-1995 của Bộ Chính trị về xây dựng BĐBP trong tình hình mới xác định, đó là: “Để thực hiện chức năng và các nhiệm vụ trên, BĐBP được Nhà nước giao cho quyền thừa hành pháp luật, thực hiện quản lý nhà nước đối với BGQG trên bộ và trên biển theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao, trên địa bàn quy định, có quyền xử phạt hành chính, quyền điều tra tố tụng hình sự và được quyền bố trí, sử dụng lực lượng thích hợp để chấp hành nhiệm vụ”.
Hai là, tiếp tục kế thừa và luật hóa một cách tập trung, cụ thể các quyền hạn được quy định (Điều 11 đến Điều 17) trong Pháp lệnh BĐBP và các văn bản dưới luật khác, như nhóm quyền hạn tại khoản 2, nhất là quyền hạn kiểm tra, kiểm soát phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xử lý phương tiện vi phạm pháp luật ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn áp dụng, khẳng định là cần thiết và đúng đắn. Đồng thời, phân thành từng nhóm bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Ví dụ: Quyền được trang bị, sử dụng vũ khí, khí tài, kỹ thuật quân sự, công cụ hỗ trợ ở Điều 11 và quyền được nổ súng trong các trường hợp tại Điều 17, Pháp lệnh BĐBP được quy định thành nhóm quyền sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại khoản 5, Điều 15, Luật BPVN.
Ba là, bổ sung một số quyền hạn mới phù hợp với thực tiễn xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế. Việc Luật BPVN lần đầu tiên quy định BĐBP có quyền áp dụng hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ BGQG; quyền hợp tác, phối hợp với lực lượng chức năng của các nước khác (ngoài những nước có chung đường biên giới) và các tổ chức quốc tế trong quản lý, bảo vệ BGQG, cửa khẩu, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho BĐBP trong quản lý, bảo vệ BGQG và mở rộng hợp tác quốc tế để đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ biên phòng trong tình hình mới.
Bốn là, các quyền hạn của BĐBP trong Luật BPVN đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ, không mâu thuẫn, chồng chéo với quyền hạn của các lực lượng khác trong quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu; đồng thời, hoàn toàn thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác quy định về quyền hạn của BĐBP, như: Điều tra hình sự, xử lý vi phạm hành chính, quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh...
Các quyền hạn của BĐBP đã được Luật BPVN xác định cụ thể, rõ ràng; do đó, cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải tích cực nghiên cứu, quán triệt, nắm chắc, thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn được giao; tránh tình trạng có thẩm quyền mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, vượt quá thẩm quyền dẫn tới vi phạm kỷ luật, pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của BĐBP.
Thạc sĩ Khuất Duy Thùy, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quyen-han-cua-bdbp-post437418.html