Quyển hồi ký của anh đang dở dang...
Tin Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Thế Anh qua đời đến với tôi khá bất ngờ. Trước đó, những lần họp mặt của anh em nghệ sĩ, bao giờ tôi cũng tìm gặp Thế Anh và hình như Thế Anh cũng tìm tôi để tôi chụp vài tấm hình chân dung cho anh. Đó là mối ân tình giữa những người bạn cùng nghề, cùng thế hệ trong thời chiến và cả thời bình.
1.
Tôi biết Thế Anh qua vai diễn trong phim Nổi gió do anh Huy Thành làm đạo diễn. Đồng bào miền Nam từ Đông Nam bộ đến ĐBSCL đều yêu mến Thế Anh trong bộ phim này, đến mức khi cùng Thế Anh đi giao lưu, gặp gỡ khán giả, đồng bào miền Nam, nhiều người đã gọi Thế Anh với tên Trung úy Phương.
Lý giải điều đó, tôi nghĩ rằng, đồng bào các tỉnh thành miền Nam đều có liên quan đến bên này hay bên kia của cuộc chiến. Vậy nên nhân vật Trung úy Phương qua nét diễn tinh tế, xuất sắc của Thế Anh, thể hiện đúng tâm trạng, tính cách nhân vật trí thức trung gian, cuối cùng đã giác ngộ cách mạng.
Theo tôi, người diễn viên tất yếu phải có tinh thần yêu nước, tính cách mạng thì mới diễn tốt như Thế Anh thủ diễn trong bộ phim Nổi gió nổi tiếng nhất trong thập niên 1960 - 1970 thế kỷ trước.
Có một vai diễn quan trọng nữa của Thế Anh ở TPHCM là bộ phim Mối tình đầu của cặp bài trùng biên kịch Hoàng Tích Chỉ - đạo diễn Hải Ninh. Tôi là bạn của Hồng Sến trong Xưởng phim Giải Phóng. Mỗi năm khi tết đến, bao giờ Hồng Sến cũng nhận thư chúc tết của đạo diễn Hải Ninh. Thế là Hồng Sến giới thiệu tôi với Hải Ninh.
Vậy nên từ trong chiến khu, tôi cũng nhận được những lá thư chúc tết của Hải Ninh. Sau đó, tôi đã giới thiệu Hoàng Tích Chỉ và Hải Ninh đến gặp gỡ, giao lưu với các chiến sĩ biệt động thành Sài Gòn. Và đạo diễn Hải Ninh đã lấy tên tôi đặt cho nhân vật mà Thế Anh đóng vai chính, tên Ba Duy. Từ dạo đó, giữa tôi và Thế Anh đã có tình bè bạn đồng nghiệp thân quen.
Từ Hãng phim Giải phóng tôi được GS Ca Lê Thuần khi đó là Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM mời về nhận nhiệm vụ Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu. Khi ấy, Thế Anh đã chuyển vào sinh sống tại TPHCM và nhận công tác tại Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu.
Từ tình bạn trước đó, tôi cộng tác với Thế Anh trong nhiều cuộc thi “Diễn viên điện ảnh triển vọng”, đồng thời cộng tác với Thế Anh trong nhiều bộ phim do tôi đạo diễn, như Đời có tên tụi mình, Ngoại ô… Còn nhớ trong bộ phim truyện Đời có tên tụi mình do chúng tôi tự bỏ vốn sản xuất, Thế Anh nhận vai diễn nhỏ, một ông bầu gánh hát rong. Thế mà Thế Anh vẫn tạo điều kiện và dành đất diễn cho nữ diễn viên Nguyễn Mỹ Khanh, lúc đó mới vào nghề.
2.
Thông thường, một diễn viên điện ảnh lớn trong nước và trên thế giới khi đã có tuổi đều thích trở thành đạo diễn. Có người đã thành danh với vai trò mới, nhưng cũng lắm người thất bại. Khi làm Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, tôi đã bàn bạc với Thế Anh thử làm đạo diễn một phim. Nhưng Thế Anh đã khiêm tốn từ chối vai trò mới này.
Thế Anh chỉ mong suốt đời thực hiện tốt vai trò diễn viên, cho dù đó là vai lớn hay vai nhỏ. Đấy cũng là ưu điểm tự lượng sức mình của diễn viên ngôi sao như Thế Anh.
Cảm nhận của tôi về NSND Thế Anh là tính cách bộc trực, hiền hòa, dễ mến với đồng bào chiến sĩ, đồng nghiệp và các bạn diễn viên trẻ. Anh luôn cởi mở, phóng khoáng, sẵn sàng giúp đỡ, dìu dắt các diễn viên đàn em. Tôi không hề thấy bất cứ ai, từ anh chị em trong đoàn phim, diễn viên quần chúng đến những bạn diễn từ già đến trẻ phiền hà, trách cứ NSND Thế Anh.
Ở Thế Anh, tôi cũng không hề bắt gặp tính kiêu căng của các diễn viên ngôi sao mà tôi đã thấy ở nhiều người. Một ngôi sao điện ảnh và truyền hình lớn, nổi tiếng như Thế Anh mà lúc nào cũng hòa nhã, cười vui với tất cả mọi người. Có thể nói NSND Thế Anh là con người đức hạnh, hoàn toàn mang phong cách lịch sự của người Hà Thành.
Gần cuối cuộc đời lao động nghệ thuật sân khấu và điện ảnh, NSND Thế Anh đã ngưng đóng phim để dành thời gian nghiên cứu và sưu tầm những tác phẩm lớn của đời mình và nền điện ảnh Việt Nam. Tôi còn thấy Thế Anh sưu tầm tất cả áp phích phim của anh đóng, đồng thời còn sưu tầm những áp phích phim nổi tiếng của điện ảnh thế giới.
Trong nhiều cuộc hội thảo do Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu và Hội Điện Ảnh TPHCM tổ chức, bao giờ NSND Thế Anh cũng nồng nhiệt bày tỏ mối ưu tư khi nền điện ảnh nước nhà đang trên đà xuống dốc.
Với tư cách một nghệ sĩ điện ảnh cách mạng lão thành, NSND Thế Anh đã đề xuất nhiều ý kiến đổi mới phương cách từ sản xuất đến sáng tác phim nhằm phát triển nền điện ảnh Việt Nam tiến kịp đà phát triển, trước tiên trong khối ASEAN rồi sau mới hòa đồng với điện ảnh thế giới.
Buồn thay, NSND Thế Anh đã không kịp hoàn thành những nghiên cứu lớn của đời mình, và quyển hồi ký của NSND Thế Anh vẫn đang dở dang, chưa kịp ra mắt đồng bào yêu mến nền điện ảnh dân tộc và những người hâm mộ anh.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/quyen-hoi-ky-cua-anh-dang-do-dang-619923.html