Quyền Linh đã đúng nhưng...
Phim Việt 'Hai Muối' truyền tải thông điệp giàu cảm xúc về tình phụ tử, đồng thời làm nổi bật cuộc sống của người lao động nghèo. Song, kịch bản phim còn cũ kỹ với nhiều điểm trừ.
Hai Muối là một trong hai phim Việt ra rạp vào dịp lễ 2/9 năm nay, bên cạnh Làm giàu với ma – có Tuấn Trần, Hoài Linh. Dự án gây chú ý vì đánh dấu sự trở lại của Quyền Linh sau 20 năm không đóng điện ảnh, kể từ Khi đàn ông có bầu (2004).
Bên cạnh đó, phim còn quy tụ dàn diễn viên thực lực như NSND Hồng Vân, NSND Việt Anh, NSƯT Công Ninh, Minh Luân… hứa hẹn mang lại một tác phẩm chất lượng, giàu cảm xúc.
Đáng tiếc, kịch bản còn hơi cũ, để lộ nhiều điểm trừ khiến tác phẩm chưa được hoàn hảo.
Mô-típ gia đình quen thuộc
Nội dung Hai Muối kể về gia đình ông Hai – người đàn ông trung niên “gà trống nuôi con”. Sau khi vợ mất, một mình ông bươn chải với nghề muối tại ấp đảo Thiềng Liềng (Cần Giờ, TP.HCM) để nuôi dạy con gái Muối (Bảo Ngọc).
Lớn lên, Muối mơ ước đổi đời ở Sài Gòn hoa lệ, quyết tâm lên thành phố theo học ngành du lịch để có thể phát triển du lịch quê hương. Nhưng cuộc đời không đơn giản như cô tưởng tượng. Ở nơi đất khách quê người, Muối gặp nhiều sóng gió khiến ông Hai không khỏi lo lắng.
Kịch bản phim đơn giản, đi theo mô-típ quen thuộc của thể loại tình cảm gia đình. Biên kịch cài cắm nhiều tình tiết để tạo nút thắt, từ đó làm nổi bật hình ảnh người cha thương con, sẵn sàng hy sinh tất cả vì con.
Song, cách triển khai câu chuyện tương đối cũ và đơn giản. Khán giả xem trailer có thể phần nào đoán được nội dung phim.
Ở nửa đầu, tác phẩm tạo được thiện cảm khi khai thác cuộc sống của các nhân vật một cách nhẹ nhàng, dễ chịu. Nhưng càng về cuối, câu chuyện càng được bi kịch hóa với nhiều tình tiết mang tính khiên cưỡng, thiếu thuyết phục.
Lời thoại cũng là điểm trừ của phim. Một vài câu thoại còn tạo cảm giác văn học, khiến không khí trong phim mất đi sự tự nhiên.
Bù lại, thông điệp của tác phẩm giàu ý nghĩa, tình phụ tử được khai thác vừa vặn. Mối quan hệ giữa người với người cũng được đề cao, nhắc người xem nhớ lại câu ca dao quen thuộc: “Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau”.
Thông qua câu chuyện của gia đình ông Hai, phim còn khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước của người Việt. Các nhà làm phim cũng thể hiện được sự cơ cực của những người dân làm muối ở ấp đảo Thiềng Liềng, điều hiếm gặp trên màn ảnh rộng.
Bối cảnh và diễn xuất của Quyền Linh là điểm cộng
Tác phẩm là dự án điện ảnh đầu tay của NSƯT Vũ Thành Vinh. Trước đó, anh nổi tiếng với vai trò đạo diễn, sản xuất cho nhiều chương trình trên truyền hình.
Lần đầu thử sức với vai trò mới, nhà làm phim đầu tư mạnh cho dự án, bỏ nhiều kinh phí để xây dựng bối cảnh, chuẩn bị đạo cụ để tạo nên những thước phim đẹp và chân thực.
Đạo diễn thể hiện sự cẩn trọng trong việc khai thác đời sống của người nông dân làm muối. Phim dựng lại những công đoạn sản xuất muối giúp khán giả có cái nhìn rõ ràng hơn về những người hàng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Trong đó, ông Hai là nhân vật đại diện cho những người lao động nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Phải nói rằng Quyền Linh là lựa chọn tuyệt vời cho vai chính. Trở lại với điện ảnh, MC quốc dân ghi điểm với lối diễn tự nhiên, không lên gân mà vẫn thuyết phục được người xem.
Từ tạo hình đến diễn xuất của anh đều chân thật, toát lên sự cơ cực, vất vả. Quyền Linh cũng thể hiện được sự chính trực và lòng bao dung của nhân vật. Dù nghèo, ông Hai không bị đồng tiền làm mờ mắt mà luôn giữ vững chính kiến. Tình cảm ông dành cho con gái thì xúc động và đáng trân trọng.
Các diễn viên phụ ở mức tròn vai. Huỳnh Bảo Ngọc thể hiện được sự mộc mạc, trong sáng của Muối. Hồng Vân lặp lại chính mình với dạng vai hài hước, được thêm vào chủ yếu để tạo tiếng cười. Vai diễn của Minh Luân thì gợi nhớ những nhân vật lãng tử quen thuộc anh từng đóng trong các phim truyền hình.
Trước Hai Muối, nhiều phim Việt rất thành công khi khai thác thể loại tình cảm gia đình. Nổi bật có Lật mặt 7: Một điều ước, Nhà bà Nữ và Bố già, đều tạo cơn sốt tại phòng vé, có mặt trong danh sách các phim Việt ăn khách nhất mọi thời.
Song, Hai Muối thua các phim trên vì chưa tạo được yếu tố bất ngờ. Sau khi xem phim, nhiều khán giả cũng chỉ ra những điểm trừ trong kịch bản. Đơn cử, làng muối của ông Hai được mô tả như một nơi nghèo khó quá mức, việc đi lên Sài Gòn như một mơ ước xa vời. Hay câu chuyện nhuốm màu showbiz ở nửa cuối cũng từng được nhiều phim Việt khai thác, hoàn toàn lệch tông với bối cảnh làng muối.
Khó thể phủ nhận nỗ lực của ê-kíp Hai Muối mang đến khán giả một tác phẩm nhân văn về tình cha con. Song, câu chuyện trong phim còn được xây dựng đơn giản, cách dẫn dắt cũng chưa thực sự hấp dẫn.
Càng về cuối, nhịp điệu phim hơi chậm và bị bi kịch hóa, dễ lấy nước mắt của nhiều khán giả nhưng cũng có thể gây khó chịu với một số người.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quyen-linh-da-dung-nhung-post1668670.tpo