Quyền lợi bảo hiểm của người đi xe khách nếu bị tai nạn

Qua một số vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe khách xảy ra gần đây, nhiều người dân lo lắng và đặt câu hỏi: Trên vé xe khách có ghi 'Đã bao gồm thuế GTGT 10% và bảo hiểm hành khách', như vậy, hành khách chẳng may bị nạn thì quyền lợi bảo hiểm như thế nào? Làm rõ nội dung này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông luật.

Phóng viên (PV): Luật sư có thể cho biết, pháp nhân nào phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho hành khách khi xảy ra TNGT?

Luật sư Diệp Năng Bình: Điều 618 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”. Do đó, khi TNGT xảy ra thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về pháp nhân tức công ty vận chuyển hành khách vì lái xe là người của công ty vận chuyển hành khách gây ra tai nạn và thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách trên xe trong khi đang thực hiện nhiệm vụ được công ty giao cho.

Bảo hiểm tai nạn đối với hành khách có ý nghĩa quan trọng, giúp giảm thiểu gánh nặng về thiệt hại vật chất cho đơn vị vận chuyển và hành khách. Tùy theo mức tham gia bảo hiểm, công ty bảo hiểm chỉ chi trả trong hạn mức bảo hiểm do đơn vị vận chuyển tham gia theo quy định của pháp luật. Trường hợp thiệt hại thực tế xảy ra ngoài hạn mức bảo hiểm thì đơn vị vận chuyển phải bồi thường phần giá trị vượt hạn mức theo quy định. Tuy nhiên, không phải bất kỳ trường hợp nào cũng được bảo hiểm.

 Luật sư Diệp Năng Bình.

Luật sư Diệp Năng Bình.

PV:Trong trường hợp hành khách bắt xe dọc đường, không mua vé tại bến xe hoặc nhân viên công ty vận chuyển hành khách không giao vé thì hành khách có được bồi thường không?

Luật sư Diệp Năng Bình: Điều 528, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hai hình thức hợp đồng vận chuyển hành khách, gồm: "Hợp đồng vận chuyển hành khách có thể được lập thành văn bản hoặc bằng lời nói; Vé là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách giữa các bên". Vì thế, dù hành khách không lấy vé xe thì giữa hành khách và công ty vận chuyển hành khách đã có giao kết hợp đồng dân sự với nhau. Bởi vì hình thức của hợp đồng vận chuyển hành khách có thể bằng lời nói hoặc văn bản, do đó việc giao kết hợp đồng giữa hành khách với phụ xe và lái xe là bằng lời nói. Việc giao kết này được pháp luật công nhận hai bên đã xác lập hợp đồng vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, tôi vẫn khuyến cáo người dân nên mua vé và lên xe tại các bến xe để chung tay xây dựng văn hóa giao thông, dần hạn chế và loại bỏ tình trạng xe dù, bến cóc.

Phóng viên: Theo luật sư, trường hợp xe khách bị xe khác gây tai nạn thì hành khách có được bồi thường hay không?

Luật sư Diệp Năng Bình: Căn cứ theo quy định tại Điều 528 nói trên thì pháp luật không quy định bên vận chuyển được loại trừ trách nhiệm do lỗi của bên thứ ba. Do đó, pháp nhân là công ty vận chuyển hành khách phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho hành khách theo quan hệ hợp đồng vận chuyển được giao kết giữa hai bên. Trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách thì bên vận chuyển hành khách mới không phải bồi thường thiệt hại cho hành khách.

Người dân nên mua vé tại các bến xe để xây dựng văn hóa giao thông và giữ vé phòng trường hợp bất chắc. Trong ảnh: Người dân mua vé tại bến xe phía Nam TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: THÀNH NAM.

Người dân nên mua vé tại các bến xe để xây dựng văn hóa giao thông và giữ vé phòng trường hợp bất chắc. Trong ảnh: Người dân mua vé tại bến xe phía Nam TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: THÀNH NAM.

PV: Một số trường hợp như trên có ý kiến cho rằng, bên gây ra tai nạn phải có trách nhiệm bồi thường cho hành khách. Luật sư có ý kiến như thế nào?

Luật sư Diệp Năng Bình: Pháp luật không quy định bên vận chuyển hành khách được loại trừ trách nhiệm do lỗi của bên thứ ba. Do đó, không thể cho rằng do lỗi của bên thứ ba thì chỉ bên thứ ba phải có trách nhiệm bồi thường. Nếu bên thứ ba có lỗi với công ty vận chuyển hành khách thì công ty hoàn toàn có thể yêu cầu bên thứ ba bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho mình theo quy định pháp luật. Trường hợp này, công ty vận chuyển hành khách phải đề nghị tòa án yêu cầu bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tức là doanh nghiệp bảo hiểm-nơi công ty vận chuyển hành khách mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc tham gia tố tụng.

PV: Xin cảm ơn luật sư Diệp Năng Bình!

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an): Trong quý I-2021, xảy ra 3.251 vụ TNGT đường bộ, làm chết 1.658 người, bị thương 2.437 người. Trong đó, có 162 vụ TNGT (chiếm tỷ lệ 4,98%) liên quan đến các loại xe ô tô khách, làm chết 91 người (chiếm tỷ lệ 5,49% về số người chết), làm bị thương 93 người (giảm so với cùng kỳ năm 2020 lần lượt là 5,09% và 6,42%). Nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT là do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; sử dụng điện thoại di động để đón, nhận khách, tìm đường gây mất an toàn giao thông; phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành hành khách.

NGUYỄN ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/quyen-loi-bao-hiem-cua-nguoi-di-xe-khach-neu-bi-tai-nan-655442