Quyền lợi khi tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục thế nào?
Theo BHXH Việt Nam, tại Khoản 5 Điều 12 Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT quy định thời gian 5 năm liên tục là thời gian sử dụng ghi trên BHYT lần sau nối tiếp lần trước, trường hợp gián đoạn tối đa không được quá 3 tháng.
Trong chương trình giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp do BHXH Việt Nam tổ chức mới đây, đã có rất nhiều bạn đọc quan tâm về các nội dung liên quan đến các chính sách này.
Người thứ 6 trong gia đình tham gia BHYT thì giảm trừ mức đóng thế nào?
Đối với quan tâm của bạn đọc về việc: Gia đình có 6 người, trong đó có 2 người đóng BHYT học sinh sinh viên và 3 người khác đóng tại nơi làm việc. Chỉ có người thứ 6 không đi làm và tham gia BHYT qua mua tại phường. Vậy người thứ 6 được giảm trừ bao nhiêu?
Về nội dung này, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, tại Khoản 2 điều 13 Luật BHYT quy định Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này.
Điều 12 Luật BHYT quy định thứ tự đôi tượng tham gia như sau: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT quy định: Việc giảm trừ mức đóng BHYT theo hộ gia đình được thực hiện khi các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.
Đối chiếu quy định trên, trong gia đình bạn 3 người tham gia BHYT theo Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, 2 người tham gia BHYT học sinh, sinh viên (Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng), 1 người còn lại tham gia BHYT theo hộ gia đình đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở.
Đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Hà Nội, nhổ răng tại Hà Tĩnh được BHYT chi trả không?
Về quan tâm của người dân liên quan đến việc tham gia BHYT tại trường và nơi đăng ký khám chữa bệnh là Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội). Vậy trong trường hợp người tham gia BHYT về quê để nhổ răng khôn ở bệnh viện ở quê (Hà Tĩnh) có được BHYT chi trả không? đại diện BHXH Việt Nam cho hay: Theo quy định hiện hành về thực hiện chính sách BHYT, trường hợp bạn đăng ký ban đầu tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh để được nhổ răng khôn tại tỉnh Hà Tĩnh mà vẫn được quỹ BHYT chi trả chi phí thì bạn có thể đi khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh sau và thực hiện đầy đủ thủ tục khám chữa bệnh BHYT, cụ thể:
Tại các bệnh viện tuyến huyện: được hưởng đầy đủ quyền lợi trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT của Bạn, bao gồm cả khám chữa bệnh ngoại và nội trú;
Tại các bệnh viện tuyến tỉnh: được hưởng đầy đủ quyền lợi trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT của bạn với trường hợp chỉ định nhập viện nội trú, trường hợp chỉ khám ngoại trú thì không được quỹ BHYT thanh toán phần chi phí này;
Tại các bệnh viện tuyến Trung ương: được hưởng 40% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT của bạn với trường hợp chỉ định nhập viện nội trú, trường hợp chỉ khám ngoại trú thì không được quỹ BHYT thanh toán phần chi phí này.
Tính thời điểm đóng BHYT đủ 5 năm liên tục thế nào?
Theo BHXH Việt Nam, tại Khoản 5 Điều 12 Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT quy định thời gian 5 năm liên tục là thời gian sử dụng ghi trên BHYT lần sau nối tiếp lần trước, trường hợp gián đoạn tối đa không được quá 3 tháng.
Như vậy, nếu thời gian tham gia BHYT của người tham gia gián đoạn không quá 3 tháng thì được tính là liên tục.
Về quyền lợi khi tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục, BHXH Việt Nam cho biết:
Căn cứ theo Điểm c, Khoản 1, Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung 2014 thì người tham gia BHYT sẽ được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi đã đóng BHYT đủ 05 năm liên tục và có "Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm".
Để được cấp "Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm" người khám chữa bệnh cần phải thỏa mãn 2 điều kiện:
Đã tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên.
Có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
BHXH lưu ý: khi đã được cấp "Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm" thì người tham gia BHYT sẽ không phải tiếp tục áp dụng cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh đến hết năm dương lịch.