Quyền lực người
Hôm qua, 3/12 là Ngày quốc tế Người khuyết tật lần thứ 30. Cũng là thời điểm mà tỉ phú Elon Musk trình diễn ứng dụng cấy chip vào não người để giúp khôi phục thị lực cho người mù, và phục hồi một số chức năng vận động cho bệnh nhân bại liệt.
Hiểu biết về vấn đề khuyết tật, huy động hỗ trợ nhân phẩm, quyền và phúc lợi cho người khuyết tật luôn là ước mơ mà thế giới này hướng tới. Còn con chip gắn vào não người chạy bằng pin có thể sạc từ xa và kết nối không dây với máy tính là thiết bị có thể mua bằng tiền một cách rạch ròi. Thế giới giả lập đã hiện hữu thực sự rồi. Cái barie về pháp lý hay đạo đức nhân bản có lẽ rồi cuối cùng cũng phải nhường chỗ cho tính thực dụng. Mà xét cho cùng cũng là nhu cầu chính đáng.
Hôm nay, 4/12, tròn 70 năm trước, chỉ một đợt sương mù khổng lồ tấn công vào thủ đô Luân Đôn đã khiến ít nhất 12 nghìn người thiệt mạng. Những tai ương ngày càng dễ dàng hạ gục loài người. Để hình dung về hơn 4 vạn người đầu tiên đứng thẳng dậy từ Đông Phi lan tỏa lấp đầy trái đất trong chuyến đi mải miết ngàn vạn năm. Biết bao sương gió hiểm nghèo mà những con người trần trụi đầu tiên trên trái đất ấy đã vượt qua và tồn tại sinh sôi, tính sao hết được?
Sấm sét bão bùng triệu năm đã trôi qua trong não bộ loài người. Nhưng rồi chỉ trong vòng hai thập niên đầu của thiên niên kỷ này, con người gần như đã đánh rơi mất bản năng sống còn nhất, đó là trí nhớ. Bởi mọi thứ đều đã có công nghệ “nhớ” giúp! Người khôn ngoan giờ đây chính là người phải tìm cách “tập nhớ” bằng chính não bộ của mình…
Tiểu thuyết gia được đón đọc nhất thế giới Haruki Murakami, trong trả lời phỏng vấn mới đây, khi được hỏi rằng nhân loại có bất cứ cơ may nào sửa mình hay không, đã trả lời “Tôi muốn tin như vậy”. Tác giả của “Biên niên ký chim vặn dây cót” dường như chẳng quan tâm gì tới những thứ mới mẻ. Rằng suốt 72 năm sống trên đời này, với ông “chưa có một ca sĩ nào vượt qua nổi Billie Holiday, và chưa một nhạc sĩ nào chơi kèn saxophone tenor hay hơn Stan Getz”. Nữ hoàng nhạc jazz Billie Holiday đã qua đời từ năm 1959, còn Stan Getz cũng ra đi từ hơn ba thập kỷ trước. Tôi không nghĩ Murakami hiện sinh một cách cực đoan, mà mỗi con người nên kiên định một tình yêu riêng biệt không pha tạp. Mấy thập niên đời người chỉ là hạt cát giữa dòng chảy bấn loạn của thời gian và lịch sử. Hãy khắc ghi cái chính mình. Thứ quyền lực không ai khác có thể làm thay.
“Bây giờ là tất cả” (Now is All) câu khẩu hiệu của World Cup Qatar 2022 vừa trải qua vòng loại đầu tiên đầy chấn động. Cái “bây giờ” đậm chất Phật giáo Phương Đông lại vừa phảng phất hiện sinh ấy được hiểu là khoảnh khắc, giấc mơ và số phận cùng trái bóng. Nơi mà mọi diễn biến trên sân cỏ được đo đếm chính xác đến từng milimet, “chẻ từng sợi tóc” bởi các thiết bị công nghệ tinh vi nhất. Nhưng rồi vẫn đang nổ ra những tranh cãi dữ dội về không ít những quyết định của máy móc.
Nhận định và cảm xúc của con người vẫn còn đó, một thứ quyền lực nhân tính đến lúc này vẫn chưa thể lập trình.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quyen-luc-nguoi-post1492010.tpo