Quyền riêng tư được pháp luật bảo vệ như thế nào?

Nhà nước Việt Nam công nhận và bảo hộ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong các văn bản pháp luật như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và pháp luật chuyên ngành.

Hình minh họa nguồn Internet

Hình minh họa nguồn Internet

Điều 21 Hiến pháp năm 2013 có quy định: “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn;

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.

Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” quy định: “1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 , khoản 2 Điều 46 “Bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử” quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Điều 16 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, theo đó: “1. Cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với thông tin do mình xử lý”.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào; b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông; c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật; đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác…”.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR). Tại Điều 17 Công ước khẳng định: “(1) Không ai bị can thiệp một cách độc đoán và bất hợp pháp đến đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín; hoặc bị xúc phạm một cách bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. (2) Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại mọi sự can thiệp và xúc phạm như vậy”.

Luật sư Nguyễn Mạnh Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội): Vì thông tin bí mật, thông tin riêng tư thường “đánh đúng” tâm lý tò mò của nhiều người, nên trong quá trình hoạt động, tình trạng thông tin đời tư bị công khai trên phương tiện truyền thông vẫn còn.

Tiết lộ bí mật đời tư của người khác, lại còn đăng trên phương tiện truyền thông có thể sẽ làm ảnh hưởng đến nhân phẩm danh dự, thậm chí đẩy người đó vào tâm lý bi quan, sợ hãi, bị người khác khinh rẻ. Thực tế vừa qua, đã không ít trường hợp vì những thông tin đời tư bị phát tán mà nhiều bạn trẻ rơi vào bế tắc dẫn đến tự tử. Đối với những người nổi tiếng, việc này làm ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự, ảnh hưởng đến thái độ của khán giả và thậm chí còn làm ảnh hưởng đến cả công việc của họ.

M.M - N.B

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-van-365/quyen-rieng-tu-duoc-phap-luat-bao-ve-nhu-the-nao-474427.html