Quyền thực hành tín ngưỡng và trách nhiệm chống dịch

Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 và lễ hội mùa xuân sắp bắt đầu và chắc chắn sẽ có sự khác biệt lớn khi người dân thực hiện các nghi thức tín ngưỡng ngày tết và lễ hội đầu xuân cần phải đặt mình trong hoàn cảnh đặc biệt, tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Mới đây Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã yêu cầu khách đến các cơ sở thờ tự của Phật giáo đều phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Một số địa phương cũng đã có thông báo không tổ chức lễ hội, dù rằng đây đều là những lễ hội lớn, đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân mỗi dịp đầu xuân.

Theo quan niệm của Phật giáo, thực hành tín ngưỡng quan trọng bởi tâm của mỗi người. Phật chính là ở trong tâm thức của mỗi người. Tâm càng sáng thì lòng hướng Phật càng lớn. Thay vì bày đặt đàn tràng, nặng nề các nghi thức, lễ vật, trước tiên hãy làm tốt việc hiếu kính tông nhân, tế bần, giúp đỡ cô nhi, quả phụ... Phật tại tâm và vạn sự đều tùy duyên, làm gì mà thấy hài lòng, thì đó chính là ta đang hướng về Phật pháp. Vậy nên, thay cho việc đến chùa chiền, đền, phủ, chen chúc, tranh nhau khấn vái nhất mực cầu xin, thì chi bằng hãy ngồi tại nhà nhất tâm bái Phật, hướng về phật pháp, làm theo những điều răn dạy của Phật có hơn không.

Phật, thánh tại tâm mình và kính Phật, lễ thánh là câu chuyện quanh năm, cả đời, chứ không nhất thiết cứ phải đầu năm.

Theo chân nhau đến chùa, đến phủ, đền không tuân thủ khuyến cáo về giãn cánh xã hội của chính quyền và cơ sở thờ tự làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng có thể nói là chúng ta đang đi ngược lại lợi ích của cộng đồng, trái với mong muốn phổ độ của Phật, thánh.

Lâu nay chúng ta đã được chứng kiến hình ảnh một số lễ hội đầu xuân với dòng người bất tận, có nhiều nghi thức rườm rà, thậm chí đến mức phản cảm và nhiều người đã lên án điều đó. Những người dân đi lễ vì có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vô biên của đấng siêu nhiên, nhưng có nhiều người đi vì hội chứng đám đông. Dòng người chen chúc ấy đang khiến cho đời sống văn hóa tâm linh trở nên phức tạp và có phần dung tục hơn vì những sự biến tướng và bị lợi dụng.

Chúng ta cần thay đổi suy nghĩ, gác lại việc làm quen thuộc ấy trước tiên nhằm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, xa hơn là nhằm góp phần xây dựng một đời sống văn hóa tâm linh lành mạnh và thiết thực hơn.

Thực hành tín ngưỡng là quyền tự do của mỗi cá nhân, nhưng cần phải đặt trong khuôn khổ của pháp luật, tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, để mỗi người đưa ra những quyết định ứng xử sao cho phù hợp, thể hiện sự văn hóa, văn minh và hiểu biết.

Lam Vũ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/quyen-thuc-hanh-tin-nguong-va-trach-nhiem-chong-dich/131331.htm