Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được bảo đảm tốt hơn

Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã có nhiều đổi khác và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được bảo đảm tốt hơn.

Người dân TP Hồ Chí Minh tới hành lễ và vui chơi tại Nhà thờ Đức Bà (quận 1)

Người dân TP Hồ Chí Minh tới hành lễ và vui chơi tại Nhà thờ Đức Bà (quận 1)

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo, với khoảng 95% dân số có tín ngưỡng, tôn giáo. Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã có nhiều đổi khác và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được bảo đảm tốt hơn.

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, ước tính hiện nay 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo và Việt Nam là một quốc gia có nhiều loại hình tín ngưỡng tôn giáo. Chỉ tôn giáo nói riêng, Việt Nam có 15 tôn giáo với 41 tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, hơn 24,3 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27%) dân số cả nước, hơn 53 nghìn chức sắc, nhà tu hành, gần 134 nghìn chức việc và gần 28 nghìn cơ sở thờ tự. Các tôn giáo lớn xuất hiện ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày một tự do, nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sôi động.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận trong pháp luật quốc tế về quyền con người cũng như trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Quyền này được thể hiện rõ ở những quan điểm, chủ trương, hiến pháp, pháp luật và được bảo đảm thực hiện trên thực tế.

Đảng ta đã xác định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Theo đó, Đảng và Nhà nước ta “thực hiện chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật

Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là bước rất quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Là quốc gia thành viên của các công ước quốc tế quan trọng, Việt Nam cam kết tôn trọng và bảo đảm cho người dân các quyền đã được công nhận trong các công ước bằng hoạt động lập pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các quyền con người được các công ước ghi nhận.

Hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo không ngừng được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo không những tăng nhanh về số lượng mà còn phong phú và đa dạng hơn về hình thức để phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, trên cơ sở nghị Nghị quyết số 25/NQ-TW về công tác tôn giáo, Quốc hội, Chính phủ đã thể chế hóa thành các quy định của pháp luật và các kế hoạch, giải pháp, cơ chế bảo đảm thực hiện, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho công dân thực hiện quyền cơ bản về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Để luật hóa quy định của Hiến pháp 2013 đồng thời khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo sau hơn 10 năm thực hiện, kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa 14 đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, có hiệu lực từ ngày 1.1.2018. Đây là lần đầu tiên quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được luật hóa một cách cụ thể, đầy đủ thành một chế định riêng và có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004.

Dù là tôn giáo nội sinh hay phái sinh, dù ở vùng miền nào, các tổ chức đã được công nhận hay mới cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo đều có đường hướng, phương châm hành đạo riêng nhưng đều chung một định hướng là sống “Tốt đời, đẹp đạo” gắn bó với dân tộc, đồng hành cùng đất nước, sinh hoạt tôn giáo ổn định, chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Phần lớn chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào có đạo, các tổ chức tôn giáo đều tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, hoạt động từ thiện, nhân đạo, xóa đói, giảm nghèo, giúp đỡ người khó khăn, yếu thế trong cuộc sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng. Cả nước hiện có gần 800 cơ sở bảo trợ xã hội của Phật giáo, Công giáo, Cao Đài… đang nuôi dưỡng trên 12 triệu trẻ em mồ côi, trẻ tàn tật, người già cô đơn, bệnh nhân tâm thần, HIV/AIDS, tiếp nhận nhiều nhóm đối tượng khó khăn.

Đồng bào Công giáo phát huy tinh thần thi đua yêu nước sống "Tốt đời đẹp đạo"

Đồng bào Công giáo cả nước đã và đang phát huy tinh thần thi đua yêu nước sống "Tốt đời đẹp đạo".

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động và phong trào xây dựng đời sống văn hóa, Ủy ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG) Việt Nam đã cụ thể hóa những phong trào này thành các nội dung “Bảy tốt đời”, “Ba đẹp đạo” thu hút đông đồng bào Công giáo tích cực tham gia và cụ thể hóa thành các mô hình, phong trào như: Nam Định có phong trào thi đua “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng”; Trà Vinh vận động bà con giáo dân “Gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ sở thờ tự văn minh”…

Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được các chức sắc Công giáo, giáo xứ, giáo họ, cộng đoàn giáo dân tích cực hưởng ứng, huy động đóng góp hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn ngày công, hiến đất, nguyên vật liệu, tự nguyện giải phong mặt bằng làm đường giao thông thôn, góp phần làm cho diện mạo quê hương xứ, họ đạo ngày càng khang trang, sạch đẹp. Chỉ tính riêng trong năm 2019, hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”, bà con giáo dân toàn tỉnh Nghệ An hiến trên 20.000 m2 đất, tháo dỡ gần 9.000m làm đường giao thông nông thôn, góp phần làm cho diện mạo quê hương ngày càng khởi sắc…

Nhiều khu dân cư Công giáo đã trở thành những khu dân cư điển hình tiên tiến xuất sắc trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhiều gia đình Công giáo đã trở thành những tấm gương tiêu biểu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng động trong kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao đời sống và làm giàu cho xã hội. Các giáo dân cũng được khuyên răn phòng chống, bài trừ tệ nạn xã hội, nhờ đó đã làm cho cuộc sống ở những vùng đông giáo dân bình an, sung túc hơn.

Công tác từ thiện bác ái xã hội là việc làm thường xuyên của đồng bào Công giáo với nhiều hình thức, phong trào nhằm giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, UBĐKCG Việt Nam đã tích cực vận động UBĐKCG các tỉnh, thành phố, các giáo xứ, dòng tu, tổ chức và cá nhân, nhà hảo tâm đóng góp hỗ trợ người nghèo, tàn tật, cơ sở bảo trợ xã hội được hàng chục tỷ đồng. Điển hình như Cà Mau vận động được gần 7 tỷ đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu được trên 5,5 tỷ đồng, Đồng Nai hơn 4 tỷ đồng, TP Cần Thơ 3,7 tỷ đồng, Nam Định 2,5 tỷ đồng, Nghệ An 2,3 tỷ đồng… Mái ấm nhân ái - dòng Mến Thánh Giá Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đầu tư trên 6 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hiện chăm sóc 106 cháu tại mái ấm này. Tại tỉnh Tiền Giang, trong 5 năm qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh đóng góp trên 29 tỷ đồng cho hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội, phát huy vai trò người Công giáo trong việc xây dựng đất nước thời kỳ mới.

Ngoài ra các cá nhân tiêu biểu cũng có nhiều đóng góp trong công tác bác ái, xã hội như Linh mục Nguyễn Đăng Điền - Chủ tịch UBĐKCG Việt Nam tỉnh Nghệ An thành lập trung tâm nuôi dưỡng 52 người. Linh mục Nguyễn Mạnh Kỳ chánh xứ Đông Khê, tỉnh Quảng Ninh dành trên 100 triệu ủng hộ người nghèo. Các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn, Dòng Thánh Phaolô phụ trách, giảng dạy gần 1.000 cháu mầm non…

Như vậy, có thể khẳng định rằng, những thành tựu của đất nước đạt được trong thời gian qua có sự đóng góp của đồng bào Công giáo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần nâng cao vị thế của người Công giáo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doi-song/quyen-tu-do-tin-nguong-ton-giao-ngay-cang-duoc-bao-dam-tot-hon-124108