Quyền và nghĩa vụ nuôi con khi chưa đăng ký kết hôn
Theo luật sư, bố mẹ mặc dù chưa đăng ký kết hôn nhưng đều có quyền, nghĩa vụ nuôi con như vợ chồng khi đã đăng ký kết hôn.

Ca sĩ Jack-J97 trong một show diễn. Ảnh: FBNV
Khởi kiện lên tòa án có thẩm quyền nhằm xác định quan hệ cha con
Mới đây, Tòa án Nhân dân khu vực 2 TP Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận hồ sơ vụ án với nguyên đơn là anh Trịnh Trần Phương Tuấn (ca sĩ Jack-J97) và bị đơn là chị Trần Nguyễn Thiên An (ngụ phường Hiệp Bình, TP Hồ Chí Minh) từ Tòa án Nhân dân TP Thuận An, tỉnh Bình Dương cũ (nay là Tòa án Nhân dân khu vực 16 – TP Hồ Chí Minh).
Theo hồ sơ vụ án, cuối tháng 5/2025, Trịnh Trần Phương Tuấn yêu cầu tòa án xác định cháu T.N.Y.Đ là con của anh. Anh Trịnh Trần Phương Tuấn yêu cầu chị Thiên An không được quyền ngăn cấm anh Trịnh Trần Phương Tuấn thực hiện trách nhiệm làm cha với cháu.
Trước đó, trang facebook của Công ty TNHH J97 Entertainment công bố thông tin ca sĩ Jack- J97 đã nộp đơn khởi kiện lên tòa án có thẩm quyền nhằm xác định quan hệ cha con với bé T.N.Y.Đ. Trong văn bản đăng tải công khai, phía công ty quản lý Jack cho biết đã nộp đơn tố cáo diễn viên Thiên An vì tung tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sự nghiệp của nam ca sĩ.
Phía Jack – J97 cho biết có đủ bằng chứng thực hiện nghĩa vụ tài chính với con gái chung với Thiên An, nay anh khởi kiện để đòi lại quyền nuôi con. Jack - J97 đã nộp đơn đến tòa án có thẩm quyền để xác định mối quan hệ cha con với bé T.N.Y.Đ, thực hiện quyền nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.
Từ vụ việc trên, nhiều câu hỏi đặt ra về nội dung: khởi kiện xác định quan hệ cha con là gì? Quyền và nghĩa vụ nuôi con sẽ được giải quyết thế nào nếu như hai người chưa đăng ký kết hôn?
Về vấn đề này, theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, căn cứ quy định tại Điều 89 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình; người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con…
Đồng thời, tại khoản 4 Điều 28 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Khoản 10, Điều 29 Bộ luật này, yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình cũng thuộc thẩm quyền xác định của Tòa án.
Điều này có nghĩa, nếu một đứa trẻ không có tên người cha trong giấy khai sinh, thường do cha mẹ chưa đăng ký kết hôn hoặc vì lý do cá nhân nào đó, thì người cha muốn được pháp luật công nhận mình là cha ruột của đứa trẻ cần nộp đơn lên tòa án để yêu cầu xác định quan hệ cha con. Đây là thủ tục bắt buộc để từ đó các quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa cha và con được thiết lập.
Đáng chú ý, pháp luật không giới hạn độ tuổi của người con trong việc xác định quan hệ huyết thống này. Dù người con còn nhỏ hay đã lớn, miễn là giấy khai sinh chưa ghi tên cha thì người cha có quyền thực hiện thủ tục xác nhận cha cho con thông qua tòa án. Khi tòa án ra phán quyết xác định quan hệ cha con, thì các quyền và nghĩa vụ pháp lý sẽ phát sinh, bao gồm nghĩa vụ nuôi dưỡng, quyền thừa kế, quyền thay đổi họ tên và các quyền nhân thân khác theo Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Dân sự.
Quyền và nghĩa vụ nuôi con khi chưa đăng ký kết hôn
Về quyền và nghĩa vụ nuôi con khi chưa đăng ký kết hôn, luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn cho biết, cha mẹ mặc dù chưa đăng ký kết hôn nhưng đều có quyền, nghĩa vụ nuôi con như vợ chồng khi đã đăng ký kết hôn.
Cụ thể, tại Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn nêu rõ: quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Như vậy, nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì quyền và nghĩa vụ nuôi con sẽ được giải quyết giống như hai vợ chồng có đăng ký kết hôn - ly hôn, áp dụng Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Cụ thể, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Về vụ việc cụ thể, luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn cho rằng, hiện tại, con gái của Thiên An và Jack chưa đủ 7 tuổi nhưng lại trên 36 tháng tuổi thì Tòa án sẽ xem xét điều kiện kinh tế và lối sống của người tranh chấp quyền nuôi con có đảm bảo cho đứa trẻ được phát triển toàn diện hay không.
Cháu bé từ khi sinh ra đã sống cùng mẹ. Điều kiện kinh tế có thể không bằng cha ruột bé nhưng hiện tại bé cũng đang có cuộc sống rất tốt nên theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, trong vụ án này, ca sĩ Jack khó có thể giành được quyền nuôi dưỡng cháu bé.