Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của công dân được pháp luật quy định như thế nào?

* Bạn đọc A Pháp ở xã Đăk Tơ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của công dân được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể như sau:

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác

* Bạn đọc Phạm Văn Việt ở thị trấn Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, việc khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật được Nhà nước quy định thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 22 Văn bản hợp nhất Luật Người khuyết tật năm 2019. Cụ thể như sau:

1. Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp.

2. Người khuyết tật được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

3. Gia đình người khuyết tật có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật được khám bệnh, chữa bệnh.

4. Người khuyết tật là người mắc bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm, có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác được hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí đi lại và chi phí điều trị trong thời gian điều trị bắt buộc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

5. Khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/quyen-ve-doi-song-rieng-tu-bi-mat-ca-nhan-bi-mat-gia-dinh-cua-cong-dan-duoc-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-732675