Quyết định của Mỹ 'cách ly' Cuba năm 1962 suýt trở thành ngày tận thế hạt nhân
Cách đây gần 60 năm, nền văn minh nhân loại từng cận kề với sự diệt vong hơn bao giờ hết do ý đồ phong tỏa Cuba về đường biển của Tổng thống Mỹ Kennedy.
Trong những ngày chật vật đối phó với Covid-19 này, từ "cách ly" (quarantine) đã trở thành không chỉ quen thuộc, mà gần như phổ biến đối với hàng chục đến hàng trăm triệu người trên hành tinh. Tuy nhiên, quyết định “cách ly” được Tổng thống Mỹ John F. Kennedy công bố cách đây 58 năm trong bài phát biểu trước dân Mỹ lại có ý nghĩa hoàn toàn khác. Đó là về cuộc phong tỏa đường biển đối với Cuba, vào thời điểm đó các tàu mang tên lửa hạt nhân và bệ phóng di chuyển với tốc độ tối đa từ Liên Xô đến hòn đảo Tự do - thế giới bên bờ vực của một cuộc xung đột tự sát toàn cầu.
Ngày nay, cuộc đối đầu đó được biết đến với tên gọi “Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba”, được hầu hết các nhà sử học coi là thời điểm nhân loại tiếp cận gần nhất việc tự hủy diệt bởi chiến tranh nhiệt hạch. Tất cả bắt đầu từ việc Mỹ triển khai 15 tên lửa tầm trung PGM-19 Jupiter ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã thay đổi nghiêm trọng cán cân sức mạnh. Tầm trung, nhưng những tên lửa này có khả năng mang đầu đạn nguyên tử, có thể tấn công Moscow cùng hầu hết các trung tâm công nghiệp và hành chính của Liên Xô mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Với việc Mỹ có thể tấn công các mục tiêu chỉ trong 10 phút, trên thực tế, Liên Xô hoàn toàn không thể phòng thủ trước một kịch bản tấn công có thể xảy ra. Hơn nữa, vào thời điểm đó Liên Xô tụt hậu đáng kể so với Mỹ trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân chiến lược. Số lượng đầu đạn và phương tiện mang ít hơn nhiều lần. Liên Xô chỉ có 300 đầu đạn và bom trong khi Mỹ có 6.000 đơn vị vũ khí như vậy, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Liên Xô có khả năng tấn công trả đũa hay không.
Câu trả lời đã được tìm thấy đủ nhanh và theo cách rất Khrushchev - đơn giản và "tức giận". "Vì Mỹ đang trơ tráo đẩy tên lửa về phía chúng ta, chúng ta sẽ đặt tên lửa của chúng ta ở "sân sau" của họ, ở Cuba!". Hơn nữa, Tư lệnh Fidel Castro từ lâu đã mong muốn có một tình bạn thân thiết hơn nhiều với Moscow. Chủ tịch Fidel Castro sẽ nhận được điều đó ngoài lực lượng quân đội Liên Xô và vũ khí nguyên tử được triển khai trên hòn đảo Tự do. Chủ tịch Cuba không phản đối về sự thay đổi như vậy, vì có động cơ cụ thể riêng của mình.
Cuba xã hội chủ nghĩa đang như một khúc xương trong cổ họng của Washington, Fidel Castro hiểu rằng, nỗ lực mang lại “dân chủ” cho hòn đảo này bằng tên lửa và bom chỉ là vấn đề thời gian và không quá xa xôi. Vì vậy, có thể sự hiện diện của Quân đội Liên Xô sẽ làm nguội những cái đầu nóng của Mỹ? Liên Xô đã phát động Chiến dịch Anadyr («Анадырь»), theo đó, hai mươi tên lửa R-12 tầm bắn 2.000 km, và 16 tên lửa R -16 có tầm bắn gấp đôi được gửi xuyên đại dương. Mỗi trong số chúng được trang bị đầu đạn nhiệt hạch 1 megaton có thể phóng tới Washington và hầu hết các căn cứ hàng không chiến lược của không quân Mỹ.
Vấn đề bắt đầu nảy sinh từ thời điểm máy bay do thám U-2 của Mỹ phát hiện sự hiện diện ở đó các trận địa tên lửa đang được xây dựng và cả tên lửa đạn đạo sẵn sàng của Liên Xô khi trinh sát Cuba. Một phóng sự ảnh về chủ đề này lần đầu tiên được chuyển đến CIA, sau đó Lầu Năm Góc và Nhà Trắng. Đối với giới lãnh đạo Mỹ, tin này đến như bị dội một gáo nước lạnh. Các cuộc tham vấn về cách phản ứng ngay lập tức được tổ chức ở cấp cao nhất. Về tổng thể, các đề xuất đều quy tụ thành ba phương án: tấn công tên lửa "trước khi quá muộn" (mặc dù trên thực tế là quá muộn), bắt đầu một cuộc xâm lược Cuba, hoặc cố gắng ngăn chặn nó hoàn toàn. May mắn thay, người ta đã chọn phương án cuối cùng.
Vấn đề là phong tỏa biển theo luật pháp quốc tế tự bản thân nó đã là một hành động chiến tranh, trái ngược với việc triển khai bất kỳ vũ khí nào ở bất cứ đâu. Người Mỹ thực sự không muốn hành động như những kẻ gây hấn, vì vào ngày 22/10/1962, Kennedy tuyên bố chỉ “cách ly” - Hải quân Mỹ tuần tra khu vực xung quanh Cuba 500 hải lý nhằm "ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí đến hòn đảo này". Moscow trả lời dứt khoát rằng các thuyền trưởng của các tàu Liên Xô thậm chí sẽ không tuân theo bất kỳ mệnh lệnh nào của Hải quân Mỹ, và trong trường hợp đó, Liên Xô sẽ thực hiện "bất kỳ biện pháp nào" để đảm bảo an toàn cho họ.
Bốn tàu chở đầy tên lửa, cùng 4 tàu ngầm yểm trợ chúng tiếp tục lên đường đến hòn đảo Tự do. Sau đó, các sự kiện bắt đầu phát triển theo một kịch bản xấu nhất - cả Mỹ và Liên Xô, cùng các đồng minh NATO và Khối Hiệp ước Warsaw đã đưa quân đội của họ vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, các cuộc trao đổi liên tục giữa các nhà lãnh đạo các quốc gia không có kết quả. Trong nỗ lực đạt được một thỏa thuận một cách hòa bình, chiếc U-2 tiếp theo bị tên lửa Liên Xô bắn rơi ở Cuba và phi công bị thiệt mạng... "Ngày thứ bảy đen" 27/10, khi căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm, không có mệnh lệnh chiến đấu nào được đưa ra, mà rất có thể, đã cứu nhân loại.
Cuối cùng, cuộc khủng hoảng đã được giải quyết với sự hài lòng của tất cả các bên - đổi lại việc rút quân đội Liên Xô và vũ khí hạt nhân khỏi Cuba, Washington đã đưa ra lời hứa chắc chắn từ bỏ kế hoạch xâm lược Cuba, nhưng điều đáng ngạc nhiên là họ vẫn rắp tâm thực hiện. Ngoài ra, Mỹ đã loại bỏ các tên lửa của mình khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và bắt đầu hành xử có phần khiêm tốn hơn. Lịch sử của cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vẫn chứa đựng cả loạt hiểu lầm, bí mật và bí ẩn, mặc dù thực tế là cả một loạt sách, báo đã được viết về nó và nhiều bộ phim đã được quay.
Một trong những "vết ố" này là câu chuyện xảy ra cùng ngày khi Kennedy, gây sốc và kinh hoàng cho đồng bào của mình, phát đi từ màn hình TV về việc “cách ly” Cuba và tên lửa Liên Xô từ Cuba nhắm vào họ. Ngày 22/10/1962, một trong những điệp viên "ba mang" nổi tiếng nhất trong lịch sử Liên Xô, Đại tá GRU Oleg Penkovsky, người cũng là đặc tình của cả tình báo Mỹ và Anh, đã bị bắt lặng lẽ tại Moscow. Cho đến ngày nay, vẫn đang diễn ra những cuộc tranh luận sôi nổi nhất của những người có quan điểm đối lập trực tiếp liên quan đến vai trò của ông này trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Một số nhà nghiên cứu tin rằng, chính Penkovsky đã "tiết lộ" kế hoạch "Anadyr" tối mật cho CIA, đó là lý do tại sao người Mỹ đã nắm được sự việc. Những người khác cho rằng, thông tin có được cho thấy, Kremlin không có đường lùi nào trong cuộc khủng hoảng này đã buộc Washington phải tuân thủ và ngăn chặn Kennedy tấn công hòn đảo Tự do. Một số khác thậm chí còn cho rằng, vào thời điểm xảy ra các sự kiện khủng khiếp kia, viên đại tá phản bội đang bị kiểm soát chặt chẽ bởi các sĩ quan KGB, đến mức không thể chuyển bất kỳ thông tin nào cho phương Tây.
Dù bằng cách nào, Penkovsky đã bị xử bắn theo phán quyết của Tòa án Quân sự Tối cao Liên Xô và mang theo phần lớn bí mật của mình xuống mồ. Việc chiếc còng số tám được tròng vào tay của y vào đúng ngày gần như trở thành thời điểm đếm ngược cuối cùng trước ngày tận thế hạt nhân rất có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Mặc dù, ... Ai có thể biết chắc?./.