Quyết định 'gây bão'
Tổng thống Mỹ D.Trump vừa đưa ra quyết định rút quân khỏi đông bắc Syria, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ ráo riết chuẩn bị cho các chiến dịch quân sự tại khu vực này. Washington tuyên bố không hỗ trợ đồng minh Ankara nhằm thiết lập cái gọi là 'vùng an toàn' ở miền bắc Syria. Động thái của Mỹ đặt lực lượng người Kurd ở Syria vào thế chông chênh, khi Mỹ bị cho là 'đem con bỏ chợ'.
Tổng thống Mỹ D.Trump vừa đưa ra quyết định rút quân khỏi đông bắc Syria, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ ráo riết chuẩn bị cho các chiến dịch quân sự tại khu vực này. Washington tuyên bố không hỗ trợ đồng minh Ankara nhằm thiết lập cái gọi là “vùng an toàn” ở miền bắc Syria. Động thái của Mỹ đặt lực lượng người Kurd ở Syria vào thế chông chênh, khi Mỹ bị cho là “đem con bỏ chợ”.
Theo xác nhận từ phía Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd ở Syria, Mỹ đang đẩy mạnh rút quân dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Nhà trắng tuyên bố sẽ không can dự hay hỗ trợ các chiến dịch quân sự của Ankara nhằm thiết lập "vùng an toàn" cho người tị nạn ở miền bắc Syria như kế hoạch mà Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí. Quyết định mới nhất của Mỹ là sự rút lui vào phút chót đối với một dự định mà nước này đã cùng đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch bấy lâu nay. Với lý do Mỹ không tiếp tục "rút hầu bao" cho những chi phí tốn kém để hậu thuẫn lực lượng người Kurd ở Syria, đồng thời không muốn dấn sâu thêm vào "vũng lầy" vốn không đem lại những lợi ích cho nước Mỹ, Tổng thống D.Trump đã đưa ra quyết định khiến cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn lực lượng người Kurd ở Syria cảm thấy "hẫng hụt".
Trong cuộc điện đàm ngay trước khi ra lệnh rút quân đội Mỹ khỏi miền bắc Syria, Tổng thống Mỹ D.Trump đã "ngả bài" với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ rằng, Washington không công nhận chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực này. Các lực lượng vũ trang của Mỹ sẽ không hỗ trợ và không dính líu bất cứ chiến dịch nào như vậy. Người đứng đầu Nhà trắng cũng nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu, Syria cùng các lực lượng trong khu vực phải tìm ra cách thức xử lý vấn đề những tay súng tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) bị bắt tại Syria. Ðáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra tuyên bố cứng rắn và điều động các lực lượng tăng cường tới biên giới Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan nhấn mạnh, cuộc tiến công vào miền bắc Syria có thể "xảy ra vào bất kỳ đêm nào mà không có cảnh báo". Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không cho phép IS quay trở lại, trong bối cảnh những lo ngại cuộc tiến công quân sự sắp tới nhằm vào lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria có thể "tiếp tay" cho các đối tượng thánh chiến Hồi giáo "hồi sinh". Ankara quyết thúc đẩy kế hoạch "vùng an toàn" ở miền bắc Syria cũng với lý do nhằm xóa sạch mối đe dọa khủng bố đối với Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp chính quyền Damascus phản đối động thái này là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Syria.
Hiện có nhiều nghi vấn về số phận của các tay súng YPG. Ðối với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu và Mỹ từng coi là "đối tác hiệu quả" trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, việc Mỹ tuyên bố "không tiếp tục hậu thuẫn" được coi là hành động bỏ rơi họ giữa lúc "nước sôi lửa bỏng". SDF cáo buộc các lực lượng Mỹ không thực thi những cam kết với lực lượng này và cảnh báo việc Mỹ rút quân sẽ tạo ra "khoảng trống an ninh" và tạo điều kiện cho IS hồi sinh, hủy hoại thành quả các chiến dịch do người Kurd đứng đầu chống IS kéo dài nhiều năm qua.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị chiến dịch quân sự nhằm vào miền bắc Syria đang gây lo ngại trong cộng đồng quốc tế. Liên hợp quốc cảnh báo về "điều tồi tệ nhất" tại đông bắc Syria. Liên hiệp châu Âu (EU) cảnh báo về một thảm họa nhân đạo, khi có hàng trăm nghìn người đang sống tại đây. Pháp kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tránh gây phương hại nỗ lực của liên quân quốc tế chống IS tại Syria. Trong khi đó, quyết định rút quân khỏi miền bắc Syria cũng tạo các luồng ý kiến trái chiều ngay trong nội bộ nước Mỹ. Một số nghị sĩ hàng đầu tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ lo ngại bước đi này sẽ gây ra mối đe dọa đối với an ninh và ổn định khu vực, qua đó có thể gửi đi thông điệp xấu, rằng Washington không còn là một đối tác đáng tin cậy.
Quyết định của chính quyền Mỹ rút quân khỏi miền bắc Syria và không ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong các chiến dịch quân sự ở khu vực này đang "gây bão", với cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn các lực lượng người Kurd ở Syria. Tuy nhiên, nếu chiến tranh xảy ra, người dân Syria mới chính là những người gánh chịu hậu quả trực tiếp. Bởi thế, cộng đồng quốc tế kêu gọi bất kỳ động thái nào được đưa ra ở thời điểm này đều phải tôn trọng chủ quyền Syria, đồng thời có các biện pháp nhằm ngăn chặn xung đột leo thang.