Quyết định mang tính lịch sử
Ngày 1/10/1991, Lào Cai được tái lập trên cơ sở tách từ tỉnh Hoàng Liên Sơn. Sau thời gian cân nhắc, tính toán, tỉnh Lào Cai quyết định đề nghị Trung ương chọn vị trí thành phố Lào Cai ngày nay (thị xã Lào Cai cũ) làm trung tâm tỉnh lỵ để hiện thực hóa một trong những nhiệm vụ chiến lược, đó là phát triển kinh tế cửa khẩu. Đến hôm nay, kinh tế cửa khẩu của Lào Cai thực sự đứng trên một tầm cao mới và là 1 trong 3 trụ cột kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiều năm qua.
Kỷ niệm 28 năm ngày tái lập tỉnh Lào Cai (1/10/1991 - 1/10/2019)
Khi Lào Cai tái lập cũng là thời điểm Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, điều đó đã mở ra cơ hội phát triển ngoại thương đối với tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn chồng chất. Cùng với tuyến đường sắt liên vận, năm 1993, cầu Hồ Kiều bắc qua dòng Nậm Thi nối thị xã Lào Cai (Việt Nam) với thị trấn Hà Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc) khánh thành đã trực tiếp tạo dòng lưu thông hàng hóa giữa hai bên, giúp kim ngạch xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai tăng nhanh. Thời điểm tái lập năm 1991, kim ngạch xuất - nhập khẩu của Lào Cai với tỉnh Vân Nam chỉ là 2,6 triệu USD, 10 năm sau (năm 2001), con số này là 210 triệu USD (gấp 80 lần), năm 2010 đạt 857 triệu USD (gấp 329 lần) và đến năm 2018, kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai đã đạt trên 3,01 tỷ USD, gấp hơn 1.100 lần so với năm tái lập tỉnh.
Năm 2018 có 4,5 triệu lượt người xuất - nhập cảnh qua các cửa khẩu của Lào Cai, trong đó gần một nửa là số người xuất - nhập cảnh theo diện du lịch, chủ yếu du khách Trung Quốc nhập cảnh với mục đích tham quan các điểm du lịch của tỉnh và tới các khu du lịch trong nước. Cũng trong năm 2018, mức thu ngân sách qua các cửa khẩu của tỉnh đạt 2.470 tỷ đồng, gấp 11 lần so với năm 2005 và chiếm hơn 1/3 tổng số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Không chỉ là mũi nhọn kinh tế địa phương, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh thường xuyên có 450 đến 600 doanh nghiệp của các tỉnh, thành trong nước tham gia xuất - nhập khẩu hàng hóa, chủ yếu là hàng nông, thủy, hải sản. Tại các kỳ hội chợ quốc tế, các hội nghị xúc tiến đầu tư, hội nghị giao thương tổ chức hằng năm tại Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai cũng luôn là cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai nước giao lưu, tìm hiểu thị trường, ký kết hợp đồng kinh tế.
Theo các tài liệu lịch sử của thị xã Lào Cai cũ thì khi tái lập tỉnh năm 1991, thị xã Lào Cai vẫn rất ngổn ngang, bề bộn, dân cư sống thưa thớt, các hoạt động kinh tế - xã hội bị tê liệt bởi vành đai bom mìn sau chiến tranh chưa được tháo gỡ. Sau những năm tháng kiến thiết, bên cạnh du lịch, kinh tế cửa khẩu nhanh chóng trở thành mũi nhọn của nền kinh tế tỉnh Lào Cai. Trên tuyến biên giới phía Bắc, Lào Cai là 1 trong 3 vùng trọng điểm thông thương hàng hóa với Trung Quốc (cùng với các cửa khẩu của tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn), trong đó Lào Cai thường xuyên đạt tỷ trọng xuất siêu; các cửa khẩu của tỉnh là cầu nối quan trọng trên tuyến hành lang kết nối kinh tế giữa Vân Nam (Trung Quốc) với Hà Nội - Hải Phòng và vùng đồng bằng sông Hồng của Việt Nam.
Để khai thác tối đa lợi thế vị trí địa lý và tiềm năng phát triển ngoại thương, trước đề nghị hợp lý của tỉnh, năm 1998, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu biên giới tỉnh Lào Cai. Đến năm 2008,Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quy chế hoạt động và phê duyệt việc nâng diện tích của Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai từ 7,9 nghìn ha lên 15,9 nghìn ha. Theo đó, Khu Kinh tế cửa khẩu của tỉnh trải dài trên các huyện: Bảo Thắng, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai và thành phố Lào Cai.
Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu chung là phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu của tỉnh là vùng kinh tế động lực chủ đạo của địa phương và là 1 trong 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của quốc gia. Trong các quyết định nêu trên, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được thừa nhận là khu vực đa ngành và có nhiều điểm đột phá cho kinh tế địa phương nói riêng và các tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc nói chung. Hoạt động của Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai không đơn thuần là một cực phát triển của vùng mà còn là trung tâm giao thương giữa các nước ASEAN và vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc. Với địa thế phát triển riêng của mình, tỉnh Lào Cai đang ưu tiên phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu theo hướng đề cao thương mại, dịch vụ (phát triển hệ thống logistic, khu vực kho cảng cạn, bến bãi tập kết hàng hóa), đầu tư xây dựng đô thị - công nghiệp tập trung (các cụm công nghiệp, khu vui chơi giải trí, các khu chức năng khác và hình thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam.
Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã và đang có vai trò kích thích trực tiếp phát triển nông, lâm, thủy sản chuyên canh mà cụ thể là thu hút đầu tư các dịch vụ công, đóng gói, chế biến hàng hóa và phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh. Trước mắt, tỉnh Lào Cai đang tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách vận hành Khu Kinh tế cửa khẩu, trong đó ưu tiên cho công tác thu hút nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cần thiết.
Việc lựa chọn thị xã Lào Cai làm tỉnh lỵ ngay sau khi tái lập tỉnh trong hoàn cảnh lịch sử khá đặc biệt lúc bấy giờ là quyết định rất táo bạo của tỉnh và Trung ương bởi trong hàng nghìn km đường biên giới, toàn quốc chưa có tỉnh nào đặt trung tâm hành chính gần với đường biên như vậy. Thời gian đã chứng minh tầm nhìn “thiên lý” của thế hệ cha anh, quyết định đúng đắn mang tính lịch sử, góp phần quan trọng vào bước tiến dài trên chặng đường phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai sau gần 3 thập niên tái lập.