Quyết liệt bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân của công dân
Tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 4/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ hai lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn trong phiên họp sáng cùng ngày.
Ngăn chặn lừa đảo qua lộ, lọt thông tin cá nhân
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) về việc các đối tượng lừa đảo có đầy đủ thông tin của người dân, theo Bộ trưởng, có hai nhóm nguyên nhân.
Thứ nhất là về kỹ thuật, một số tổ chức, doanh nghiệp thu thập thông tin cá nhân chưa đảm bảo an toàn, dễ bị tin tặc (hacker) tấn công, lấy cắp dữ liệu. Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Công an, trên “chợ đen” mua bán dữ liệu cá nhân, có đến 1300GB dữ liệu cá nhân Việt Nam, quy ra hàng tỷ thông tin được rao bán.
hứ hai là nguyên nhân phi kỹ thuật, theo đó, người dân hiện đang dễ dãi trong việc cung cấp thông tin cá nhân và chưa coi đây là tài sản cá nhân phải bảo vệ. Cùng với đó, có một số doanh nghiệp quản lý nội bộ kém, để cho nhân viên dữ liệu lấy thông tin của doanh nghiệp bán ra bên ngoài.
Về việc này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có một số hoạt động siết chặt, kiểm soát vấn đề này, như ban hành Bộ cẩm nang về an toàn thông tin, trong đó có một nội dung rất quan trọng là cách thức để người dân bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình; đồng thời Bộ cũng xây dựng một cơ sở dữ liệu về lộ, lọt thông tin thông qua các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, với 120 triệu thông tin có thể bị lộ, lọt. Người dân có thể tra cứu cơ sở dữ liệu này để biết được thông tin của mình có bị lộ, lọt không. Theo Bộ trưởng, đến nay đã có 1 triệu lượt người truy cập cơ sở dữ liệu này.
Về giải pháp ngăn chặn lừa đảo qua lộ, lọt thông tin cá nhân, Bộ Thông tin và Truyền thông đang buộc các doanh nghiệp khi muốn tiếp cận khách hàng, cần làm việc với nhà mạng để hiện tên, chứ không hiện số điện thoại.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý một số vụ mua bán thông tin dữ liệu cá nhân, để răn đe, truyền thông rộng rãi, đồng thời tiến hành thanh tra các nhà mạng một cách toàn diện về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trong năm nay và với các công ty bưu chính, mạng xã hội trong đầu năm sau. Bộ cũng đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ dữ liệu cá nhân để người dân, doanh nghiệp biết, tự bảo vệ.
Xác thực điện tử trên cơ sở dữ liệu dân cư là dịch vụ có điều kiện
Giải trình về nội dung trong Nghị định định danh xác thực điện tử, doanh nghiệp được cấp phép dịch vụ xác thực điện tử trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) nêu, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết khi Chính phủ bàn về vấn đề này, cũng cân nhắc rất kỹ lưỡng, nhiều chiều và các Bộ chuyên ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp cũng đã đồng ý với phương pháp này, theo đề xuất của Bộ Công an.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý. Theo thông lệ, Bộ Công an sẽ trực tiếp cấp xác thực, nhưng khi để đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp thực hiện thì phải có điều kiện (theo quy định của Bộ Công an). Xác thực điện tử trên cơ sở dữ liệu dân cư là một phần nhỏ của tổng thị trường xác thực điện tử, do vậy vẫn đảm bảo tính cạnh tranh theo cơ chế thị trường ở lĩnh vực xác thực điện tử nói chung.
Gỡ bỏ trên 2.000 quảng cáo về thực phẩm chức năng phản cảm
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề cập đến quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, nội dung phản cảm và xảy ra trên các nền tảng xuyên biên giới, mà chủ yếu là mạng YouTube. Về vấn đề này, theo Bộ trưởng, đây là loại quảng cáo theo thuật toán hướng đến đối tượng của các nền tảng xuyên biên giới như YouTube và cũng là một mô hình kinh doanh của các nền tảng này.
Khó khăn trong quản lý quảng cáo hướng đối tượng là người A nhìn thấy nhưng người B không nhìn thấy, trong khi cơ quan quản lý nhà nước chưa có công cụ để phát hiện ra các quảng cáo loại này. “Người dân có nhìn thấy thì cũng không lưu được quảng cáo này để gửi cho các cơ quan quản lý để xử lý”, Bộ trưởng chia sẻ.
Theo Bộ trưởng, giải pháp trước mắt là người dân chụp ảnh màn hình gửi đến cơ quan Thông tin-Truyền thông và cơ quan chức năng sẽ dùng hình ảnh này để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ xuống. Đến nay trên 2.000 quảng cáo sai sự thật, quảng cáo về thực phẩm chức năng phản cảm đã được gỡ xuống. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện thể chế để xử lý vấn đề này. Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị Bộ Y tế chủ động tham gia mạnh mẽ, rà quét, phát hiện các quảng cáo sai, phản cảm về thuốc, thực phẩm chức năng và gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện gỡ bỏ.
Về việc các đài, báo hợp tác với các công ty quảng cáo để làm ra các clip quảng cáo thực phẩm chức năng rất phản cảm, vi phạm pháp luật, nhưng được cho là được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý cho phát hành, như một số đại biểu Quốc hội phản ánh, Bộ trưởng khẳng định Bộ Thông tin và Truyền thông không có sự hợp tác này giữa các đài, báo với các công ty làm quảng cáo và Bộ cũng không cấp bất kỳ một loại giấy phép nào liên quan. “Đây là hành vi giả mạo, cắt dán, lắp ghép một số nội dung của đài báo vào quảng cáo. Và đây là hành vi vi phạm pháp luật”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết thêm, hành vi này nở rộ từ năm 2021 đến nay, chủ yếu là trên mạng Facebook và YouTube.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đài, báo tuyên truyền để người dân biết về hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời yêu cầu YouTube, Facebook gỡ bỏ các quảng cáo này. Tiếp theo, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ gửi các hồ sơ vi phạm của các công ty quảng cáo, nhãn hàng và các công ty sản xuất thực phẩm chức năng cho Bộ Y tế, Bộ Công Thương để thanh tra, kiểm tra toàn diện và xử lý thật nghiêm các đối tượng này.
Nghiên cứu ý tưởng tài khoản đào tạo miễn phí trọn đời
Chia sẻ ý kiến của đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Định) về đề xuất ý tưởng mỗi người dân có một tài khoản đào tạo miễn phí trọn đời, trên nền tảng số dùng chung, một nền tảng là toàn dân dùng, Bộ trưởng bày tỏ quan điểm, đây là đề xuất ý tưởng hay.
Bộ trưởng khẳng định, hiện nay một số bộ, ngành tổ chức đã xây dựng nền tảng số dùng chung cho ngành của mình trong lĩnh vực của mình. Ví dụ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng một nền tảng đào tạo trực tuyến cho tất cả người dân, cho cán bộ, công chức nhưng chỉ xoay quanh nội dung là kỹ năng số cơ bản.
“Bộ Thông tin và Truyền thông xin phép được nghiên cứu ý tưởng này và sẽ sớm có đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng một nền tảng đào tạo trực tuyến phục vụ cho việc học cả đời của người dân Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nêu các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề đại biểu nêu về cơ sở dữ liệu đất đai chậm triển khai.
Kết thúc phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn ý kiến đại biểu Quốc hội nêu và cho rằng các câu hỏi chất vấn rất đa dạng, trách nhiệm và đặc biệt, đã mở ra nhiều cách tiếp cận mới giúp cho ngành Thông tin và Truyền thông phát triển.
Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh một số quan điểm quản lý của ngành. Đó là ngành nào quản lý lĩnh vực nào trong thế giới thực thì cũng sẽ quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng. Dữ liệu cá nhân là tài sản của cá nhân, mỗi người phải biết tự bảo vệ. Nền tảng số Việt Nam là lời giải căn bản cho chuyển đổi số Việt Nam. Đại học số là lời giải nhân lực số Việt Nam. Để phát triển không gian mạng lành mạnh, an toàn, cần phải vừa hoàn thiện thể chế, vừa xây dựng văn hóa số. Năm 2023 sẽ là năm dữ liệu số, trong đó tập trung giải quyết các vấn đề dữ liệu số, nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số.../.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/quyet-liet-bao-ve-du-lieu-thong-tin-ca-nhan-cua-cong-dan/264568.html