Quyết liệt, cấp bách trong giảm ô nhiễm nhựa đại dương

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm nhựa đại dương đã ở mức báo động, đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc của các quốc gia và người dân trên toàn thế giới. Theo thông kê các tổ chức quốc tế, hằng năm, khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, cứ mỗi phút lại có một xe tải chở đầy rác đổ ra biển. Trên toàn cầu, lượng rác thải nhựa rắn phát sinh hằng năm tương đương hơn 520 nghìn tỷ ống hút nhựa, đủ để quấn quanh trái đất khoảng 2,8 triệu lần. Việt Nam là một trong số những nước có lượng lớn rác thải nhựa ra đại dương, nên mỗi chúng ta cần phải nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy hành động nhằm giảm thiểu tối đa mức độ ô nhiễm môi trường biển.

Túi ni lon, cốc/khay nhựa đang được người dân sử dụng hằng ngày, là nguồn xả thải ra môi trường lớn

Túi ni lon, cốc/khay nhựa đang được người dân sử dụng hằng ngày, là nguồn xả thải ra môi trường lớn

Đồ nhựa dùng vô tội vạ

Mới đây, Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” 2022 được phát động lần thứ 2 cho thấy tầm quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường biển. Theo lãnh đạo tổ chức Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, nếu chúng ta không sớm có sự can thiệp, ngăn chặn việc thải nhựa ra môi trường biển, cuộc sống của các thế hệ sau sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nhựa có thể dần chiếm lĩnh không gian sống của các loài sinh vật biển, phá hoại nguồn tài nguyên thiên nhiên đã ban tặng cho con người”.

Quả thực, trong cuộc sống hằng ngày, mỗi gia đình, người dân đã và đang xả thải rất nhiều chất thải nhựa ra môi trường mà không đắn đo, suy nghĩ. Đơn cử như, mỗi lần đi chợ về, các chị em tay xách nách mang các loại túi ni lon lớn bé để đựng đồ.

Chưa kể, những gia đình có trẻ nhỏ, ngày nào cũng tiêu thụ đều đặn các loại nước ngọt, sữa chua (váng sữa), kem… phát sinh nhiều loại vỏ chai/hộp nhựa ra môi trường.

Đang là dịp hè, các cửa hàng ăn, quán nước cũng gia tăng việc sử dụng cốc nhựa, khay nhựa, hộp xốp, túi ni lon, ống hút… phục vụ khách hàng ăn uống tại chỗ hoặc mang về. Có vẻ như, nếu không có những vật dụng dùng để chứa/đựng đồ ăn, thức uống này thì các hàng quán, khách hàng không biết phải xoay sở như thế nào trong mua bán, tiêu dùng.

Sự tiện lợi của túi ni lon khiến mọi người lệ thuộc thái quá, lâu ngày hình thành thói quen sử dụng các loại đồ nhựa gây hại cho môi trường. Bà Hà Thị Hường, phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên cho biết: "Trước đây, tôi thường mua túi ni lon về đựng rác, nhưng nay, tái sử dụng lại những túi cũ. Mỗi lần đi chợ về, tôi đều chọn những túi nilon lành lặn, cất đi dùng dần. Thế mà có đợt túi ni lon nhiều, dùng mãi không hết, lại phải bỏ bớt cho đỡ chật nhà".

Theo báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo do Bộ TN&MT công bố, số lượng nhựa tiêu thụ bình quân trên đầu người tại Việt Nam năm 1990 từ 3,8kg/người/năm đến nay đã tăng lên gấp nhiều lần. Con số này khiến chúng ta không khỏi giật mình trước bởi sự xâm chiếm mạnh mẽ của rác thải nhựa trong đời sống con người.

Trên địa bàn tỉnh ta, ước tính, lượng rác thải phát sinh hơn 900 tấn/ngày, trong đó có rác thải nhựa. Phương pháp xử lý rác thải chủ yếu là chôn lấp thông thường và đốt. Tuy nhiên, các bãi chôn lấp và cơ sở xử lý rác thải đang hoạt động chưa đáp ứng quy chuẩn về môi trường. Còn lò đốt thì quá tải, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

Rác thải nhựa trong đại dương có nguồn gốc từ đất liền. Trong đó, hơn 37% rác thải nhựa thải ra môi trường biển là bao bì, gần 30% là đồ gia dụng. Cũng theo các chuyên gia, nếu chúng ta cứ sử dụng chất thải nhựa như hiện nay, vào năm 2050, tại các đại dương, nhựa sẽ nhiều hơn cá. Chưa kể, tình trạng thủy, hải sản đang bị nhiễm nhựa do ăn/nuốt phải các hạt vi nhựa trong nước.

Túi ni lon, hộp xốp bức tử nhiều hồ, ao

Túi ni lon, hộp xốp bức tử nhiều hồ, ao

Tác hại ô nhiễm nhựa đối với môi trường nói chung, đại dương nói riêng ai cũng biết, nhưng hành động như thế nào lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Chia sẻ của một chủ quán ăn tại phường Ngô Quyền cho thấy, chị này từng có ý định mua bát/hộp giấy thân thiện với môi trường để đựng đồ ăn cho khách thay vì dùng hộp xốp như hiện nay. Nhưng do giá thành sản phẩm cao, khoảng 3.000 đồng/bát giấy nên ý tưởng nói không với hộp xốp chưa thể thực hiện được.

Nhiều tiểu thương lo ngại “chiếc bánh lợi nhuận” của mình bị thâm hụt, trong khi tâm lý các khách hàng lại không muốn chia sẻ hoặc gánh thêm khoản chi phí phụ thu, nên phần lớn các hàng/quán hiện nay chưa có điều kiện sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là, đối với các doanh nghiệp lớn, họ ngày càng chú trọng đến vấn đề rác thải nhựa. Điển hình như chuỗi cửa hàng Tokyolife, thời gian qua, doanh nghiệp luôn kiên định nói không với túi ni lon hoặc thu phí bảo vệ môi trường mà không sợ mất lòng khách hàng.

Tại đây, khách hàng khi thanh toán sẽ được nhân viên thông báo sẽ tính phí bảo vệ môi trường (khoảng 25.000 đồng) nếu có nhu cầu sử dụng túi ni lon. Bên cạnh những khách hàng cảm thấy phiền hà, vẫn có nhiều người vui vẻ, sẵn sàng bỏ hàng vừa mua vào cốp xe mà không sử dụng túi ni lon. Hưởng ứng tinh thần bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, các khách hàng cho rằng Tokyolife có ý tưởng hay, mô hình cần được lan tỏa rộng rãi hơn.

Sẽ có cơ chế thu phí

Trước bối cảnh đời sống đang bị ảnh hưởng nặng nề về rác thải nhựa, mỗi người dân cần có những hành động thiết thực với tinh thần quyết liệt, cấp bách hơn nữa. Bên cạnh nâng cao nhận thức của người dân, cần có cơ chế thúc đẩy thị trường tiêu thụ túi thân thiện với môi trường, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất túi ni lon khó phân hủy trên địa bàn, đặc biệt là nhóm sản xuất quy mô hộ gia đình.

Đối với Vĩnh Phúc, tỉnh đã phê duyệt Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt vệ sinh môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các cơ sở xử lý tập trung, hoàn thành việc cải tạo phục hồi môi trường và tái sử dụng cho 100% diện tích đất lấp rác tạm hiện nay.

Tỉnh dành hơn 1 nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và huy động hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa phục vụ công tác xử lý rác thải, bảo vệ môi trường; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn; nói không với túi ni lon và rác thải nhựa; xây dựng, hoàn thiện, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia hoạt động thu gom, xử lý rác thải và các hoạt động khác, góp phần giảm thiểu rác thải sinh hoạt...

Đến nay, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ TN&MT xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rác thải nhựa từ đất liền ra đại dương. Phấn đấu năm 2025, sử dụng 100% túi ni lon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất, cung cấp các loại túi nilon khó phân hủy kể từ năm 2026.

Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thu/nộp thuế bảo vệ môi trường và chống gian lận thương mại để bảo hộ các sản phẩm đã được công nhận túi ni lon thân thiện với môi trường; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm cả chất thải nhựa trên nguyên tắc người phát sinh ra chất thải phải trả tiền thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý.

Tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, tiếp nhận vốn, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý chất thải nhựa; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm giải quyết đồng bộ, hiệu quả vấn đề rác thải nhựa.

Bài, ảnh: Hà Trần

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/80991/quyet-liet-cap-bach-trong-giam-o-nhiem-nhua-dai-duong.html