Quyết liệt chặn tín dụng đen

Nhu cầu vay vốn dịp cuối năm tăng cao, vấn nạn tín dụng đen càng trở nên phức tạp. Nhiều chiêu thức của đối tượng cho vay nặng lãi đang 'bủa vây' người dân.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở núp bóng công ty Luật để đòi nợ theo kiểu giang hồ. Ảnh: CACC.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở núp bóng công ty Luật để đòi nợ theo kiểu giang hồ. Ảnh: CACC.

Tín dụng đen nhắm tới người lao động khó khăn

Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống công nhân lao động năm 2023, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khảo sát với 2.982 người lao động (NLĐ) cho thấy, chỉ có 24,5% NLĐ cho biết tiền lương và thu nhập đủ đáp ứng chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% cho biết thu nhập hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu. Đáng chú ý, do khó khăn trong đời sống, thu nhập không đủ chi tiêu nên có 17,3% NLĐ thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% người thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng, bất an.

Các ổ nhóm tội phạm hoạt động cho vay lãi suất cao cũng lợi dụng thời điểm cuối năm nhiều người dân bí tiền đã mời gọi cho vay. Ông Lâm Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM cho biết, tín dụng đen đã len lỏi vào đoàn viên, công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp với nhiều hình thức tinh vi và rất đa dạng. Tín dụng đen cũng tập trung vào những NLĐ gặp khó khăn đột xuất mà quên đi mức lãi suất. Khi phải trả lãi ngày, lãi tháng, họ không đủ khả năng trả nợ, dẫn đến tình trạng lãi chồng lãi; có những trường hợp không có lối thoát.

Đáng chú ý chỉ trong vòng tháng cuối năm 2023 các đối tượng cho vay lãi suất cao cũng liên tiếp bị cơ quan chức năng triệt phá. Trong đó Đội trọng án Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM đã đấu tranh, triệt phá 2 chuyên án, bắt giữ 6 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và cưỡng đoạt tài sản.

Theo thông tin trong chuyên án 1, Cơ quan Công an đã bắt giữ đối tượng Hồng Long (SN 1996, ngụ tại quận 6, cầm đầu) cùng 3 đồng phạm: Hà Nguyễn Ngọc Thịnh (SN 1999), Lưu Thanh Tuấn (SN 2003), Lê Văn Hiếu (SN 1977). Các đối tượng này được Long trả lương hàng tháng từ 8-10 triệu đồng để thực hiện việc đi thu tiền lãi suất cho Long (lãi suất lên đến 540%/1 năm).

Khi người vay không trả lãi đúng hẹn thì Long chỉ đạo đồng bọn nhắn tin đe dọa, dùng sơn pha trộn với mắm tôm và chất bẩn khác tạt vào nhà người vay. Nếu người vay vẫn không trả, chúng sẽ tạt vào nhà người thân hoặc láng giềng của người vay để gây áp lực đòi nợ.

Theo Cơ quan công an, hoạt động này đã diễn ra từ năm 2022 đến nay.

Ông Lê Vinh Tùng - Phó trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) thông tin, trong năm qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 538 vụ án/944 bị can; xử phạt hành chính 305 vụ/396 đối tượng; trong đó khởi tố 485 vụ/772 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; khởi tố 27 vụ/35 bị can về tội cố ý gây thương tích, 17 vụ/108 bị can về tội cưỡng đoạt tài sản…

Đáng chú ý, cơ quan công an phát hiện, các đối tượng người nước ngoài đã đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp (DN) có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính, tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay với lãi suất trên 1.000%/năm.

Xử lý nghiêm vi phạm pháp luật liên quan cho vay nặng lãi

Tín dụng đen đang có những diễn biến khá phức tạp và nguy hiểm hơn khi tội phạm tín dụng đen truyền thống đã kết hợp với công nghệ, có những thủ đoạn đòi nợ gây phẫn nộ trong dư luận, kéo theo nhiều hệ lụy.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nếu trước đây tội phạm tín dụng đen thường dán quảng cáo cho vay ở cột điện, các bức tường thì hiện nay chúng đã sử dụng công nghệ, biến tướng dưới dạng các cơ sở kinh doanh cầm đồ, DN kinh doanh tài chính. Gần đây lực lượng chức năng đã phát hiện thủ đoạn các đối tượng thành lập DN gồm công ty tài chính, DN, công ty luật để mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản.

Để đẩy lùi tín dụng đen, triệt phá các ổ nhóm cho vay nặng lãi cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là các quy định về giao dịch, vay mượn cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động tín dụng đen. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ sở kinh doanh có điều kiện hoạt động tín dụng đen; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật có liên quan cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự...

Đặc biệt cơ quan chức năng, trong đó Bộ Công an cần chỉ đạo toàn lực lượng kiên quyết tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen một cách triệt để; phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời chặn, xóa những quảng cáo trái phép, trang web, đường dẫn, ứng dụng liên quan đến hoạt động này xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các cá nhân, DN có liên quan theo quy định.

Cùng với các giải pháp trên, để xử lý nạn tín dụng đen thì phía Ngân hàng Nhà nước cần phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng loại hình cho vay với thủ tục nhanh gọn, thuận tiện hơn; tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các ví điện tử... không để các đối tượng móc nối hoạt động "tín dụng đen”.

TS Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc - Trưởng Bộ môn Nghiệp vụ ngân hàng thương mại, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, ngân hàng và người đi vay cần thiết lập mối quan hệ tốt với nhau. Ngân hàng, công ty tài chính tạo điều kiện tiếp cận vốn; còn người cần vay phải tăng cường kiến thức về tài chính, trong đó có tài chính tiêu dùng. Khi phát sinh nhu cầu vay thì phải hiểu được các định chế tài chính, tổ chức tài chính phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của bản thân để tiếp cận dễ dàng. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên tăng cường giáo dục tài chính cho người dân.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quyet-liet-chan-tin-dung-den-10270584.html