Quyết liệt chống buôn lậu trang thiết bị y tế trong mùa dịch
Cùng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu trang thiết bị y tế phòng, chống dịch, đặc biệt là khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, máy đo thân nhiệt… tăng đột biến và trở thành những mặt hàng 'nóng' được các đối tượng buôn lậu (cả nhập và xuất khẩu lậu) tập trung vận chuyển. Nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm này, cùng với các cơ quan chức năng khác, lực lượng Hải quan đã có nhiều giải pháp kịp thời, hiệu quả
Theo cơ quan Hải quan, khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, máy đo thân nhiệt… là những hàng hóa thông thường, trị giá không cao, không phải hàng cấm hay hàng hóa hạn chế xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, trước yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 của cả Việt Nam và nhiều quốc gia, nguồn cung các sản phẩm này ở nhiều nơi, nhiều thời điểm không đủ đáp ứng nhu cầu, đã tạo ra làn sóng buôn lậu, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả...
Đáng chú ý, để trục lợi, các đối tượng đã gia tăng sản xuất khẩu trang kém chất lượng hoặc đầu cơ hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nâng giá bán khẩu trang y tế cho người dân. Cùng đó, lợi dụng việc giá khẩu trang và các thiết bị y tế phục vụ cho việc phòng, chống dịch bệnh tăng cao tại Trung Quốc, một số đối tượng còn thu gom khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay... vận chuyển, buôn lậu qua biên giới để kiếm lời.
Những hành vi nói trên không chỉ gây khan hiếm nguồn hàng trong nước, mà việc qua lại biên giới bất hợp pháp để vận chuyển hàng hóa còn tiềm ẩn nguy cơ cao về lây nhiễm dịch bệnh, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.
Nhằm ngăn chặn, ngay từ ngày 28/1/2020, Bộ Tài chính đã có Chỉ thị số 01/CT-BTC về tăng cường công tác phòng chống đối với dịch bệnh, yêu cầu Tổng cục Hải quan phải thực hiện khẩn trương 6 nhiệm vụ, trong đó có việc chỉ đạo các Cục hải quan địa phương tăng cường công tác kiểm soát, giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có dịch bệnh.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu Hải quan phối hợp với các cơ quan chức năng khác tổ chức kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu đối với các mặt hàng và nguyên liệu phục vụ cho quá trình sản xuất các trang thiết bị y tế và các mặt hàng thuốc, máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Theo Tổng cục Hải quan, thực hiện chỉ đạo, Hải quan các địa phương đã nhanh chóng, kịp thời bố trí nhân, vật lực, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nhất là công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Điển hình tại khu vực cửa khẩu của tỉnh Lào Cai – nơi có các cửa khẩu và tuyến biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc, Cục Hải quan Lào Cai đã tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, nhất là các mặt hàng liên quan đến trang thiết bị y tế, như: khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn… Đặc biệt, Đội Kiểm soát hải quan Lào Cai đã chủ trì phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng trên địa bàn liên tiếp bắt giữ các vụ việc liên quan đến hành vi xuất khẩu khẩu trang sang Trung Quốc tại địa bàn TP. Lào Cai với tổng số lượng khẩu trang thu giữ lên đến hàng chục nghìn chiếc.
Trong khi đó, tại tỉnh Cao Bằng - địa phương có hơn 300 km đường biên giới với Trung Quốc – lực lượng Hải quan tại các cửa khẩu cũng liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển hàng hóa y tế nhằm xuất lậu sang Trung Quốc. Điển hình, cơ quan chưc năng của địa phương này vừa phát hiện, bắt giữ một đối tượng vận chuyển 8 thùng carton loại khẩu trang y tế có nhãn mác là Famapro, xuất xứ Việt Nam không có hóa đơn chứng từ vào mốc 785 thuộc cửa khẩu Pò Peo để bán sang Trung Quốc kiếm lời. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng của tỉnh Cao Bằng lại phát hiện, bắt giữ 120 bộ đo thân nhiệt hồng ngoại (dạng cầm tay), không ghi xuất xứ cụ thể.
Tương tự tại các địa bàn biên giới trọng điểm giáp Trung Quốc ở các địa phương, như: Lạng Sơn, Quảng Ninh,… lực lượng Hải quan và các cơ quan chức năng cũng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc xuất lậu khẩu trang sang Trung Quốc.
Trước diễn biến chưa có chiều hướng “giảm nhiệt” của các hoạt động buôn lậu trang thiết bị y tế, ngày 20/2, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan, ông Lưu Mạnh Tưởng tiếp tục có văn bản số 977/TCHQ-ĐTCBL chỉ đạo Cục hải quan các địa phương tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng phòng chống dịch 2019-nCoV. Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trong ngành tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành hữu quan về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là chỉ đạo của Bộ Tài chính và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng phòng chống dịch 2019 - nCoV.
Tổng cục Hải quan nêu rõ, căn cứ diễn biến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhóm mặt hàng phòng chống dịch 2019 - nCoV diễn ra trên địa bàn quản lý, Thủ trưởng các đơm vị chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường công tác tuần tra kiểm soát phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ buôn lậu, vận chuyến trái phép các mặt hàng phòng chống dịch 2019 - nCoV. Đồng thời, phối hợp chia sẻ thông tin, phối hợp với các lực lượng chức năng, như: Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển… để đấu tranh, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm.