Quyết liệt chống buôn lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm

Thực hiện chỉ đạo kịp thời, sát sao của Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, UBND Thành phố, các lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo (BCĐ) 389. TP Hà Nội, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội trong tháng 5-2020 đạt được kết quả nhất định.

Lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra, xử lý vụ gian lận thương mại trên địa bàn huyện Phúc Thọ

Lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra, xử lý vụ gian lận thương mại trên địa bàn huyện Phúc Thọ

Chọn vấn đề “nóng” để tập trung giải quyết

Ông Chu Xuân Kiên – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó trưởng ban Thường trực BCĐ 389 TP. Hà Nội cho biết, trong tháng 5, diễn biến tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn cả nước nói chung và TP. Hà Nội nói riêng đã có những dấu hiệu tích cực. Theo đó, các hoạt động kinh doanh thương mại bắt đầu trở lại hoạt động bình thường. Tình hình cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân trên địa bàn Thành phố về cơ bản ổn định.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, UBND Thành phố, và cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong BCĐ 389. TP, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm vẫn tiềm ẩn phức tạp. Một số đối tượng tập kết hàng lậu từ nước ngoài để vận chuyển về Hà Nội nhằm kinh doanh, buôn bán kiếm lời.

Đặc biệt, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm lớn về thực phẩm (bánh kẹo, nước giải khát, sữa chua uống, bột pha chế, trà, siro, đường đen...) không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.

Chủ động nhìn nhận, phân tích tình hình, BCĐ 389 TP. Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Kế hoạch của BCĐ389 Quốc gia về tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam...

Tiếp tục chống dịch bệnh, xử lý nghiêm mọi vi phạm

Trong tháng 5, các lực lượng chức năng thuộc BCĐ 389 đã tổ chức thanh kiểm tra 1.262 vụ; xử lý 875 vụ; tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu gần 80 tỷ đồng.

Cùng với đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực, với gần 800 vụ, việc bị thanh tra, kiểm tra; hơn 300 trường hợp bị xử lý hành chính với tổng số tiền xử phạt gần 2,5 tỷ đồng.

Nhiều đơn vị đạt kết quả cao, như Công an thành phố chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, xác lập chuyên án đấu tranh, nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn, đối tượng nhằm triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Đặc biệt, CATP chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường và các phòng nghiệp vụ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép nhằm góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Trong tháng, Công an thành phố đã khám phá, phát hiện 117 vụ; xử lý 94 vụ, phạt hành chính 845 triệu đồng; truy thu thuế hơn 13 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm hơn 4 tỷ đồng. Khởi tố 1 vụ - 3 đối tượng.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra 213 vụ; xử lý 127 vụ. Phạt hành chính gần 1,5 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu, hàng buộc tiêu hủy, chuyển đổi mục đích sử dụng gần 1,4 tỷ đồng.

Ông Chu Xuân Kiên nêu rõ, trong thời gian tới, BCĐ 389 TP. tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm các văn bản của Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, UBND Thành phố trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đặc biệt là Kế hoạch số 35/KH-BCĐ389/TP ngày 18/02/2020 của BCĐ 389/TP về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu, các địa bàn trọng điểm như chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), ga đường sắt Yên Viên, ga Gia Lâm, sân bay quốc tế Nội Bài,... các mặt hàng trọng điểm như rượu, bia, thuốc lá, xăng dầu, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm tươi sống…

MH

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/quyet-liet-chong-buon-lau-vi-pham-ve-sinh-an-toan-thuc-pham/855250.antd