Quyết liệt chống dịch tại những 'điểm nóng'

Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 với hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia nhấn mạnh: Các khu công nghiệp (KCN) tập trung đông người, vì vậy phải kiểm soát bằng được các ổ dịch trong KCN ở Bắc Ninh, Bắc Giang, không được để lan ra các KCN khác trong hai tỉnh này và trong toàn quốc.

Kiểm soát bằng được các ổ dịch trong khu công nghiệp

Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến trưa 17/5, Bắc Ninh có 7/8 huyện, thị, thành phố đã ghi nhận ca mắc COVID-19, riêng huyện Thuận Thành có đến 211 ca; chỉ huyện Gia Bình là chưa ghi nhận ca mắc. Trong số các bệnh nhân COVID-19 ở Bắc Ninh có 13 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong đó 3 bệnh nhân phải thở máy.

Tỉnh Bắc Ninh đã triển khai xét nghiệm trên diện rộng tất cả trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và người lao động liên quan đến các KCN; năng lực xét nghiệm đạt từ 30.000-50.000 mẫu gộp/ngày.

Tỉnh Bắc Giang đã có nhiều ổ dịch, trong đó phải kể đến ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (liên quan đến Bệnh viện K Hà Nội) với 4 ca mắc COVID-19 và đã được khống chế; ổ dịch tại Công ty SJ Tech - KCN Vân Trung (liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) với hơn 100 ca mắc, cơ bản đã qua đỉnh dịch. Riêng ổ dịch tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam trong KCN Quang Châu (huyện Việt Yên) ổ dịch phức tạp, có tốc độ lây lan nhanh do công nhân làm việc trong phòng lạnh, khép kín; đã ghi nhận hơn 150 ca mắc.

Nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch

Bản tin 12 giờ trưa 17/5 của Bộ Y tế cho biết vừa ghi nhận thêm 28 ca mắc COVID-19 trong nước, tại các ổ dịch đã cách ly, phong tỏa, trong đó Bắc Giang có 14 ca, Điện Biên 7 ca, HàNam 5 ca, Lạng Sơn 2 ca. Như vậy, tính đến trưa cùng ngày, Việt Nam đã ghi nhận 2.774 ca bệnh trong nước và 1.468 ca bệnh nhập cảnh, trong đó số lượng mắc tính từ ngày 27/4 đến nay là 1.204 ca.

Theo thông tin từ Tiểu ban Điều trị, Việt Nam đã điều trị khỏi 2.668 ca. Trong 1.449 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại 61 cơ sở y tế có 2 ca nguy kịch nhất: bệnh nhân 2983, nữ, 65 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và bệnh nhân 3019, nam, 54 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Hai bệnh nhân này có nhiều bệnh nền, đang phải can thiệp tim phổi nhân tạo (ECMO). Ngoài ra, 15 bệnh nhân khác cũng đang nguy kịch, phải thở máy xâm nhập, điều trị hồi sức tích cực; 4 ca nặng phải thở máy không xâm nhập. Bệnh nhân là bác sĩ (25 tuổi, nam), công tác tại Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên đang phải thở oxy qua ống thông.

Tiếp nhận 1.682.400 liều vắc xin do COVAX Facility tài trợ

Đêm 16/5, 1.682.400 liều vắc xin do COVAX Facility tài trợ cho Việt Nam đã được chuyển đến kho lạnh của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tại Hà Nội. Lô vắc xin Vaxzevria này (trước đây được gọi là vắc xin COVID-19 AstraZeneca) do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển, được vận chuyển từ cơ sở sản xuất của Catalent Biologics ở Anagni (Ý); các thùng vắc xin được vận chuyển trong môi trường nhiệt độ đúng quy định.

1.682.400 liều vắc xin trên nằm trong số 4,1 triệu liều vắc xin được COVAX Facility cam kết hỗ trợ cho Việt Nam. Trước đó, vào tháng 4 vừa qua, Việt Nam đã nhận lô vắc xin đầu tiên từ COVAX Facility - cơ chế do Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), Liên minh Vắc xin, Gavi và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng khởi xướng, UNICEF là đối tác triển khai chính.

Tính đến chiều 16/5, tổng cộng 979.238 liều vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm cho cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trịbệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết…, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, hơn 22.500 người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19.

Tại Phú Yên, những ngày qua có nhiều người đi/về từ các địa phương có dịch. Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đề nghị người dân Phú Yên về từ các địa phương có dịch phải khai báo y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi bà con sinh sống; không khai báo online.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, bà con không nên qua lại giữa các địa phương có dịch; tốt nhất là hãy ở tại địa phương cho qua giai đoạn cao điểm. Khi có người từ các tỉnh thành có dịch đến lưu trú tại khách sạn, nhà nghỉ, homestay, nhà trọ…, chủ cơ sở lưu trú phải nắm thông tin, khai báo y tế và thực hiên nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đối với cơ sở lưu trú, đề phòng nguy cơ lây nhiễm.

QUỲNH NHƯ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/255769/quyet-liet-chong-dich-tai-nhung--diem-nong.html